Những lưu ý “nằm lòng” khi đến Triều Tiên được anh kể lại cụ thể qua câu chuyện thực tế vô cùng thú vị mà anh và đoàn khách đã trải qua.

Anh Đặng Văn Sơn là hướng dẫn viên du lịch người Việt với 15 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh chuyên đảm nhiệm các thị trường xa, thị trường khó, các nước đặc biệt như: Thổ Nhĩ Kỳ; Butan; Iceland;... trong đó nhiều nhất là các nước thuộc châu Âu.

{keywords}
Anh Đặng Văn Sơn trong chuyến dẫn đoàn du khách Việt Nam sang Triều Tiên hồi đầu tháng 3/2019.

“Thông tin trên mạng về du lịch Triều Tiên đang bị sai lệch nhiều”

Năm 2018, anh Sơn bắt đầu chuyến đi đầu tiên đến Bình Nhưỡng. Được biết đến là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, Triều Tiên đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm bất ngờ và đáng nhớ.

Trước đó cũng như bao khách du lịch khác, anh chuẩn bị hành trang đến đất nước này bằng việc tìm hiểu rất nhiều thông tin liên quan từ báo đài; tài liệu và các bài viết trên website du lịch,,...

Trong hành trình lần đầu đặt chân đến quốc gia được mệnh danh là khó tiếp cận nhất thế giới, anh nhận ra có một Triều Tiên rất khác, khác với tất cả những gì anh hình dung trước đó; khác với những “đồn đoán” của internet và khác bởi sự đặc biệt trong những quy tắc về lối sống của người Bình Nhưỡng.

{keywords}
Đất nước Triều Tiên xinh đẹp và bình yên hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ. Trong ảnh là một khách sạn ở Bình Nhưỡng được xây dượng theo mô hình quốc hoa Triều Tiên - Hoa mộc lan.

Nhớ lại khoảnh khắc anh cùng với đoàn du khách Việt Nam chuẩn bị tiến vào Triều Tiên, anh Sơn chia sẻ: “Chuyến đi hôm đó chở theo rất nhiều cảm xúc, có người hào hứng vì lần đầu tiên được khám phá nước bạn, có người bâng khuâng với những thông tin “lạ lùng” đã đọc trước đó,... nhưng tất cả đều được trả lời vào khoảnh khắc chúng tôi đặt chân tới Bình Nhưỡng”.

Trước khi nhập cảnh đến Triều Tiên, du khách phải trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt. Trong đó, tư liệu lưu trữ trong điện thoại, laptop, các tài liệu liên quan đến chính trị, tôn giáo, hình ảnh khiêu dâm... đều bị xóa đi trước khi du khách đặt chân đến đất nước này.

{keywords}
Vé máy bay và visa của một du khách Việt Nam du lịch Triều Tiên

Thông thường, với tư cách là hướng dẫn viên dẫn đoàn, anh Sơn luôn phải tổ chức họp đoàn; gọi điện hoặc gửi thông tin cho du khách trong đoàn trước chuyến đi nên hầu như không ai bị giữ lại ở hải quan.

Tuy nhiên, dù chuẩn bị hành trang rất kỹ lưỡng, anh cũng không thể lường trước được 100% sự cố trên đường.

Trong chuyến đưa đoàn khách Việt Nam tới Triều Tiên đầu tháng 3 vừa qua, một du khách trong đoàn của anh bị giữ lại kiểm tra tại trạm nghỉ trong khu phi quân sự DMZ trong sự ngơ ngác của mọi người. “Đoàn vừa đi đến nơi anh ấy bị đưa luôn vào phòng với gương mặt rất nghiêm nghị của những người mặc trang phục quân đội Triều Tiên. Lúc đó tôi vội vã chạy theo mà chưa kịp hiểu chuyện gì”, anh Sơn chia sẻ.

{keywords}
Hình ảnh được chụp tại khu phi quân sự DMZ Triều Tiên. Trong ảnh, 2 nhà màu xanh thuộc Triều Tiên còn nhà màu trắng thuộc Hàn Quốc.

Theo đó, lý do du khách Việt bị giữ lại vì người đó đã đeo trên ngực trái một chiếc huy hiệu in hình 2 vị chủ tịch đáng kính của Triều Tiên là chủ tịch Kim Nhật Thành và chủ tịch Kim Nhật Chính. Du khách này cho biết, trước chuyến đi anh tìm mua chiếc huy hiệu trên phố Cổ Hà Nội để thể hiện lòng yêu mến đất nước Triều Tiên.

Tuy nhiên tại Triều Tiên, những chiếc huy hiệu như vậy chỉ dành cho những người hoạt động chính trị hoặc có công với đất nước mới được sử dụng. Vì vậy, quân lính Triều Tiên không hiểu vì sao một du khách Việt lại sở hữu chiếc huy hiệu đó khi lần đầu đến DZM.

Sau đó, anh Sơn cùng hướng dẫn viên bản địa đã đến giải thích về mục đích sử dụng huy hiệu của du khách Việt. Chiếc cài áo bị tịch thu và du khách Việt được rời khỏi trạm dừng chân.

Ở Triều Tiên, lòng tự tôn dân tộc và tình yêu nước nồng nhiệt luôn được coi trọng hàng đầu. Điều đó không đơn thuần là những lời giảng giải trên sách vở mà thể hiện cụ thể ngay trong đời sống thường nhật của người dân. Du khách khi đến đây cũng được hướng dẫn viên bản địa hướng dẫn những quy tắc bắt buộc về đi đứng; nói năng và đặc biệt là những lưu ý về cách chụp ảnh.

{keywords}
Loại tiền tệ khách du lịch được phép sử dụng ở Triều Tiên

 

{keywords}
Các hoạt động mua bán thông thường, du khách có thể sự dụng đồng USD. Nhưng khi vào siêu thị, du khách bắt buộc phải đổi sang đồng Won, trước cửa siêu thị thường có cây đổi tiền.

 

{keywords}
Đoàn du khách Việt Nam chụp ảnh dưới 2 bức tượng của hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật

Du khách không được bắt chước tư thế của các vị lãnh tụ Triều Tiên trên tượng đài để chụp ảnh. Khi chụp ảnh cùng với tượng đài, tranh ảnh… có hình lãnh tụ Triều Tiên bắt buộc phải chụp đầy đủ bộ phận của lãnh tụ, người chụp luôn phải đứng thấp hơn so với chủ thể phía sau.

Đối với ảnh phong cảnh, du khách được chụp hình theo hướng dẫn của hướng dẫn viên bản địa. Địa điểm nào được phép chụp, địa điểm nào không chụp, tư thế đứng cũng phải phù hợp với từng địa điểm.

Trong chuyến đi Triều Tiên hồi tháng 3 vừa qua, một số du khách trong đoàn đã mạnh dạn chi khoảng 6 USD để mua một bó hoa nhỏ vào viếng thăm tại quảng trường đồi Mansudae.

Trước đó, hướng dẫn viên bản địa đã có những chia sẻ thẳng thắn với du khách, đây là nơi chỉ dành cho những người thực sự yêu quý và tôn kính vị lạnh đạo Triều Tiên. Với những người không có tình cảm đó, du khách không cần viếng thăm.

{keywords}
Khi chụp ảnh với tranh ảnh hoặc tượng đài của lãnh tụ Triều Tiên, phải chụp đầy đủ bức tranh hoặc tượng vào trong ảnh.

 

{keywords}
Đoàn du khách Việt Nam cầm trên tay bó hoa truyền thống vào viếng thắm tại quảng trường đồi Mansudae theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên bản địa.

Những thông tin sai lệch trên mạng ban đầu có thể làm du khách hiểu sai về Triều Tiên dẫn đến những e ngại cho những trải nghiệm đầu tiên tại đất nước này. Tuy nhiên, theo anh Sơn, bản thân anh là người được trực tiếp trải nghiệm và qua hai lần lắng nghe chia sẻ của du khách sau chuyến đi, anh nhận thấy mọi người đều tỏ ra rất thích thú. Và Triều Tiên vì thế hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho rất nhiều người Việt ưa khám phá.

Người dân Triều Tiên cởi mở hơn với du khách Việt sau hội nghị Mỹ - Triều II

Từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều II kết hợp với chuyến thăm chính thức của chủ tịch Kim Jong Un với Việt Nam sau 61 năm, diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, người dân Triều Tiên bắt đầu được tiếp cận thông tin nhiều hơn về Việt Nam. Từ đó, họ dành cho những du khách Việt đến đây sự ưu ái đặc biệt hơn.

{keywords}
Đoàn du khách Việt Nam chụp ảnh với các em học sinh Triều Tiên sau khi đã xin phép giao viên địa phương.

Anh Sơn đã có 2 chuyến dẫn đoàn Việt Nam đến Triều Tiên, chuyến đầu vào năm 2018, trước khi diễn ra hội nghị và chuyến thứ 2 vào đầu tháng 3/2019, sau khi diễn ra hội nghị. Anh trực tiếp cảm nhận được sự khác biệt lớn sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử này.

Người dân bắt đầu cởi mở hơn trong việc chụp hình cùng khách du lịch. Bản thân người hướng dẫn viên bản địa; lái xe; cảnh vệ;... cũng thể hiện sự nhiệt tình mến khách thông qua những câu chuyện, những bài hát giao lưu vui vẻ trên đường.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều II tại Hà Nội là bước ngoặt lớn giúp Triều Tiên có thể cởi mở hơn với nhiều quốc gia trên thế giới và đặc biệt với Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để du khách Việt có cơ hội được tiếp cận gần hơn với đất nước bí ẩn này. Để tìm ra câu trả lời rằng thực sự, điều “bí ẩn” của Triều Tiên không phải là gì đó quá ghê gớm, mà ngược lại, lại chứa đựng nhiều bất ngờ thú vị.

(Theo Dân trí)