Kinh hãi, rùng mình… đó là cảm xúc của nhiều độc giả khi xem những clip ghi lại cảnh nhân viên dọn phòng khách sạn T.T. (khách sạn trong bài: “Góc khuất vệ sinh khách sạn: Dùng khăn tắm lau bồn cầu” trên báo Tuổi trẻ) làm những việc không ai ngờ tới. Khi dọn phòng, họ dùng khăn tắm của khách lau bồn cầu, lau sàn nhà tắm, lau cốc uống nước… thản nhiên như không.

Ngày 18-7, ông Nguyễn Minh Lý - Chánh thanh tra Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đoàn kiểm tra chuyên ngành Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp với Phòng kinh tế Q.1 để làm việc với khách sạn T.T. Sau khi làm việc, đơn vị đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính khách sạn này, tổng số tiền đề xuất phạt là 19 triệu đồng (trong đó hành vi không đảm bảo tiêu chuẩn về dịch vụ đề xuất phạt 15 triệu đồng).

Đối với khách sạn T.A.M. (quận Phú Nhuận), sau khi xem xét hồ sơ, Chánh thanh tra Sở Du lịch đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng cho hành vi "không gắn biển hạng cơ sở lưu trú sau khi được xếp hạng".

{keywords}
Người dọn phòng khách sạn dùng khăn tắm của khách để lau dọn bồn cầu (ảnh cắt từ clip của báo Tuổi trẻ)

Thật vô đạo đức, hành vi của những nhân viên dọn phòng ở khách sạn T.T đã vượt quá giới hạn cho phép, cũng như sự tưởng tưởng của nhiều người. Ai biết rằng những chiếc khăn tắm mà du khách đến lưu trú sử dụng để lau người khi tắm xong, lại được các nhân viên sử dụng vào những mục đích bẩn thỉu như vậy?

Hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam đã dày công vun đắp bấy lâu nay bị ảnh hưởng vì những hành vi thiếu ý thức và vô văn hóa như thế này.

Nhân viên dọn phòng khách sạn không thiếu công cụ để lau chùi, dọn dẹp vệ sinh, ấy thế nhưng họ vẫn dùng khăn tắm của khách lau bồn cầu cho nhanh và đảm bảo sẽ dễ sạch hơn là dùng chổi cọ bồn cầu vệ sinh chùi rửa. Họ chỉ làm cho nhanh xong phần việc của mình, bất cần biết hành vi vô đạo đức ấy sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, và đã làm tổn hại đến ngành du lịch thế nào.

Tại sao người Việt lại có những con người tồi như thế? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ có thể phỏng đoán rằng, phẩm chất tồi tệ, đạo đức xuống cấp ấy có lẽ là hệ quả của một quá trình chứng kiến các chuẩn mực xã hội đảo lộn, chứng kiến những chuyện bất công, những trường hợp “nén bạc đâm toạc tờ giấy”? Nó khiến người ta mất lòng tin ở những điều tốt đẹp và dễ dàng buông thả mình theo chiều của cái xấu, cái ác mà chẳng chút ăn năn.

Những người nông dân đầu độc đồng loại bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, nhưng vẫn trồng riêng một luống rau cho mình. Những người bán thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng trong hóa chất gây ung thư. Những công nhân làm ra sản phẩm kém chất lượng. Những trí thức làm ra những công trình giả dối, vô dụng, chỉ để đốt tiền của nhà nước. Những quan chức tham ô, đục khoét của công, gây lãng phí… Bởi chứng kiến nhiều những trường hợp như vậy, nên người ta mới dễ dàng buông xuôi, bởi nghĩ rằng mình sẽ được “che chở” bởi một tập thể những người xấu kia?

Cái khó nhất ở đời, đó là dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất con người, lương tâm nghề nghiệp, nhân cách của mình. Tiếc thay, điều đó đang ngày càng ít được nhắc tới trong một xã hội tôn sùng đồng tiền và và các giá trị vật chất.

Những người dọn phòng lấy khăn tắm của khách để lau bồn cầu, có bao giờ họ tự thấy xấu hổ, ăn năn, cắn rứt lương tâm khi mình đã làm một việc xấu xa vì nghĩ rằng “khuất mắt trông coi”, không ai biết được?

(Theo Báo Đất Việt)