Nỗi lo cách ly và dịch bùng phát  

Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) ngày 11/1 công bố kết quả khảo sát “Nhu cầu và xu hướng khách đi du lịch thời Covid-19”. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, đây là lần khảo sát lần 4, thực hiện từ 1-20/12/2021, với gần 11.000 người tham gia. Khác biệt của lần khảo sát này là du khách hầu hết đã tiêm chủng vắc xin và Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, “sống chung với dịch Covid-19”.

Khảo sát cho thấy sự phục hồi nhanh chóng về nhu cầu du lịch nội địa, như lò xo bị nén bật lại mạnh mẽ, khi dịch bệnh được kiểm soát. Có tới 90% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch trong 10 tháng tới, trong đó có tới 53,7% muốn đi du lịch ngay từ 12/2021 tới các tháng đầu năm nay.

Trong đó, du lịch ngắn ngày (2-3) và theo nhóm nhỏ, theo gia đình vẫn là xu hướng chính, lần lượt chiếm khoảng 45%, 78% và 59% số người được hỏi.

{keywords}
Nhu cầu của khách du lịch tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát

Đáng lưu ý, khách du lịch chủ yếu chọn di chuyển bằng máy bay (chiếm 65%), nhất là tại hai TP lớn như Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu đi xe chung như xe khách, xe du lịch, tàu hỏa giảm (10%). Đặc biệt, rất nhiều khách muốn đi bằng xe riêng (chiếm 8%, tăng khoảng 43%).

Cũng theo kết quả khảo sát, tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là mối ưu tiên cao nhất khi khách lên kế hoạch đi du lịch, với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, chính sách giảm giá vẫn là yếu tố khá nhạy cảm với du khách.

Nếu như trước Covid-19, khách đặt dịch vụ trước chuyến đi khá xa (trung bình 16,2 ngày) thì nay đặt sát ngày đi hơn (chỉ 10,9 ngày) trước khi đi. Có tới 74% khách du lịch chỉ đặt dịch vụ trước 1 tuần, thậm chí 28% không đặt trước dịch vụ. Do đó, các DN du lịch cần thích ứng và có chính sách linh hoạt với xu hướng này.

Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng, vẫn tồn tại nhiều nỗi lo với du khách cần được giải tỏa. Trong đó, khách lo ngại nhất là bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch khi đi du lịch (61%) và hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).

Do đó, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, các địa phương nếu còn áp dụng cách ly trên diện rộng đừng hy vọng đón được nhiều khách du lịch. Tương tự như vậy với khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm tìm giải pháp thích ứng linh hoạt, khách đi du lịch bình thường nhưng vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh.

{keywords}
3 yếu tố gây trở ngại nhất khi khách quyết định đi du lịch (ảnh chụp màn hình)

Khách bị “đói” về thông tin du lịch an toàn

Qua khảo sát, có tới 75% số người được hỏi mong muốn các nền tảng số lĩnh vực du lịch tập trung vào việc cung cấp thông tin du lịch an toàn. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính chỉ ra, một hạn chế cần sớm khắc phục là các doanh nghiệp, khách du lịch bị “đói” về thông tin du lịch an toàn. Tất cả đều đang bối rối.

“Khách muốn tìm hiểu thông tin đi Quảng Ninh, Lào Cai, như quy định về an toàn, xét nghiệm hay cách ly không,... đều thấy rất khó. Thông tin còn tản mát, chưa tập trung, chưa thấy trang web nào chính thống cung cấp thông tin đầy đủ, chuyên về du lịch an toàn”, ông Chính nói.

Theo bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World (Sun Group), thực tế hoạt động tại DN cho thấy nhu cầu đi du lịch của khách rất lớn, nhưng họ rất e ngại trong quá trình đi, lộ trình ra sao, thủ tục thế nào, đi về có bị cách ly không.

Do vậy, "rất mong các địa phương minh bạch thông tin, rõ ràng quy định về điểm đến để hỗ trợ các đối tác, DN du lịch và du khách”, bà kiến nghị.

Ông Hoàng Nhân Chính đề xuất, cần lập ra một trang thông tin chính thống, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về các điều kiện, quy định mới nhất về du lịch an toàn của các địa phương. Điển hình như Thái Lan, tất cả nhu cầu thông tin đều được dẫn tới liên kết duy nhất là trang web Tổng cục Du lịch nước này. Du lịch Singapore cũng tương tự. Việt Nam nên nghiên cứu tham khảo, thay vì để các DN và du lịch phải mò mẫm, tự tìm hiểu thông tin.

{keywords}
Gần 90% du khách được hỏi lo ngại sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà

Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, gấp 150% so với năm 2021 và đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. 

Căn cứ kết quả khảo sát trên, Ban IV và TAB vừa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 và trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng.

Chính phủ cũng cần chỉ đạo các Bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú,... và đăng tải công khai để DN, người dân dễ tiếp cận.

Một đường dây nóng để hỗ trợ chuyên cho quá trình phổ biến thông tin cũng cần được thành lập - Ban IV kiến nghị.

Ngoài ra, Chính phủ cần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo sự kết nối và đồng bộ trong quá trình phục hồi. Trước mắt, cấp trung ương ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, cấp địa phương ưu tiên cho việc tiếp thị số điểm đến.

Nên ưu tiên hoạt động đối thoại công - tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước mắt cho giai đoạn 2022-2023. Trên cơ sở đó, giao Bộ VH-TT&DL công bố công khai các kế hoạch, thường xuyên cập nhật kế hoạch theo diễn biến của thực tiễn để các bên cùng phối hợp thực hiện hiệu quả.

Kiên Giang và Lâm Đồng luôn là điểm đến yêu thích

Theo khảo sát, Kiên Giang, Lâm Đồng và Đà Nẵng luôn giữ là điểm đến hàng đầu với khách du lịch nội địa. Đặc biệt, khách từ Hà Nội thích đi Lào Cai, Kiên Giang, Quảng Ninh; trong khi khách từ TP.HCM thích đi Lâm Đồng, Kiên Giang, Đà Nẵng...

Một số địa phương thực hiện tốt việc tiếp thị điểm đến, khách quan tâm và yêu thích hơn như Lào Cai, Quảng Ninh, nên liên tục tăng hạng. Tuy nhiên, cũng có điểm đến làm chưa tốt, chưa tăng được thứ hạng như Ninh Bình dù năm 2021 có lợi thế là địa phương tổ chức Năm du lịch quốc gia. 

Ngọc Hà

Hai năm mất mát, chịu đau và 'xóa bàn cờ' làm lại

Hai năm mất mát, chịu đau và 'xóa bàn cờ' làm lại

“Sau Covid-19 là thị trường hoàn toàn mới. Sẽ không có DN lữ hành lớn hay nhỏ. Tất cả xóa bàn cờ làm lại, đều trên một vạch xuất phát. Ai xuất phát tốt sẽ nhanh chóng lấy lại thị trường".