Việc khai thác du lịch, thu hút khách đến thăm quan của Hải Dương còn hạn chế, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa cao. Nhiều công ty lữ hành cho rằng, địa phương cần xác định sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, phát triển.

Hải Dương xin Thủ tướng xây Trung tâm văn hóa Xứ Đông 700 tỷ

Bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Dương, cho biết, năm 2017, tỉnh đón 3,75 triệu khách du lịch, doanh thu đạt 1.780 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2 triệu lượt, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.

Hải Dương có trên 160 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn hạng 4 sao, hai khách sạn hạng 3 sao, còn lại là các khách sạn thấp sao; 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; trên 20 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 20 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch.

{keywords}
 Làng chạm khắc gỗ Đông Giao - Cẩm Giàng, một điểm đến có thể đưa vào khai thác du lịch tại Hải Dương

Tuy nhiên, Hải Dương chưa khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng du lịch của mình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của phát triển; chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế.

Ngoài ra, tính hấp dẫn và đa dạng của sản phẩm du lịch chưa rõ nét. Khả năng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch từ tài nguyên du lịch còn hạn chế, sản phẩm còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách.

Chính vì thế, du khách đến Hải Dương hầu hết chỉ đi trong ngày, ít đoàn nghỉ qua đêm, lại càng hiếm những đoàn ở lại dài ngày để tham quan, trải nghiệm; sức mua sắm cũng không lớn.

Hiện khách đến Hải Dương chủ yếu đi theo các tour du lịch chính từ TP. Hải Dương đi làng gốm Chu Đậu - khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; đi Văn miếu Mao Điền - làng chạm khắc gỗ Đông Giao, làng nghề vàng bạc Châu Khê - làng tiến sĩ Mộ Trạch - đền Sượt,... Ngoài ra, tỉnh đang đầu tư xây dựng dự án du lịch sông Hương gắn với tham quan các miệt vườn cây trái Thanh Hà; dự án cải tạo, xây dựng hạ tầng khu du du lịch sinh thái đảo cò Chi Lăng Nam,...

Là địa phương có nhiều tiềm năng về lịch sử, văn hóa, thiên nhiêu, song, các DN lữ hành cho rằng Hải Dương cần xác định sản phẩm du lịch trọng tâm để đầu tư, phát triển. Đồng thời, quan tâm xây dựng hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn xung quanh điểm di tích để giữ chân du khách.  

Mới đây, Sở VH-TT&DL Hải Dương đã tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề tại huyện Cẩm Giàng và sản phẩm du lịch cộng đồng tại Đảo Cò, huyện Thanh Miện, nhằm sản phẩm này vào khai thác du lịch trong thời gian tới.

Ng. Hà - Diệu Thúy