Rẻ từ tôm hùm Alaska đến cua biển nhập ngoại

Trên chợ mạng, các loại hải sản được rao bán với giá rẻ chưa từng thấy. Cụ thể, cua biển trước đây giá 600.000 đồng/kg nay chỉ còn từ 300.000-400.000 đồng/kg, có nơi chỉ 250.000 đồng/kg. Bề bề cỡ nhỡ giảm từ 300.000 đồng/kg xuống còn 180.000-200.000 đồng/kg...

Tại một cửa hàng chuyên bán hải sản trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), mức giá giảm nhiều nhất lên tới 15%, theo Nhịp sống Kinh tế. Giá tôm hùm sống đang bơi size 3-4 con/kg chỉ từ 220.000 đồng/con, tôm hùm Alaska từ 349.000 đồng/con, ốc vòi voi giá 650.000 đồng giảm còn 520.000/kg, cua hoàng đế được niêm yết với giá 2,15 triệu đồng/kg, ghẹ có giá 550.000 đồng/kg,...

{keywords}
Tôm hùm giảm giá sốc (Ảnh: Nhịp sống Kinh tế)

Còn theo khảo sát của PV. VTC News tại chợ hải sản Huyền Chiến (Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hầu hết mặt hàng hải sản đều giảm giá "sốc". Tôm hùm bông loại 1 kg/con giảm từ 3,15 triệu xuống 2,65 triệu đồng/kg, tôm Alaska loại dưới 2kg giảm từ 1,19 triệu  xuống 990.000 đồng/kg, ốc vòi voi 650.000 đồng giảm còn 520.000/kg, cá chình hoa giảm từ 585.000 đồng xuống 525.000 đồng/kg...

Đặc sản nhãn Sơn La rớt giá, trái cây miền Tây ùn ứ

Năm ngoái, giá nhãn đầu mùa ở huyện Sông Mã (Sơn La) từ 30.000-40.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg. Đến thời điểm này khi chính vụ, giá nhãn tại vườn chỉ còn 8.000-12.000 đồng/kg. Còn loại nhãn xoáy để sấy làm long nhãn vẫn giữ giá, từ 7.000-7.500 đồng/kg, giá rẻ hơn rau.

Theo anh Bùi Văn Hà - một hộ trồng nhãn ở xã Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) - sở dĩ chính vụ giá nhãn Sông Mã giảm mạnh là bởi khi dịch Covid-19 bùng phát nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội, có nơi cấm chợ nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tiêu thụ nhãn gặp khó (ảnh: Nguyễn Phương)

Trong khi đó, nhiều chủ miệt vườn miền Tây phản ánh, họ đang gặp khó khăn trong khâu xuất hàng hoá. Hàng chục tấn trái cây đủ loại đến thời kỳ thu hoạch không có người mua, phải bán tháo, đổ bỏ cho cá ăn. Đơn cử, giá nhãn cơm vàng năm ngoái ở mức 30.000 đồng/kg hiện rớt còn 6.000 đồng/kg. Các loại trái cây khác đều rớt 2/3 giá.

Giá lợn hơi giảm mạnh, giá tại chợ vẫn cao

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - cho biết trên Dân Trí, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã xuống mức 55.000-58.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo bán lẻ tại Đồng Nai và TP.HCM vẫn còn ở mức rất cao.

Theo khảo sát, giá thịt heo bán lẻ tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM vẫn cao ngất ngưởng: thịt đùi heo được bán với giá từ 140.000-150.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg,...

Theo ông Công, nguyên nhân giá thịt heo vẫn ở "trên trời" là do khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề; việc lưu thông, vận chuyển thịt heo cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước.

Gà tại chuồng giá còn 5.000 đồng/kg, trong siêu thị cao gấp 15 lần

Tại nhiều trại gà lớn ở phía Nam, giá gà công nghiệp tại chuồng đang rớt thảm còn 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá gà công nghiệp vẫn ở mức trung bình 70.000 đồng/kg, gấp hơn 15 lần giá gà tại chuồng.

{keywords}
Giá gà trắng hiện nay được xem là rẻ nhất (Ảnh: Người lao động)

Còn tại miền Bắc, khảo sát của VTC News ngày 3/8 tại một số trang trại nuôi gà công nghiệp quanh Hà Nội cho thấy, tuy có xu hướng giảm nhẹ nhưng giá gà công nghiệp (gà cả lông) vẫn đang giữ ở mức 20.000 đồng/kg. Thịt gà đã qua sơ chế tại trang trại này xuất đi Hà Nội giá 30.000 đồng/kg.

Gas lại tăng giá

Từ ngày 1/8, giá gas bán lẻ trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 12.000 đồng/bình loại 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 440.000 đồng/bình 12kg.

Đây là tháng thứ 3 giá gas tăng liên tiếp với tổng mức tăng 56.000 đồng/bình 12kg. Tính từ đầu năm, đây là lần thứ 6 giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng.

Vật liệu xây dựng tăng khiến nhà ở 'đội giá'

Từ đầu năm đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao do ảnh hưởng dịch Covid-19. Theo TTXVN, hiện mặt bằng chung các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm; trong đó, tăng cao nhất là sắt, thép xây dựng.

Việc tăng giá này được cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình. Nhiều chuyên gia dự báo, nếu không kìm hãm đà tăng của giá các vật tư đầu vào thì nhiều khả năng bất động sản sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến người mua nhà.

Sấu cấp đông mang sang Australia bán 300.000 đồng/kg

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, lần đầu tiên, một lô hàng lớn lên đến 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu, phân phối và tiếp thị tại Australia.

{keywords}
Sấu là loại quả dễ trồng

Với giá bán thấp nhất là 18 AUD/kg (khoảng 300.000 đồng), tổng giá trị của lô hàng 22 tấn tiêu thụ tại thị trường Australia có thể mang về giá trị kim ngạch lớn lên đến trên 390.000 AUD (trên 6,5 tỷ đồng Việt Nam).

Đây là loại quả đông lạnh thứ hai được xuất khẩu chính ngạch sang Australia, sau trái sầu riêng đông lạnh xuất sang thị trường này tháng 7 năm ngoái.

Tủ đông, tủ lạnh đắt khách nhưng... khó bán

Trước đây, mặt hàng tủ đông chủ yếu phục vụ khách là nhà hàng, khách sạn, quán ăn nhưng lại trở thành thiết bị cần thiết để trữ đồ ăn cho hộ gia đình trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tương tự, tủ lạnh "side by side", tủ mát… trước đây cũng "kén" người mua song nay lại là thời điểm hợp lý để xả hàng tồn.

Hiện, trang web của các siêu thị, trung tâm điện máy đều đăng tải nhiều chương trình ưu đãi lớn dành cho khách hàng. Trong đó, khách đặt hàng online và thanh toán online được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với hình thức mua trực tiếp. Tuy nhiên, báo Người Lao Động thông tin, tại TP.HCM, hoạt động giao hàng có phần khó khăn, không phải đơn đặt hàng online nào cũng có thể xử lý, giao hàng sớm.

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng

Bước sang tháng 8, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều gửi thông báo tới các khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới. Mức tăng từ 250-4.000 đồng/kg tùy doanh nghiệp và chủng loại thức ăn. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 8 lần liên tiếp, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 9 lần.

{keywords}
Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75% giá thành sản xuất. Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng là do biến động của thị trường nguyên liệu thế giới.

Lúa miền Tây bị ép giá

Báo Giao thông cho hay, những ngày qua, nông dân ở một số tỉnh miền Tây phản ánh, nhiều thương lái đến đặt tiền cọc để mua lúa nhưng đến ngày cắt lúa, một số lại ép giá từ 5.600 đồng/kg xuống còn 4.900 đồng/kg. Thậm chí một số thương lái còn bỏ cả tiền đặt cọc, không thu mua lúa như cam kết.

Nhiều nông dân ở An Giang phải chất lúa thành đống ngoài ruộng, trong nhà. Nhiều người lo lắng ra mặt khi thương lái luôn lấy cớ giá lúa hạ vì giãn cách, vận chuyển khó khăn do các chốt kiểm soát dựng lên dày đặc trong mùa dịch…

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, giá thanh long giảm sâu

Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu, giá thanh long giảm sâu

Theo phản ánh của doanh nghiệp, sau khi một số cửa khẩu ở Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long, ngay lập tức giá thu mua trái thanh long trên nhiều tỉnh, thành phố đã rớt rất sâu.