Một số tổng đại lý phân phối Gas tại Quảng Ninh tự ý đứng ra thành lập Hiệp hội gas Quảng Ninh. Mặc dù chưa được cấp phép, hiệp hội này đã ban hành hàng loạt “luật rừng” để phạt các đại lý gas nhỏ.

Hơn một năm nay, hàng chục đại lý gas cấp 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh “khóc ròng” vì bị một hiệp hội gas làm khó trong việc kinh doanh. Một nhóm gọi là “Hiệp hội gas Quảng Ninh” do 8 đại lý phân phối gas lớn nhất trong tỉnh tự ý lập ra vào ngày 15/6/2016 và các đại lý này cũng nắm giữ chức vụ chủ chốt.

Hiệp hội do ông Lê Quảng Phong (Giám đốc Cty CPTM & DV Quảng Phong) làm Chủ tịch. Ông Đỗ Xuân Nghiêm (Giám đốc Cty TNHH DVTM Tổng Hợp Xuân Nghiêm) làm Phó chủ tịch, quản lý tuyến miền Đông. Bà Nguyễn Thị Lý (Giám đốc Cty TNHH Thương mại Điện Quang) làm Phó chủ tịch, quản lý tuyến miền Tây. Ngoài ra, ban giám sát gồm 6 thành viên cũng được thành lập và được trả lương từ 5 đến 10 triệu đồng/người.

{keywords}
Biên bản xử phạt của hiệp hội gas với một đại lý cấp 2 nhưng không có dấu đỏ.

Trong biên bản thành lập, Hiệp hội này ghi rõ về quỹ xây dựng, mỗi đại lý phải nộp từ 9 đến 65 triệu đồng/tháng để gây quỹ.

Tiếp đó, nhóm này tư ra hàng loạt quy định kèm chế tài xử phạt được đưa ra, như không cho bán thấp hơn giá niêm yết 350.000/bình 12kg, không được nhập gas từ các tỉnh lân cận, chỉ được nhập gas của 8 đại lý phân phối lớn trong hiệp hội. Mỗi lần vi phạm sẽ bị phạt 3 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu các đại lý nào không chịu nộp phạt, hiệp hội sẽ không cung cấp gas cho đại lý đấy, đồng thời cử người của Ban giám sát tới trước cửa đại lý này canh chừng, không cho vay gas từ đại lý khác cũng như nhập gas từ tỉnh ngoài về bán. Nếu tiếp tục vi phạm, đại lý sẽ bị hiệp hội xử phạt tiếp từ 30 đến 50 triệu đồng.

Chị C.T.N (đại lý gas A.M, phường Phương Đông, TP. Uông Bí) bức xúc: “Chúng tôi không hề tham gia hiệp hội, nhiều khi bán rẻ hơn cho người thân mấy đồng mà bị người hiệp hội đến bắt phạt”.

Còn anh N.B.T (đại lý gas T.T, phường Thanh Sơn, TP. Uông Bí) cho rằng, việc xử phạt của hiệp hội không đúng. “Mức xử phạt là tự hiệp hội đề ra, nhiều khi người đến lấy tiền phạt không có biên bản, một số đại lý có biên bản nhưng không có dấu đỏ”, anh T nói.

Một đại  lý gas ở TP. Uông Bí bức xúc, thậm chí, họ còn nghiêm cấm các đại lý khác cho vay mượn hàng. Khi nhập hàng từ tỉnh khác về các đại lý gas nhỏ đều bị một nhóm người chặn mọi ngả đường, không cho xe gas vào thành phố.

{keywords}
Văn bản từ chối thành lập hiệp hội gas Quảng Ninh của Sở Công Thương.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Quảng Phong, Giám đốc Công ty TM&DV Quảng Phong, xác nhận mình là chủ tịch 'hiệp hội'. Trước đây, ông Phong cùng 7 công ty khác muốn thành lập hiệp hội gas Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi trình đơn lên Sở Công Thương thì không được lãnh đạo Sở đồng ý.

Cũng theo ông Phong, thông qua 'hiệp hội', các địa phương trong tỉnh thành lập các chi hội dưới sự quản lý của hiệp hội, việc thu tiền phạt do chi hội ở dưới thực hiện.

"Hiệp hội lập ra với mong muốn bình ổn giá và tạo ra một môi trường kinh doanh gas lành mạnh trên thị trường Quảng Ninh", ông Phong nói.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Phong, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Quảng Ninh, khẳng định trên địa bàn không có hiệp hội gas nào được Sở cấp phép.

“Hiệp hội gas Quảng Ninh hoạt động như vậy là không chính danh, phía Sở Công Thương không hề cấp phép. Nếu họ đề ra mức phạt và thu tiền phạt như vậy phải là vi phạm pháp luật”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Trần Phong, đúng là thời gian trước, ông Lê Quảng Phong có gửi đơn xin về việc thành lập hiệp hội gas Quảng Ninh nhưng không được đồng ý.

Vì thế, các đại lý gas cấp 2 hoàn toàn có thể nhập gas từ các tỉnh lân cận về bán tùy theo giá cả cạnh tranh thị trường và đơn giá sản phẩm được cấp phép - vị đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh.

Phạm Công