Giá thép cuộn cán nóng tại các thị trường như châu Âu, châu Á và Mỹ đồng loạt tăng nhờ nhu cầu lớn và tình trạng khan hiếm nguồn cung tiếp diễn. Những người tham gia giao dịch trên thị trường dự đoán các nhà máy sẽ chào bán giá cao hơn trong thời gian tới.

Ở khắp các thị trường châu Âu, giá thép cuộn cán nóng chốt phiên cuối tuần qua đồng loạt tăng. Fastmarkets cho biết, giá thép cuộn cán nóng xuất xưởng tại Bắc Âu là 1.042 euro/tấn (1.254,34 USD/tấn) vào ngày 7/5, tăng 2,1% so với một ngày trước đó.

{keywords}
Giá thép cuộn cán nóng trên toàn cầu liên tục tăng mạnh (Ảnh: Reuters).

Giá này tăng 3,5% so với một tuần trước đó và tăng 16,5% so với một tháng trước.

Tại Mỹ, giá là 1.497,2 USD/tấn (FOB) vào ngày 6/5, tăng 1,04% so với ngày trước đó. Sản phẩm thép này đã tăng 2,13% so với một tuần trước. Giá duy trì trên mức 1.480 USD/tấn trong 5 ngày liên tiếp vừa qua do nguồn cung bị thắt chặt.

Tại châu Á, giá nhập khẩu thép cuộn cán nóng ở Việt Nam tiếp tục tăng trong tuần này do nhu cầu từ người dùng cuối tăng mạnh. Họ tăng mua vì sợ giá sẽ lên cao hơn trong thời gian tới.

Sản phẩm của Ấn Độ được chào bán ở 995 USD/tấn (CFR Việt Nam) đầu tuần này, sau đó tăng lên 1.010 USD/tấn trong cuối tuần. Ít nhất có 30.000 tấn thép cuộn cán nóng đã được tiêu thụ, Fastmarkets cho biết.

Riêng tại Trung Quốc, giá thép cuộn cán nóng tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu vào ngày 7/5. Thị trường kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trong thời gian còn lại của tháng 5.

Cụ thể, giá ở Thượng Hải là 5.990 - 6.000 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 927 - 929 USD/tấn), tăng 80 Nhân dân tệ so với một ngày trước và tăng 230 Nhân dân tệ so với một tuần trước. Giá ở Đường Sơn là 5.940 - 5.950 Nhân dân tệ/tấn, tăng 290 - 320 Nhân dân tệ. Giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc hiện ở mức cao nhất kể từ khi hợp đồng tương lai của vật liệu này được giao dịch vào năm 2014.

Người tiêu thụ cuối ở miền đông Trung Quốc tăng mua thép cuộn cán nóng để bổ sung dự trữ trước cuối tuần.

Giá thép cuộn cán nóng nói riêng và các sản phẩm thép nói chung đều tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu lớn và giá quặng lên cao.

Mysteel cho biết giá quặng sắt giao ngay loại 62% Fe đạt 201,15 USD/tấn vào ngày 6/5, lần đầu cán mốc 200 USD. Giá trong các hợp đồng tương lai tại Singapore tăng 5,1% lên 196,40 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2013. Giá tại Đại Liên (Trung Quốc) cũng tăng 8,8%.

Theo S&P Global Platts, giá quặng 62% FE giao ngay tới Trung Quốc, ở mức cao kỷ lục là 202,65 USD/tấn vào ngày 6/5. Giá vật liệu thô này đã tăng khoảng 27% kể từ đầu năm nay.

Giá quặng tăng mạnh sau khi Bắc Kinh thông báo đình chỉ vô thời hạn Đối thoại kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia. Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia xuống cấp khi Trung Quốc áp thuế chống phá giá nhằm vào lúa mạch và rượu có nguồn gốc từ Australia, đồng thời yêu cầu các thương nhân ngừng mua sản phẩm như đồng, đường, gỗ và tôm hùm.

Trước đó, giá vật liệu này liên tục đi lên vì nhu cầu thép tăng mạnh trên toàn cầu trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục. Trong đó, nhu cầu tại Trung Quốc bùng nổ khi các hãng thép Trung Quốc duy trì sản lượng trên 1 tỷ tấn một năm, bất chấp nỗ lực kiểm soát nguồn cung và sản xuất nhằm hạn chế mức phát thải carbon của ngành thép.

"Tháng 5 được xem là mùa cao điểm của ngành xây dựng. Trong khi đó, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép hiện vào khoảng 150 - 200 USD/tấn nên họ muốn có thể sản xuất nhiều nhất, bất chấp giá quặng là bao nhiêu", Julien Hall, giám đốc mảng giá kim loại châu Á ở S&P Global Platts, cho hay.

Trong khi đó, các hãng khai mỏ lớn nhất thế giới lại đang vấp phải nhiều vấn đề về vận hành, khiến nguồn cung bị thắt chặt.

Giá quặng sắt vẫn còn dư địa để tăng mặc dù giá có thể giảm trở lại trong 6 tháng cuối năm nay do nguồn cung cải thiện và nhu cầu tăng chậm, theo Fitch Solutions. Cũng có nguy cơ Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách nhằm ngăn cản đà tăng đột biến của giá quặng sắt.

(Theo Fastmarkets/ Bloomberg/ Dân Trí)