Vào quán mặn, gọi... phần "chay"

Chị Phan Thị Nga, ở Thủ Đức cho biết, giá cả tăng, chị đã hạn chế ăn quán nhưng cuối tuần, vẫn thu xếp cả nhà ra ngoài ăn sáng. 

Con chị mê bún bò, mà nay tô bún tăng 5.000 - 7.000 đồng, mỗi tô gần 40.000 đồng. Vợ chồng với đứa con mà đủng đỉnh gọi 3 tô như trước là xem ra mất tiền ăn uống một ngày của cả nhà nên phải "bóp" lại. 

{keywords}
Nhiều bà mẹ vào quán gọi phần "chay" vì "Con tôi không ăn thịt"

Ba người nhưng chị chỉ gọi 2 tô bình thường, còn 1 tô bún với nước không vì "Con tôi không ăn thịt". Cô chủ quán cũng giãi bày cây chả đã tăng lên thêm 1.000 đồng, bán mà hụt cả hơi.  

Khi đồ ăn được đưa ra, hai vợ chồng mỗi người gắp ít thịt từ tô của mình sang cho con. Thế là cả ba tô cùng có đạm. Tô bún nước không của con, khi tính tiền chỉ 10.000 đồng. 

Chị Nga nói: "Hai vợ chồng tôi đều làm công ăn lương, giá cả nhúc nhích một chút là đã hụt ngay. Mỗi thứ vài nghìn đồng, tưởng là không đáng nhưng một ngày bao nhiêu là khoản". 

{keywords}
 

Chị Thu Hoài, nhà ở Gò Vấp kể, thường ngày, sau khi đón con đi học tiếng Anh buổi tối, hai mẹ con tranh thủ đi ăn hủ tiếu, cơm tấm. Mà giờ món nào cũng tăng giá nên cũng phải chơi chiêu vào quán mặn nhưng gọi cả... phần "chay". 

Như trước hai mẹ con ăn hai phần cơm tấm là 50.000 đồng, nay lên 60.000 đồng. Giờ hai mẹ con gọi chung một phần sườn, bì, trứng và một phần cơm thêm, rồi hai mẹ con chia nhau thức ăn. 

{keywords}
Nhiều hàng quán đã thay niêm yết giá bán 

"Tổng hết 40.000 đồng, giá tăng nhưng tôi lại tiết kiệm được hơn chút và ăn xong vẫn... thòm thèm. Các món khác như bún bò, hủ tiếu cũng phải áp dụng chiêu này, xem như cơ hội mẹ giảm ký", chị cười. 

Chưa khều đã hết thịt 

Vào quán cơm tấm vỉa hè ở đường Võ Văn Ngân, Q. Thủ Đức, anh Nguyễn Minh Trúc thở dài cho biết, giá lên đã đành mà ăn còn không no bụng. Phần cơm tấm lên 5.000 đồng, mà lát thịt mỏng dí dị, đến nỗi còn khó cắn, xêu vài xêu là... chỉ còn cơm. Cuối cùng, anh Trúc phải gọi thêm quả trứng ốp la. Tính ra, suất cơm lên 10.000 đồng. 

Thời gian qua, rất nhiều quán ăn ở TPHCM dán thông báo về việc tăng giá. Nhất là các quán ăn bình dân, chủ quán phải cân nhắc rất kỹ vì nhích lên chút là lượng khách giảm ngay. 

{keywords}
Phần cơm tấm 30.000 đồng chỉ có miếng thịt mỏng dát

Trong khi giá thịt thà, thực phẩm lên cao vọt nhưng các quán chỉ dám tăng vài nghìn đồng, thật ra chẳng thấm vào đâu. Để trụ được, nhiều quán đã phải âm thầm... làm mỏng miếng thịt đi. Các phần cơm tấm, hủ tiếu trước nhìn thịt thà đậm đà con mắt, nay đều vơi đi thấy rõ. 

Chị Ngọc, chủ một tiệm cơm tấm ở Bình Thạnh kể, trước quán chị vẫn tự hào với thương hiệu miếng sườn cắn ngập như miếng giò. Nhưng nay thịt từ 75.000 đồng, lên hơn 150.000 đồng/kg thì tăng vài nghìn không trụ nổi, buộc phải giảm lượng sườn.

"Trước một ký sườn quán tôi cắt tầm 11 lát, nay buộc phải chia thành 15-16 lát", chị Ngọc thẳng thắn. Chị cho hay, để phần ăn không bị.... hụt hẫng, quán tăng cơm và đồ chua, rau củ lên.  

Bán hủ tiếu gõ vỉa hè, anh Đức Trung, quê ở Phú Yên nói, trước phần hủ tiếu 15.000 đồng, cũng không quá nhiều thịt thà. Nay tăng lên 18.000 đồng mà miếng thịt, anh phải nói là thái như thái lá chanh. Nhưng giờ đành chịu, không có cách nào khác. 

Anh Trung nói: "Giờ tôi bán thêm tô lớn 23.000 đồng nhiều hủ tiếu, thịt hơn dành cho người nào sức ăn khỏe. Chứ ăn tô lèo tèo không no, nhiều người phải gọi thêm tô nữa lại càng tốn tiền"

Người đàng ông bán hủ tiếu gõ 15 năm nay ở Sài Gòn chia sẻ anh khởi đầu nghề bán hủ tiếu gõ ban đầu chỉ 2.5000 - 3.000 đồng/tô, giờ lên gấp mấy lần rồi. 

{keywords}
Đời sống người dân lao động đang bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn tăng cao 

Chủ một tiệm thịt heo ở chợ Bà Chiểu hài hước kể, chưa khi nào mà người bán thịt phải khéo léo, tỉ mỉ như lúc này. Họ rất khó khăn để chặt miếng sườn mỏng thiệt mỏng cho các quán cơm tấm. Mỏng đến mức không thể mỏng thêm được nữa. 

Với số đông người dân, các món ăn chỉ tăng 3.000 - 5.000 là đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Nên cách khẩu phần trong suất ăn giảm đi là điều không thể tránh khi giá tăng cao. 

(Theo Dân trí)