Hơn 100 năm trước, tiền nhân làng Phụ Chính đã trồng cây sưa đỏ trong khuôn viên đền Đức Thánh Nhì. Đến nay, không một ai trong làng biết chính xác thời điểm xuất hiện cây sưa đỏ. Các cụ trăm tuổi trong làng kể lại rằng đã thấy cây sưa tỏa bóng mát ở sân đền từ khi còn rất nhỏ.

Có lẽ, tiền nhân không hay biết số phận cây sưa đỏ mà họ gieo trồng xa xưa đang là tâm điểm gây xôn xao, khiến bao người liên lụy vì liên quan đến chuyện chặt hạ cây sưa đem bán.

{keywords}
Cây sưa đỏ trăm tỷ trước thời khắc bị chặt hạ

Tỏa bóng giữa cổng đền, nằm ngay sát trục đường chính làng Phụ Chính, cây sưa đỏ có tuổi đời hơn một thế kỷ. Cây sưa có giá tiền tỷ khiến cả làng bàn tán, chính quyền Hà Nội thì nâng lên đặt xuống mới đưa ra được quyết định cuối cùng, rằng cây sưa này thuộc quyền sở hữu của tập thể người dân Phụ Chính.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2010, khi người dân trong làng chặt hạ một cành của cây sưa đỏ trong khuôn viên đình. Sau khi chặt hạ, cành sưa trên được bán cho một đại gia chơi gỗ ở Bắc Ninh với giá 20,5 tỷ đồng.

Những ồn ào có lẽ sẽ không phát sinh nếu cành sưa trên được chuyển xứ Kinh Bắc thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền mua sưa, xe chở gỗ vừa ra khỏi làng thì bị lực lượng công an huyện Chương Mỹ tạm giữ.

Số gỗ sưa được chuyển về huyện Chương Mỹ bảo quản trong hơn 4 năm. Cũng từng ấy thời gian, người dân làng Phụ Chính liên tục đưa đơn, tìm đến gặp các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Họ kiến nghị với UBND TP. Hà Nội, với Bộ NN-PTNT, Viện Kiểm sát, Ban Tiếp dân TƯ,... để xin kết luận cuối cùng về quyền định đoạt số phận cây sưa trăm tỷ trên.

{keywords}
Cao niên làng Phụ Chính chụp ảnh bên cây sưa trước lúc bị chặt hạ

Năm 2015, huyện Chương Mỹ tổ chức đấu giá cành sưa trên, kết quả thu về hơn 31 tỷ đồng, khiến người dân xã Hòa Chính bức xúc. Trong tâm điểm ồn ào, lãnh đạo huyện Chương Mỹ quyết dùng số tiền 31 tỷ đồng đó đầu tư các công trình phúc lợi cho xã Hòa Chính. Đặc biệt, huyện đã duyệt chi giai đoạn 1 hơn 25 tỷ đồng để xây chùa tại làng Phụ Chính.  

Câu chuyện chưa ngã ngũ thì vào đêm mưa bão tháng 8 năm 2013, lợi dụng lúc người dân không để ý kẻ gian đã cắt trộm một cành sưa. Mất cành sưa giá trị nhiều tỷ đồng, cả làng tiếc hùi hụi. Họ thay nhau chia thành từng tốp, mỗi đêm 10 người, trải chiếu ngủ gần gốc sưa để bảo vệ. Cũng từ đó đến nay, chưa đêm nào người dân Phụ Chính có một giấc ngủ trọn vẹn.

Một vị cao niên trong làng nhớ lại: “Khi ấy, cả làng tiếc nuối nhìn nhau khi phát hiện mất cành sưa. Tôi và bà con thuê người đến rào cây, bọc kín thân cây bằng thép, hàn khung và lập đội bảo vệ thôn thay nhau túc trực, canh giữ cây sưa. Tối đến, chúng tôi canh giữ cây, sáng sớm lại vác cuốc ra đồng làm việc, cứ thế ròng rã hơn 5 năm qua”.

{keywords}
Cây sưa được chặt hạ sau gần thập kỷ ồn ào

Trong khi người dân làng Phụ Chính và chính quyền chưa tìm được tiếng nói chung thì cây sưa đỏ bị mối mọt và chết dần chết mòn ngay trong khuôn viên đền. Một cành sưa thậm chí còn bị mục rỗng trầm trọng khiến người dân lo sợ ‘khối vàng lộ thiên’ này sẽ sớm thành củi khô, giá trị của cây sưa theo đó mà tiêu tan.

Thời điểm đó (năm 2010), gỗ sưa có giá 30-35 triệu đồng/kg. Cây sưa đỏ khi ấy nặng hơn 3 tấn, tính ra, giá trị của cây lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do bị mối mọt mục rỗng, giá sưa hiện chỉ ở mức 20 triệu/kg. Số tiền bị thất thoát sau nhiều tranh cãi lên đến hàng chục tỷ đồng.

{keywords}
Phá áo giáp sắt cây sưa trăm tỷ

 

{keywords}
Ai nấy đều vui mừng khi chặt hạ cây sưa

Trong lúc đó, dư luận thôn Phụ Chính và huyện Chương Mỹ lại xôn xao khi được đơn thư nặc danh tố cáo trưởng thôn này tự ý bán cành sưa để dùng vào việc cá nhân. Chính quyền Hà Nội lại phải vào cuộc rà soát, xác minh thông tin trong đơn. Sau nhiều ngày điều tra, cuối cùng, cơ quan chức năng kết luận không có sự việc trên.

Phân trần về vụ việc, ông Vũ Văn Tuyến, người bị tố đem cành sưa đi bán, cho hay thời điểm các cụ đem cành sưa trong đền Đức Thánh Nhì đi bán, ông đi chăm người ốm hai ngày ở bệnh viện về mới biết tin. Các cụ đã thống nhất bán cành sưa với giá khoảng 150 triệu đồng do sợ mất cắp chứ không phải vì thiếu tiền.

Cuối cùng, sau những ồn ào và nhiều lần nâng lên đặt xuống, số phận cây sưa đỏ trăm tỷ đã được định đoạt khi chính quyền Hà Nội tháng 10/2018 có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

{keywords}
Bảo quản gỗ sưa bằng thùng container và rào thép B40 

 

{keywords}
Cây sưa được chặt hạ, tạm khép gần 1 thập kỷ nhiều tranh cãi

Nhưng phải hơn 2 tháng sau, ngày 21/1/2019, dân làng Phụ Chính mới được chặt hạ cây sưa. Công việc này được quản lý, giám sát bởi một ban khai thác gồm 23 thành viên. Người dân trong làng thuê một nhóm thợ 4 người chặt hạ, đào rễ, vận chuyển gỗ sưa cất giữ vào thùng xe container. Toàn bộ số gỗ được đo đạc, đánh ký hiệu cẩn thận. Các mối khóa được hàn kín. Để chắc chắn hơn, ở ngoài thùng container, tổ bảo vệ còn đóng cọc thép B40 bên ngoài.

Có lẽ, những ngày tới dân làng Phụ Chính còn phải thức trắng đêm canh giữ gỗ sưa, hay lo làm thủ tục cho buổi đấu giá sắp tới, nhưng với họ, quyền lợi chính đáng cuối cùng đã được hưởng. Số tiền thu được dự kiến dùng để tu sửa và xây dựng một ngôi chùa khang trang, tạm khép hành trình gian nan khai thác cây sưa trăm tỷ.

Phương Thảo

Số phận cây sưa trăm tỷ ở Hà Nội: Quyết định bất ngờ ngay trước Tết

Số phận cây sưa trăm tỷ ở Hà Nội: Quyết định bất ngờ ngay trước Tết

 Trưởng thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) Vũ Văn Tuyến cho biết sẽ khai thác cây sưa trước tết Nguyên Đán 2019.