Bộ sưu tập bao gồm nữ trang cổ, ngọc quý, mũ sắt, bao kiếm… thuộc 4 bảo tàng ở bán đảo Crimea. Chúng được cho một bảo tàng ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan mượn vào năm 2014 – thời điểm Nga sáp nhập Crimea.

Năm năm sau, bộ sưu tập quý hiếm này vẫn trong vòng tranh cãi vì chính phủ Ukraine và các bảo tàng Crimea (hiện thuộc quyền quản lý của Nga) đều tuyên bố mình là chủ sở hữu, NBC News đưa tin ngày 16/3.

{keywords}
Vòng cổ thế kỷ 2 sau công nguyên được trưng bày tại triển lãm “Crimea – Vàng và bí mật Biển Đen” ở Bảo tàng Allard Pierson. Ảnh: AP.

Bộ sưu tập làm nổi rõ lịch sử phong phú của Crimea với tư cách là giao lộ giữa châu Âu và châu Á. “Trước đây Ukraine không cho mượn nhiều cổ vật trưng bày quý giá như vậy”, Bảo tàng Allard Pierson tuyên bố trước khi trưng bày bộ sưu tập tại Amsterdam năm 2014.

Bảo tàng của Hà Lan cho trưng bày nhiều cổ vật đến từ 4 bảo bàng ở Crimea và 1 bảo tàng ở Kiev – thủ đô của Ukraine.

Tháng 8/2018, Bảo tàng Allard Pierson trả lại các cổ vật mà họ mượn từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Ukraine. Tuy nhiên, trước các tuyên bố xung đột nhau về quyền sở hữu, bảo tàng của Hà Lan vẫn đang nắm trong tay 572 hiện vật gây tranh cãi.

Năm 2016, một tòa án Hà Lan ra phát quyết rằng, các cổ vật phải được trả lại cho Ukraine vì chúng là một phần của di sản nước này. Tuy nhiên, các bảo tàng Crimea kháng cáo.

{keywords}
Hộp sơn mài thế kỷ 1 sau công nguyên được trưng bày tại triển lãm “Crimea – Vàng và bí mật Biển Đen” ở Bảo tàng Allard Pierson. Ảnh: AP.

Đầu tuần này, phiên tòa phúc thẩm diễn ra ở Amsterdam. Marielle Koppenol-Laforce, luật sư đại diện các bảo tàng Crimea, nói rằng, các bảo tàng Crimea là nơi lưu trữ gốc của các cổ vật lịch sử tại thời điểm trưng bày ở Amsterdam và giờ họ vẫn vậy. Bà Koppenol-Laforce nói rằng, các cổ vật được tìm thấy trong đất Crimea – kết quả của nhiều năm nghiên cứu khảo cổ.

Bốn bảo tàng Crimea tuyên bố, một số cổ vật tốt nhất của họ được cho bảo tàng ở Amsterdam mượn theo điều khoản bảo đảm là sẽ được trả lại vô điều kiện. “Chúng tôi có quyền không thể tranh cãi với những hiện vật trưng bày này” và vụ việc phải được xử lý không có sự can thiệp chính trị, bốn bảo tàng Crimea tuyên bố.

Tuy nhiên, Maarten Sanders, một trong các luật sư đại diện quyền lợi của Ukraine, nói rằng, Crimea đã bị sáp nhập phi pháp; Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế không công nhận sự sáp nhập đó.

“Trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hà Lan và các tòa án của nước này không nên công nhận sự sáp nhập (bán đảo Crimea)”, luật sư Sanders nói.

Hiện giờ, Allard Pierson đang quản lý các cổ vật gây tranh cãi cho đến khi các đơn kháng cáo được giải quyết. Bảo tàng này nói họ đứng ngoài vụ kiện vì không phải là bên quyết định trả lại hiện vật cho ai.

Luật sư Koppenol-Laforce nói rằng, bà trông đợi quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào giữa tháng 6 tới.

(Theo Tiền phong)