Làm giàu từ rừng chè cổ

Nhắc đến Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), chắc hẳn nhiều người nghĩ ngay đến cái tên “Thiên đường mây”, bởi ở độ cao từ 1.500-3.000 mét so với mực nước biển, nơi đây quanh năm được mây trời bao phủ, chẳng khác nào tiên cảnh. Song, ít ai biết được rằng, ẩn mình sau màn mây trắng xoá lại là những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có những cây thân to cả người ôm không xuể, thân xù xì, rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân.  

Rừng chè Shan tuyết cổ thụ rộng tới 140.000 ha đang được đồng bào dân tộc Mông bảo vệ. Họ coi đây là “kho báu cổ” giúp mình thoát cảnh nghèo đói, vươn lên làm giàu.

{keywords}
Lên Tà Xùa, nhiều người nghĩ ngay tới "thiên đường mây" 

Dẫn chúng tôi lên thăm rừng chè, anh Mùa A Kênh ở bản Tà Xùa - một triệu phú trẻ vừa được huyện Bắc Yên tuyên dương là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước - khoe tất cả là nhờ vào 3ha chè Shan tuyết, trong đó có 2 ha rừng chè được nhà nước giao bảo vệ và khai thác; cùng với đó, năm 2018, anh chuyển 1ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp sang trồng chè Shan tuyết. 

Chỉ về phía những cây chè cổ thụ ngay trước mặt mình, anh Kênh tiết lộ, mấy năm gần đây chè bán được giá cao. Như năm vừa qua, anh thu khoảng 300 triệu đồng từ cây chè.

Anh Kênh cho biết, sở dĩ sản phẩm chè ở Tà Xùa bán được với giá cao là bởi chè cổ thụ Tà Xùa có hương vị đặc biệt thơm ngon, vị chát dịu tự nhiên, êm và dễ chịu, ngọt lâu, không đắng, khi uống dư vị chè luôn quấn quýt nơi đầu lưỡi.

Nhờ khí hậu quanh năm mát lạnh và bốn mùa chìm trong sương, mây, cây chè ở đây hấp thu hội đủ tinh tuý của đất trời, tạo nên hương vị riêng, trở thành một sản vật quý báu và thiêng liêng của bà con dân tộc Mông nơi đây. Song, lý do quan trọng hơn giúp chè của bà con đồng bào Mông bán được giá cao, đầu ra ổn định là nhờ bắt tay liên kết với doanh nghiệp.

{keywords}
Ẩn mình trong "thiên đường mây" là rừng trẻ cổ hàng trăm năm tuổi của đồng bào Mông 

Anh Mùa A Lừ, bản Mống Vàng (xã Tà Xùa), thừa nhận, dù sở hữu những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, nhưng trước năm 2017, cuộc sống của gia đình anh vẫn khá vất vả vì thương lái chỉ mua chè tươi chỉ với giá 20.000 đồng/kg. Song, từ khi tham gia liên kết sản xuất, giá bán ổn định ở mức 50.000-60.000 đồng/kg chè búp tươi, cao 2-3 lần so với giá bán trước đây.

“Ngày trước chúng tôi cũng tự sấy chè khô, rất vất vả mà không bán được giá cao. Khi người của công ty tìm đến, thấy cách chế biến của bà con chưa đảm bảo an toàn thực phẩm nên họ đặt vấn đề liên kết sản xuất, hứa thu mua giá cao, chúng tôi liền đồng ý”, anh Lừ nhớ lại. Sau đó, anh cùng bà con trong bản được phía doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè sao cho đảm bảo quy trình, giúp lưu giữ tối đa hương vị chè đặc sản địa phương. 

Với 60 gốc chè cổ thụ, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi vài chục triệu đồng, tạo nguồn thu nhập chính của gia đình, không còn đói nghèo nữa, anh chia sẻ.

{keywords}
Trước đây người Mông ở vùng Tà Xùa hái búp chè tươi và bán với giá khá rẻ
{keywords}
Mấy năm trở lại đây, nhờ liên kết sản xuất mà búp chè được giá cao, cây chè cổ trở thành sinh kế giúp người dân làm giàu, thành tỷ phú

Trưởng bản Bẹ (xã Tà Xùa) Mùa A Vàng kể, bố mẹ anh cũng có hơn trăm gốc chè cổ, ngày xưa không ai thèm để ý, giờ thành của để dành. Năm vừa rồi, bố mẹ chia cho các con mỗi người dăm ba chục gốc, riêng con trưởng được nhiều hơn. Ở bản Bẹ, hiện tại nhà nào có càng nhiều cây chè thì càng cầm chắc no ấm. Đó là bởi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, búp chè tươi bán được với giá rất cao, dân không còn phải lo bảo quản, sấy chè vất vả.

Phục dựng trà lưu giữ 100 năm

Ngồi bên chén trà xanh ấm nóng trong ngày tiết trời chuyển lạnh, bà Phạm Thị Việt Hà, đại diện doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất chè với bà con đồng bào Mông ở Tà Xùa, cho hay, nơi đây có rừng chè Shan tuyết vô cùng quý hiếm. Bà con trong bản xưa kia cũng có cách chế biến chè rất lạ lùng, không sao sấy mà cứ hái búp chè rồi để đấy, chè để lâu ngày lên men mốc rồi mới đem uống. Tuy nhiên, với cách làm thủ công, không đạt chuẩn nên giá trị đem lại cho bà con không cao.

Cách đây 5 năm, doanh nghiệp chè của bà được lãnh đạo huyện Bắc Yên tin tưởng, cùng kết hợp thực hiện việc cơ cấu, quy hoạch vùng nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ, tiến hành bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu bà con dân bản thu hái từ vùng trà cổ với dự án khởi đầu “Phục tráng và phát triển vùng trà Shan tuyết Tà Xùa”.

{keywords}
Hầu hết các hộ dân trên Tà Xùa có chè đều tham gia liên kết với doanh nghiệp
{keywords}
Sau khi thu hái, chè được cân bán cho doanh nghiệp liên kết

Theo bà Hà, từ phương pháp lên men chè cổ truyền của người Mông ở Tà Xùa, doanh nghiệp đã chuẩn hóa thành quy trình chế biến chè lên men. Đơn cử, với trà xanh, bà con sau khi hái chè sẽ cho lên men 100% rồi mới tiến hành sấy khô; hồng trà là loại trà được cho lên men theo phương thức công nghiệp, chỉ qua hai tiếng là sản phẩm lên men 100%.

Riêng Bạch trà Mây và Hoàng trà Mây có cách chế biến rất đặc biệt. Nguyên liệu chè đem ép bánh, tận dụng quá trình lên men chậm, nội chất trà tự thân biến đổi cách kỳ diệu, tạo nên phong vị đặc biệt hội tụ đủ hương thơm, vị ngọt, màu nước. 

Những sản phẩm trà này để quá trình lên men diễn ra tối thiểu 6 tháng, trà lên men 80-90%. Trà được ép chặt, nhưng nội chất vẫn tiếp tục chuyển biến theo thời gian, hàm lượng khoáng chất trong trà như axit amin, các loại vitamin, độ ngọt càng biến chuyển dày và phong phú hơn. Sau khi khách mua về, trà tiếp tục lên men, thời gian kéo dài hàng chục năm, bà Hà chia sẻ.

Chỉ vào chiếc bánh trà to cỡ cái nia, bà Hà khoe: “Bánh trà này được ép từ 8kg chè khô, tương đương 40kg chè tươi, để tới 100 năm sau vẫn uống được. Càng để lâu càng giá trị. Khách mua về để trưng bày, rồi uống dần, hết đời mình, con cháu tiếp tục uống”.

{keywords}
Chè Tà Xùa giờ còn được ép bánh có thể lưu giữ hàng trăm năm
{keywords}
Ở vùng này, giờ hộ nào có càng nhiều cây chè cổ càng giàu

Theo bà Hà, từ trước tới nay chỉ Trung Quốc mới ép bánh trà. Họ định vị loại sản phẩm này cho trà Phổ Nhĩ. Ở Việt Nam trước đây không có vì rất khó làm, nhưng nay đã thành công.

Chia sẻ về mô hình liên kết sản xuất chè Tà Xùa, ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên - cho rằng, những gắn kết hoàn hảo giữa chính quyền địa phương cùng đồng bào sở tại và doanh nghiệp tạo thành sợi dây chặt chẽ, liền mạch, xuyên suốt để trong vòng 5 năm qua. 

Tà Xùa đã chứng kiến nhiều đổi thay nhờ sự “kết nối” thú vị với thành tố chính yếu là cây trà cổ thụ. Sản phẩm trà cũng đa dạng, kỹ thuật chế biến hiện đại. Người bản địa nay đã tự tay điều khiển máy móc, thiết bị mà trước đó 5 năm, việc làm trà chỉ được thực hiện bằng thủ công trên chảo gang, bếp củi.

Theo thông tin từ HTX chè Tà Xùa, ở đây có khoảng 500 hộ dân thì có tới 300 hộ dân trồng, khai thác chè, với khoảng 178ha chè Shan tuyết tham gia liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất khép kín. Những búp chè tươi mới thu hái sẽ được đưa vào chuyền chế biến chè đồng bộ, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân bản địa tạo ra những thành phẩm đạt chất lượng cao. Nhờ đó, chè Shan tuyết từ không có thương hiệu nay trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp quốc gia.

Chu Khôi