Nghề nguy hiểm

Ngày nào cũng vậy, tầm 5h vợ chồng ông Trần Minh Quý (60 tuổi, thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) dậy chuẩn bị thức ăn rồi lái thuyền máy đi hái rong mơ.

Mặc dù đem đến thu nhập khá nhưng nghề hái rong mơ cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Người dân ở xã đảo như vợ chồng ông Trần Minh Quý thậm chí phải "đánh cược tính mạng" giữa biển cả để thu hoạch được những thuyền đầy rong mơ.

Khi thuyền ra giữa biển, ông Trần Minh Quý cõng bình chì nặng 7 kg trên lưng rồi lặn xuống dưới những rạn san hô, rặng đá ngầm sâu từ 7-10 m để hái rong. Sau khi bứt gốc, ông để những luống rong nổi tự do lên mặt nước.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 1

Mỗi ngày, một chuyến thuyền đi hái rong mơ từ 3-12h, người dân thu được từ 1-3 tạ rong.

Ở bên trên, vợ ông nhanh chóng chèo thuyền thúng theo, thoăn thoắt đưa dầm vớt rong cho vào thúng rồi đưa sang thuyền lớn. Không chỉ vợ chồng ông, trên mặt biển cũng tấp nập người đi hái rong mơ.

Theo ông Minh Quý, rong mơ thường nằm ở vùng biển cách bờ từ 1-2 km. Người dân dùng thuyền gắn máy hoặc thuyền thúng bơi ra, rồi lặn xuống đáy và hái rong mơ. Nghề này không cần đầu tư nhiều kinh phí, ngoài việc sắm một chiếc thuyền nhỏ và một bình chứa oxy.

Việc lặn xuống nước ở độ sâu 10 m và trong thời gian dài khiến đầu ông rất đau, áp lực nước khiến người nhanh mệt. Lúc vào bờ cũng lo lắng không kém, bởi sóng biển bắt đầu mạnh trong khi rong đã chất đầy. Thuyền bấy giờ chỉ cao hơn mặt nước chừng 10cm, nếu gặp sóng to sẽ chìm ngay, lúc đó bao công sức đổ bể hết. 

Nghề hái rong mơ kiếm được tiền triệu mỗi ngày nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

"Có lần, khi tôi đang lặn dưới biển, thuyền bị trục trặc nên oxy không truyền  xuống bình chì tôi đeo trên người được. Lúc này, tôi tháo chì để nổi lên chứ không thì mất mạng", ông Trần Minh Quý vẫn còn sợ run mỗi khi nhớ lại tai nạn nghề nghiệp khó quên. 

Ông Phạm Viết Dục năm nay 62 tuổi, đã gắn bó với nghề đánh bắt cá và hái rong mơ gần 50 năm. Trải qua nhiều tình huống nguy hiểm nên khi các con xin đi phụ giúp, ông đều từ chối vì sợ cái "lỡ như".

Chia sẻ về khó khăn, sự nguy hiểm của nghề hái rong mơ, ông nói: "Nghề này tuy dễ làm nhưng có khi phải "đặt cược tính mạng", nếu chẳng may sẩy chân, chuột rút thì hậu quả khó lường". Dễ gặp tai nạn nhất là khi gặp tình huống khó thở, ngộp nước nếu không quen với áp suất ở đáy biển sâu.

Theo ông Phạm Viết Dục, nhiều người trong thôn đã bị bệnh ngoài da hoặc những bệnh về xương khớp vì ngâm mình lâu dưới biển. "Nhưng cha ốm thì có con, có cháu tiếp nối nghề bởi đó là miếng cơm, manh áo của cả nhà. Đi riết cũng thành quen", ông nói.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 2

Mùa rong mơ thường kéo dài từ tháng 3 - 7 Âm lịch. Vào mùa, người dân xã đảo Tam Hiệp (huyện Núi Thành) lại gác nghề đánh bắt cá để đi hái "lộc biển" này.

Được mùa

Thời điểm này, rong mơ được mùa và được giá nên người đi hái rong đông hơn mọi năm. Bà Bùi Thị Lập (ở thôn Thuận An, xã Tam Hải) đã làm nghề hái rong mơ gần 20 năm.

Thường ngày vợ chồng bà chủ yếu đi đánh bắt cá, nhưng hàng năm cứ đến những ngày này, bà lại cùng chồng ra khơi hái rong mơ về bán.

Mỗi ngày vợ chồng bà hái rong mơ từ 4-11h30. Rong đưa vào bờ rồi phơi khô, bán cho thương lái. Một chuyến như vậy thường thu về 1-3 tạ rong, cho thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 3

Năm nay rong mơ được mùa, được giá nên người dân đi hái rong mơ đông hơn. Để bảo tồn đa dạng biển, người dân cũng ý thức tránh ảnh hưởng đến các sinh vật khác trong quá trình lặn biển hái "lộc biển".

"Rong mơ năm nay được mùa, được giá hơn năm ngoái nên người đi hái rất đông. Sau mỗi mùa vụ từ 3-4 tháng, nếu chịu khó nhà tôi có thể thu về gần 50 triệu đồng. Nhờ vào "lộc biển" mà nhiều gia đình bà con xã đảo này khấm khá hơn", bà Bùi Thị Lập hào hứng nói.

Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch xã Tam Hải - cho biết: "Địa phương đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam, các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh rong mứt tại xã đảo tổ chức các buổi thảo luận, lấy ý kiến cộng đồng về đăng ký, quản lý và phát triển thương hiệu đặc sản địa phương".

Theo người dân Tam Hải, rong là món quà quý giá mà biển cả ban tặng cho người dân nơi đây. Ở đây có nhiều loại rong biển khác nhau, như rong xoa, rong mứt, rong mơ... với giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Vợ chồng ông Trần Văn Minh (59 tuổi, ở thôn Thuận An) làm nghề hái rong mơ hơn 10 năm nay. Mỗi ngày, vợ chồng ông hái được từ 1,5-2 tạ rong, thu về từ 1-1,5 triệu đồng.

"Nhờ nghề hái rong mơ mà chúng tôi có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học. Để bảo vệ nguồn lợi quý giá này, chúng tôi cũng cam kết không tận diệt, đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên để sau này còn tiếp tục khai thác", ông Minh chia sẻ.

Ở xã Tam Hải hiện có hàng chục hộ làm nghề hái rong mơ và khoảng 100 hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chế biến từ "lộc biển" này. Mỗi mùa, thu nhập từ những hộ làm rong mơ ở xã Tam Hải lên đến hàng chục tỷ đồng.

Một số hình ảnh về nghề hái rong mơ được PV ghi lại:

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 4

Vào mùa rong mơ, ngư dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 5

Để khai thác rong mơ, phải có từ 2 người để cùng phối hợp. Các thuyền của người dân ở cùng xã cũng khai thác gần nhau để dễ hỗ trợ khi cần.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 6

Rong mơ khai thác buổi sáng, đến trưa sẽ đưa lên bờ để phơi khô, giá hiện nay khoảng 5.500-6.000 đồng/kg.

Liều mưu sinh dưới đáy biển sâu, người hái rong mơ kiếm tiền triệu mỗi ngày - 7

Chị em phụ nữ tại xã đảo hoặc các địa phương lân cận cũng có thêm nghề giũ sạch cát, đóng gói rong mơ sau khi phơi khô. Giá nhân công bình quân 50.000 đồng/tạ rong.

(Theo Dân Trí)

Thứ hải sản gai góc 'rợn người' nhưng lại được xem là 'nhân sâm biển'

Thứ hải sản gai góc 'rợn người' nhưng lại được xem là 'nhân sâm biển'

Ngoài hương vị thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món, thịt nhum còn có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực.