Theo báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) về tình hình tái đàn lợn ở nước ta, đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).

Có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%; tiếp đến là Bình Định; Kon Tum; Đắc Nông; Quảng Ngãi; Ninh Thuận; Yên Bái; Hòa Bình; Tây Ninh; Sơn La; Lâm Đồng; Khánh Hòa. Tỷ lệ tái đàn trung bình từ 90-100%, mức 94,3% có 9 tỉnh, thành phố.

Báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng nêu rõ, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi. Nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi.

{keywords}
Dù đã hạ nhiệt dần nhưng giá lợn hơi vẫn treo ở mức cao 

Hiện tại, dù giá lợn hơi đã hạ nhiệt so với thời đỉnh điểm tháng 5 vừa qua (giá lợn hơi nhiều địa phương vượt mốc 100.000 đồng/kg, cao nhất lịch sử), song với mức giá xuất chuồng khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg thì doanh nghiệp chăn nuôi đang lãi khủng nhờ quá trình nuôi khép kín, chủ động được từ con giống đến thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Giá lợn hơi treo ở mức cao suốt thời gian qua nên các doanh nghiệp trúng đậm, ồ ạt tăng đàn. Có những doanh nghiệp, đàn lợn thịt tăng gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 10 lần so với hồi đầu tháng 1 năm nay.

Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đến tháng 7/2020, đàn lợn thịt của các DN trên đạt trên 4,88 triệu con, tăng 52,8% so với 1/2019. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV/2020 đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).

Trong đó, đàn lợn của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam gần 2,7 triệu con, tăng hơn 200.000 con so với thời điểm tháng 1/2020. Đây cũng là doanh nghiệp có tổng đàn lợn thịt cao nhất ở nước ta hiện nay.

Giá bán thịt lợn tăng tới 84% kể từ đầu năm đến nay đã giúp CP Group (công ty mẹ của Công ty chăn nuôi CP Việt Nam) đạt doanh thu tăng 35%, lên mức 52,5 tỷ Baht Thái Lan (tương đương 39.000 tỷ đồng). 

Tương tự, Tập đoàn Dabaco cũng lãi khủng chưa từng có nhờ giá lợn hơi tăng như lên đồng suốt thời gian dài. Tính đến tháng 7, doanh nghiệp này sở hữu đàn lợn thịt lên tới 250.000 con, tăng 362% so với hồi đầu tháng 1/2020.

{keywords}
Các doanh nghiệp chăn nuôi lãi khủng khi giá lợn hơi tăng cao từ cuối năm 2019 tới nay

Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Dabaco đạt 4.605 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, tăng gấp 28 lần so với nửa đầu năm 2019 và vượt xa chỉ tiêu 457 tỷ đồng kế hoạch cả năm 2020.

Ngoài 2 “đại gia" trên, các doanh nghiệp chăn nuôi khác cũng đua nhau tăng đàn lợn để “hốt bạc”. Đơn cử, tháng 1/2020 đàn lợn của Công ty CJ chỉ có 212.000 con, đến tháng 7 năm nay đã tăng lên 756.000 con; Công ty Japfa comfeed tăng từ 105.000 con lên 276.000 con; Công ty Emivest đàn lợn hiện có gần 212.000 con, tăng gấp đôi so với tháng 1/2020; Công ty Mavin đàn lợn từ 35.000 con tăng lên trên 341.000 con, gấp gần 10 lần so với tháng 1 năm nay; Tập đoàn Hòa Phát cũng tăng gấp đôi đàn lợn của mình lên 103.000 con...

Cục Chăn nuôi cho biết, vừa qua các doanh nghiệp chăn nuôi lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, hạn chế bán con giống ra ngoài. Thành ra, thị trường lợn giống khan hiếm, giá cả vọt tăng, nhiều người chăn nuôi không thể mua lợn giống để tái đàn, tăng đàn.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết với Bộ NN-PTNT giảm giá lợn hơi xuất chuồng để bình ổn mặt hàng này. Nhưng sau đó ít lâu, cam kết bị các doanh nghiệp phá bỏ, bán giá lợn hơi theo giá thịt trường thu lãi đậm.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi - thừa nhận, giá lợn hơi tăng mạnh kéo dài nên doanh nghiệp lãi rất cao. Theo ông, dù giá lợn hơi xuất chuồng quanh mốc 80.000 đồng/kg, doanh nghiệp đã lãi cao nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để tăng lợi nhuận khi thay vì chỉ bán lợn hơi nay chuyển một phần sang giết mổ, bán thịt mảnh.

Châu Giang