Chiều 24/6, Bộ NN-PTNT đã thông tin kết quả tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Theo đó, tổng kinh phí ngân sách trung ương (do Bộ Tài chính cấp), ngân sách địa phương và kinh phí được các ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đến tháng 5/2020 khoảng 13.248 tỷ đồng.

Báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, nguồn lực của địa phương, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương thực hiện chi trả hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của bệnh DTLCP.

{keywords}
Nước ta phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn vì dịch tả lợn châu Phi

Tính đến ngày 31/5/2020, kinh phí đã chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phòng, chống bệnh DTLCP là trên 12.000 tỷ đồng, bằng khoảng 98% nhu cầu kinh phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kinh phí tiêu hủy lợn mắc bệnh, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí trong phòng chống dịch, các địa phương gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Bởi, DTLCP là bệnh rất nguy hiểm ở lợn, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; diễn biến dịch bệnh ở các nước trong khu vực đang rất phức tạp; nguy cơ tái phát dịch tại các địa phương đã qua 30 ngày là rất cao. Trong khi, giá thành sản xuất, chăn nuôi lợn tăng cao.

Ngoài ra, một số địa phương gặp khó khăn trong việc xác định thành phần thuộc diện được hỗ trợ trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nước ta từ tháng 2/2019 sau đó lây lan nhanh ra khắp 63 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến nay, dịch bệnh này cơ bản đã được khống chế, việc tái đàn, tăng đàn đang được đẩy mạnh. Song, tại một số tỉnh thành, dịch bệnh này đang có nguy cơ tái phát, giá con giống cũng đang quá cao khiến người dân e ngại chưa dám tái đàn, tăng đàn.

T.An