Ùn ùn đưa nông sản lên biên giới

Bộ Công Thương vừa cung cấp thông tin mới nhất về diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc từ ngày 15/2 đến 12h00 ngày 16/2.

Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: Đang tồn 376 xe nông sản, trái cây như thanh long, mít, ớt, nhãn (hơn ngày 15/2 là 84 xe).

Cửa khẩu Tân Thanh: Không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 1 xe thanh long. Cửa khẩu Cốc Nam: Không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm.

Cửa khẩu Chi Ma: Còn tồn 4 xe (1 xe tái nhập khẩu thạch đen, 1 xe hồ tiêu, 2 xe quả sung khô). Ga Đồng Đăng: Đã nhập khẩu 19 toa bát đĩa sứ, còn tồn 22 toa thép tròn.

Tại tỉnh Lào Cai, cửa khẩu Kim Thành II đang tồn hơn 365 xe trái cây các loại, chủ yếu là thanh long.

Đáng chú ý, lượng xe đang lên khu vực cửa khẩu tăng nhanh do thương lái, doanh nghiệp tăng cường chuyển hàng lên cửa khẩu khi thấy thông tin từ nhiều kênh khác nhau về việc xuất khẩu tại các cửa khẩu đang có tín hiệu thuận lợi.

{keywords}
Khuyến cáo rủi ro, vẫn bất chấp mang hàng lên cửa khẩu

Tại các tỉnh khác không có diễn biễn phát sinh so với ngày 14-15/2.

Trước đó, ngày 14/2, Bộ Công Thương đã phát đi khuyến cáo, kêu gọi các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Bộ Công Thương nêu rõ: Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và tác động nhiều mặt tới nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây. Do đó, các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bán cho Trung Quốc giá cao hơn trong nước?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng bán nông sản cho Trung Quốc "được giá" hơn tiêu thụ nội địa trong bối cảnh này. Do đó, các doanh nghiệp có tâm lý bất chấp, muốn chờ đợi động thái bên kia biên giới.

Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng lý giải việc tại cuộc họp ở Bộ này, một số nhà cung cấp dưa hấu, thanh long nói không cần "giải cứu" nữa. Một trong những lý do là họ muốn các siêu thị mua với giá cao hơn. Mặt khác họ nghe phong thanh Trung Quốc sắp mở trở lại các cặp chợ và trao đổi cư dân biên giới và do rất "khát" hàng trái cây nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trả giá cao hơn.

Theo ông Đông, căn bệnh cố hữu của một số doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nông sản là sản xuất thì manh mún nhưng sẵn sàng phá vỡ cam kết cung cấp hàng cho các nhà phân phối (nhất là nhà phân phối trong nước) khi có khách hàng trả giá cao hơn. Còn khi khó khăn không tiêu thụ được thì lại kêu gọi "giải cứu" hỗ trợ...

Trong khi, ông Đông cho rằng việc "giải cứu, hỗ trợ" tiêu thụ chỉ là giải pháp ngắn hạn. Muốn nông nghiệp phát triển bền vững phải sản xuất quy mô lớn và hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn, trong đó ưu tiên phát triển các doanh nghiệp tư nhân. Hai là phải sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc... để dễ vào hệ thống siêu thị và các thị trường nhập khẩu khó tính. Ba là hình thành văn hoá kinh doanh "giữ chữ tín" thực hiện theo đúng cam kết. Bốn là nông dân phải trở thành "người công nhân" ăn lương của các doanh nghiệp, còn việc đầu ra, đầu vào, thị trường... để các ông chủ doanh nghiệp lo. Năm là nhà nước nên chuyển sang hỗ trợ gián tiếp nông dân thông qua các các công cụ như bảo hiểm giá. Ngoài ra còn các vấn đề khác liên quan đến kho lạnh, logistics, công nghiệp chế biến...

"Tôi nghĩ phải giải quyết được những vấn đề lớn và đi vào bản chất như trên thì mới thoát khỏi cảnh 'giải cứu nông sản' và tình trạng 'không ăn khớp' giữa sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Cho rằng giải cứu không phải biện pháp căn cơ, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng kiến nghị: Sản xuất và tiêu thụ phải gắn liền thành một chuỗi chặt chẽ, có tính pháp lý, vừa quản lý được chất lượng hàng hóa, vừa chia sẻ được lợi ích một cách hài hòa trong chuỗi giá trị đó. Sản xuất nông sản vừa phải xây dựng được thương hiệu, tuân thủ nghiêm kỉ luật sản xuất và kỉ luật thị trường trong thu hoạch, chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản xuất với năng suất cao, chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh.

"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 'Sản xuất một loại hàng hóa nào đó cần phải biết ngay từ đầu là sản xuất bán cho ai, với giá nào, bán ở đâu và ở thời điểm nào là hiệu quả nhất?' Sản xuất phải gắn với các khu chế biến sản phẩm trong các nhà máy để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và một phần hỗ trợ cho việc dư cung những loại nông sản ở từng thời kỳ", ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Hà Duy

Thông hàng qua TQ giữa dịch bệnh, có 1 con đường an toàn, bán giá cao

Thông hàng qua TQ giữa dịch bệnh, có 1 con đường an toàn, bán giá cao

Trong khi hàng trăm xe container đang ùn ứ vì hoạt động thông quan tại các cửa khẩu gần như "tê liệt" thì nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển vẫn sống khoẻ, bán được giá cao hơn so với xuất bằng đường tiểu ngạch.