Tổ chức The Rice Trader (TRT) vừa cảnh báo Việt Nam (VN) có thể mất quyền tham gia cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”. Nguyên nhân, do có nhiều công ty đã vi phạm bản quyền khi sử dụng logo (biểu tượng thương hiệu) này để in trên bao bì gạo kinh doanh trong nước và xuất khẩu nhưng chưa có sự đồng ý của TRT.

{keywords}
Gạo ST25 (ảnh nhỏ) được trao giải nhất ở hạng mục gạo thơm tại cuộc thi
gạo ngon Việt Nam lần thứ hai, năm 2020. Ảnh: TTXVN

Ảnh hưởng uy tín gạo Việt

“Doanh nghiệp (DN) tư nhân Hồ Quang Trí (con trai ông Hồ Quang Cua, cha đẻ gạo ngon nổi tiếng ST25 đoạt giải nhất cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 - PV) là công ty VN đầu tiên được chúng tôi cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” vào mục đích tiếp thị và kinh doanh” - TRT nêu rõ.

Đơn vị này cũng khẳng định DN tư nhân Hồ Quang Trí đã đạt được thỏa thuận với TRT về mức phí sử dụng logo giải thưởng. Phí này được sử dụng cho việc tổ chức cuộc thi và hỗ trợ nghiên cứu phát triển giống lúa. Thế nhưng có khoảng 10 công ty VN sử dụng thương hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT, chủ sở hữu thương hiệu này.

Chính vì vậy, TRT sẽ gửi văn bản cảnh báo đến các công ty VN có sử dụng logo giải thưởng mà không được phép. Danh sách đầu tiên là các công ty đang xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 có sử dụng cụm từ “World’s Best Rice” tại VN. Tiếp đến sẽ gửi văn bản cảnh báo đến các công ty xuất khẩu vì thực tế đã có công ty sử dụng cụm từ trên để quảng bá gạo ở nước ngoài, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Bà Phan Mai Hương, đại diện TRT tại VN, cho biết đơn vị này cũng đã cảnh báo một số công ty ở Thái Lan do có vi phạm tương tự nhưng không tràn lan như tại VN. Bà cho biết thêm, logo kèm dòng chữ “Gạo ngon nhất thế giới” thuộc bản quyền của TRT có trụ sở tại Mỹ.

“Thế nhưng khi TRT làm việc với một số công ty, họ có thái độ bất hợp tác và thiếu tôn trọng TRT cũng như các quy định về bản quyền. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới”. Vì vậy, chúng tôi sẽ có những hành động để bảo vệ thương hiệu, uy tín của giải thưởng cũng như những đơn vị tham gia giải thưởng và làm ăn uy tín” - đại diện TRT nhấn mạnh.

Có thể bị khởi kiện bồi thường thiệt hại

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho rằng những công ty sử dụng logo giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” là vi phạm sử dụng logo nhãn hiệu công ty khác. Những công ty này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu gạo VN, vì vậy TRT cần đề nghị các cơ quan chức năng xử lý.

Tuy nhiên, ông lại cho rằng TRT là một công ty tổ chức sự kiện hằng năm về hội nghị xúc tiến thương mại gạo thế giới cho người mua, người bán gặp nhau. Tại hội nghị có cuộc thi bên lề là thi gạo ngon nhất thế giới. “TRT là một công ty chứ không phải là tổ chức đa quốc gia, tổ chức thế giới nên chuyện họ cảnh báo không đáng ngại!” - ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch VFA, nói.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội DN VN, nêu quan điểm: Trong trường hợp logo của TRT đăng ký bảo hộ tại Mỹ vẫn có thể kiện các công ty tại VN “xài chùa” logo nhãn hiệu của mình. Theo đó, họ có thể khởi kiện tại trọng tài hoặc tòa án nơi công ty vi phạm có trụ sở về hành vi sử dụng trái phép logo của mình. Họ cũng có thể đưa các bằng chứng chứng minh logo nhãn hiệu của công ty là thương hiệu nổi tiếng và yêu cầu các công ty vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

“Còn quy định tại VN, hành vi sử dụng logo trái phép tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm mà công ty này sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền tương ứng. Ngoài ra, công ty có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục như trên” - ông Nghĩa nói.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo tại TP.HCM cũng cho rằng đây là hành vi đáng lên án của các công ty khi đã sử dụng trái phép logo giải thưởng cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”. Giải thưởng này có giá trị và những tác động tích cực nhất định giúp nâng cao uy tín, chất lượng hình ảnh gạo VN trên thế giới và ngay cả thị trường nội địa.

“Do vậy, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần phối hợp với TRT để phát hiện, cảnh cáo các công ty vi phạm bản quyền nhãn hiệu. Những trường hợp vi phạm không hợp tác phải xử phạt nặng nhằm bảo vệ uy tín ngành gạo VN” - vị đại diện công ty trên nhấn mạnh.

Tự ý sử dụng, không xin phép là sai

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quang Trí, Giám đốc DN tư nhân Hồ Quang Trí, cho biết: “Khi chúng tôi tham gia dự thi phải thỏa thuận với ban tổ chức rằng ai đoạt giải thì không được phép sử dụng tùy tiện thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”. Nếu muốn sử dụng thì phải trả phí”.

Ông Trí không tiết lộ mức phí sử dụng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”. Tuy nhiên, ông cho rằng khi tổ chức The Rice Trader đã đưa ra khuyến cáo và yêu cầu các DN ngừng sử dụng thương hiệu gạo đoạt giải của cuộc thi này thì các DN nên tôn trọng và ngừng sử dụng.

“Người ta nói mình sai thì phải gỡ xuống thôi, còn chuyện về sau thỏa thuận với họ thế nào thì tôi không liên quan, vì họ nói chỉ cung cấp giấy chứng nhận “Gạo ngon nhất thế giới” cho đơn vị tham gia dự thi. Với những người khác làm ra lúa ST25 nhưng không đi thi thì cũng không được phép sử dụng thương hiệu này” - ông Trí nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Thông qua báo chí, cục đã biết việc tổ chức The Rice Trader có thông cáo báo chí cảnh báo các DN VN đang sử dụng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” để quảng bá, kinh doanh mà không xin phép họ.

Theo ông Cường, khi ông Hồ Quang Cua - cha đẻ giống lúa ST25, gửi sản phẩm gạo ST25 đi thi thì đương nhiên phải có những cam kết, ràng buộc với ban tổ chức cuộc thi.

“Tôi cho rằng lúc này bản thân các DN phải tự nhận thức rằng việc tự ý sử dụng thương hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” là sai. Tổ chức The Rice Trader đã có cảnh báo rồi thì đương nhiên họ phải tự hiểu về việc phải dừng lại việc sử dụng thương hiệu này” - ông Cường chia sẻ.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Trả giá đắt: Phở mang danh Trung Quốc, nước mắm gắn mác Thái

Trả giá đắt: Phở mang danh Trung Quốc, nước mắm gắn mác Thái

Gạo ST25 của Việt Nam có nguy cơ bị “đánh cắp” thương hiệu tại thị trường Mỹ, Úc. Câu chuyện trên cho thấy việc bảo hộ thương hiệu là điều cấp bách khi các doanh nghiệp muốn thoát “ao làng” và vươn ra biển lớn.