Từ việc có thể làm cho người ta đổi đời trong chốc lát, 4 năm trở lại đây, "cơn lốc" giao dịch lan đột biến diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mặc cơ quan chức năng liên tục có những cảnh báo, khuyến cáo, nhiều người vẫn bảo thủ, đâm đầu vào trò chơi đầy may rủi này.

Trong tuyến bài đi tìm giá trị thực của lan đột biến, PV VTC News bắt gặp những câu chuyện dở khóc dở cười. Khóc vì "đột quỵ" trong vườn lan đột biến, cười vì không còn nước mắt để khóc...

Trở lại một huyện miền núi Nghệ An, chúng tôi bắt gặp những căn nhà 3 tầng xếp lớp nối đuôi nhau trên quốc lộ 7. Trước đây, những căn nhà này chỉ có 2 tầng, nhưng nay lần lượt "đội" thêm 1 tầng đặc biệt: tầng trồng lan.

Điều dễ dàng nhận ra là nhiều người ở đây đang trồng lan theo phong trào. Nhà hàng xóm có, mình cũng phải có; nhà hàng xóm có giỏ lan 100 triệu, mình phải ráng có được giỏ 200 triệu. Chính vì thế, bây giờ, gần như cả làng đồng loạt "đột quỵ" vì lan đột biến.

Đột quỵ vì lan đột biến - 1

Vườn lan với hệ thống quạt gió, thoát nước, tưới tự động của anh G.

Trong hàng chục trường hợp được chúng tôi lưu lại, phải kể đến trường hợp của anh Đ.Q.G (ngụ huyện Con Cuông, Nghệ An). Năm 2019, anh G. từng khẳng định "đầu tư lan đột biến là đầu tư trí tuệ", anh G. cũng từ chối tiếp chúng tôi khi chúng tôi đặt nghi vấn lan đột biến bị thổi giá quá cao, tạo ra thị trường ảo. Thế nhưng hiện tại, sau hai năm đầu tư lan đột biến, anh G. đồng ý trò chuyện với chúng tôi với vai trò là một nạn nhân.

Theo lời kể của anh G., đầu năm 2019, bắt nguồn từ việc anh T. (cùng quê Con Cuông nhưng đi làm ở TP Vinh nhiều năm) trở về Con Cuông để mở rộng kinh doanh. Lúc này, mọi người trong vùng đều trầm trồ khi thấy anh T. đi xe sang, nói chuyện bạc tỷ.

Không lâu sau, anh T. xây dựng hệ thống vườn lan rộng 100m2, đồng thời mở những cuộc mua bán kie (mầm cây con được tách ra từ cây mẹ) tại vườn với giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Từ đây, mọi người rỉ tai nhau, anh T. thành đại gia là nhờ kinh doanh lan đột biến.

Là một trong những người "có của ăn của để" trong vùng nhờ kinh doanh điện máy, anh G. "khăn gói" tới làm thân với T. với mong muốn được chỉ cách làm giàu. Sau khi chứng kiến các cuộc giao dịch với những núi tiền tại vườn lan của T., anh G. lại càng tin rằng mình đang đi đúng đường.

"Nói là T. xúi tôi đi theo thì cũng không phải, thật ra nó chỉ phô ra những món hời dễ ăn để tôi học theo thôi. Ban đầu, tôi ngỏ ý đầu tư chung nó còn từ chối, bảo là nhỡ không suôn sẻ lại mất tình anh em. Thế nên, nó chỉ giới thiệu cho tôi các mối để tự liên hệ", anh G. kể.

Sau khi rút hết tiền gửi ngân hàng để làm khu vườn với hệ thống quạt gió, thoát nước, tưới tự động, anh G. vay mượn thêm người thân 300 triệu đồng để mua cây giống và kie về trồng. Theo dự tính của anh G., nếu thuận lợi như T. thì chỉ cần vài tháng là có thể bán và thu hồi lại gốc.

Thế nhưng, qua thăm vườn lan của anh G., T. vẫn lắc đầu vì không có cây đột biến. T. nói rằng các giao dịch khủng chỉ có lan đột biến mới tạo ra được. Từ đây, anh G. quyết định cầm cố ngân hàng để có tiền lùng sục lan đột biến.

"Thấy tôi đổ cả tỷ bạc nhưng chưa thu về được gì nên vợ tôi đâu có đồng ý cầm sổ đỏ ngân hàng. Nhưng lúc đó tôi làm căng quá, vợ tôi phải chấp nhận. Giờ nghĩ lại cảnh vợ vừa khóc vừa ký tên thế chấp mà tôi thấy tội lỗi quá.

Có tiền thế chấp, tôi mạnh bạo tham gia các livestream để mua lan theo kiểu xổ số. Người bán sẽ cầm một giỏ lan lên, ra giá, ai đồng ý thì bình luận đặt mua. Các giỏ lan này được người bán đảm bảo là chưa nở hoa, chắc chắn là cây đột biến", anh G. nói.

Đột quỵ vì lan đột biến - 2

Kie lan đột biến được rao với giá 999 triệu đồng trên Facebook.

Theo anh G., điều bất ngờ là tại các Livestream đều có rất nhiều người bình luận đặt mua, liên tục. Nhiều người còn mạnh tay trả giá cao hơn giá người bán đưa ra. Dù vậy, phạm vi giao dịch cũng chỉ là những người trong hội nhóm. Cây có giá trị lớn hay nhỏ phụ thuộc rất nhiều do bán ra từ hội nhóm nào, do ai chăm sóc...

"Nhiều lúc cây mình thấy đẹp, nhiều người cũng công nhận đẹp nhưng lại không ai mua. Mọi người đều ùa nhau trả tiền cho một cây được giao dịch nhiều lần, cứ mỗi lần giao dịch thì giá lại lên. Chính cách thổi giá làm nên giá trị của cây chứ dường như chẳng liên quan gì đến đột biến.

Hiện vườn tôi đang có một giò đột biến 5 cánh trắng, đợt đó tôi mua ở Hưng Nguyên với giá 200 triệu đồng, phải giành giật mãi mới mua được. Sau khi tôi mua về thì có người liên hệ mua lại với giá 230 triệu mà tôi không bán vì nghĩ sẽ lên giá. Cứ thế, nghĩ lướt sóng quá dễ dàng nên tôi đổ tiền tất tật tần vào các giò lan đột biến", anh G. cho hay.

Hiện các giò đột biến 5 cánh trắng của anh G. vẫn ở trong vườn và chưa nở. Chỉ có điều giá đã khác, từ hàng trăm triệu đồng, giờ rao bán vài chục triệu không ai mua. Lý do các giò này đã được nhân giống bằng cách nuôi cấy mô, tốc độ nhân giống nhanh theo cấp số nhân nên không còn hiếm.

"Dân gian nói đúng, tham thì thâm, tôi đang phải lãnh hậu quả của chính mình. Giờ vợ tôi ôm con về ngoại, tôi cũng không có tư cách gì để níu kéo.

Mọi người đừng thấy giao dịch tiền khủng mà ham, tất cả chỉ là ảo, làm màu rồi tiền ai lại về túi người đó thôi. Chiêu này để câu mồi, tôi là một con mồi đã cắn câu", anh G. thở dài.

Có thể thấy, việc giàu lên chóng vánh, đổi đời nhờ lan đột biến thực tế chỉ là câu chuyện truyền miệng, không xác thực. Chỉ có một sự thật là danh sách những người bị lừa vì lan đột biến thì ngày một dày thêm...

(Theo VTC News)

Những sự thật ngã ngửa về lan đột biến tiền tỷ

Những sự thật ngã ngửa về lan đột biến tiền tỷ

Lan đột biến gây sốt tại thị trường Việt Nam với những thương vụ giao dịch vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng nhưng phía sau nó là sự thật không phải ai cũng biết.