Sài Gòn: Thiếu nguyên liệu, lo giá cả tăng

“Chưa, chưa mở đâu nhé”, ông Hùng lập tức xua tay khi một người khách tấp xe vào quán phở của gia đình chiều 9/9.

Ông Hùng giải thích, quán chưa thể mở được do các nguyên vật liệu chế biến khó mua và thời gian vận chuyển không đảm bảo khi qua các chốt kiểm soát. Sáng 9/9, ông Hùng đặt gà từ sớm bên quận 12 sang quận Phú Nhuận mà đến 14h chiều cùng ngày vẫn chưa có.  

Hàng cơm, phở, hủ tiếu của ông Quốc Bảo trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) cũng không mở dù TP đã cho phép kinh doanh bán mang về từ 6h-18h hàng ngày.

{keywords}
Dãy phố Phan Xích Long với rất nhiều quán ăn vẫn đang “im lìm” chiều 9/9

Ông Bảo cho hay, phải đợi thêm từ 1-2 tuần nữa để theo dõi biến động giá cả và lượng nguyên liệu thịt, hải sản, rau xanh mới quyết định ngày mở hàng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đồng nghĩa giá bán ra của các món ăn sẽ lên theo, nếu không có khách đặt mua thì mở lại quán cũng vô nghĩa.

Tiền ship đắt ngang tiền món ăn

Đến nay, một số ứng dụng giao đồ ăn đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng đặt cho đội ngũ shipper hiện chưa nhiều.

Chủ quán cơm trưa văn phòng Kim Loan tại đường Vũ Tùng (quận Bình Thạnh) thông tin, đội ngũ shipper chỉ giao hàng trong nội quận nên khách đặt còn ít. 

Khảo sát của VietNamNet trên một ứng dụng giao đồ ăn cho thấy, chỉ với quãng đường di chuyển khoảng 300m trong khu vực quận Bình Thạnh, chi phí đặt đồ ăn là 35.000 đồng, chi phí giao là 31.000 đồng (gần bằng món ăn). Đồng nghĩa người đặt hàng phải trả gấp đôi số tiền khi cho món ăn mình đặt.

“Trước ăn một bát hủ tiếu 50.000 đồng mà giờ lên 100.000 đồng, khách có đồng ý trả tiền không? Giá cả đang nhảy múa nên tôi chưa thể bán hàng được”, ông nói.

Hàng bánh mì nằm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cũng không có bánh mì để bán do không có bột nguyên liệu, hàng chỉ bán 100% bọc bánh sandwich đóng túi sẵn từ nơi khác chuyển đến.

Ghi nhận của PV. VietNamNet trong chiều 9/9 cho thấy, ngày đầu tiên loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được mở trở lại, số lượng hàng quán mở rất hiếm.

Tuyến phố Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) nổi tiếng với các cửa hàng ăn chạy dọc hai bên đường, không có cơ sở nào bắt đầu kinh doanh bán hàng mang đi trở lại. Các tuyến phố ở quận 1, quận 3 cũng trong khung cảnh không khác là mấy.

Chị Thu, chủ quán cơm trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cho biết, quán mở từ 6h-18h nhưng chỉ bán cho shipper có đơn hàng, dự kiến số lượng bán ra cũng không nhiều. Đến chiều 9/9, dù đã mở bán cả ngày nhưng chưa có khách nào đến đặt cơm.

Các yếu tố như biến động nguyên liệu đầu vào, quá trình vận chuyển, lo ngại dịch trong cộng đồng sẽ ảnh hưởng tới việc mở lại của loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, thậm chí nhiều chủ quán có thể “không mặn mà” ở thời điểm hiện tại. Theo quan sát, nhịp độ mở lại đối với hình thức bán đồ ăn mang về tại TP.HCM sẽ cần nhiều thời gian để trở về thời điểm trước. 

{keywords}
Cửa hàng bán mang về trước đây vẫn đóng cửa
{keywords}
Một quán ăn đã mở nhưng chủ quán nằm chơi vì không có khách

Đà Nẵng: Quán xá vẫn “cửa đóng then cài”

Đà Nẵng cho phép nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các xã, phường "vùng xanh" (qua 14 ngày không có ca Covid-19 cộng đồng) được phép hoạt động, phục vụ bán mang về từ ngày 5/9.

Dù được mở cửa, nhưng nhiều cơ sở tại các phường Hải Châu 1, Nam Dương, Phước Ninh (quận Hải Châu), phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Một số cửa hàng hoạt động nhưng lượng người mua ít.

Nói về lý lo không mặn mà với việc mở cửa, hầu hết chủ cửa hàng trả lời vì không biết bán cho ai khi số người được phép ra đường rất ít. Shipper chưa hoạt động nhiều, không nhận các đơn lẻ và phí lại cao hơn ngày thường nên người dân ít đặt.

{keywords}
 Các quán cà phê vẫn cửa đóng then cài
{keywords}
Sau 4 ngày được phép hoạt động, hàng loạt cửa hàng kinh doanh ăn uống ở "vùng xanh" vẫn chưa mở cửa

Ngoài ra, anh Trần Thịnh Thái - chủ quán bún trên đường Ngô Quyền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) - cho hay: “Với quy định hiện nay, người dân vùng xanh được đi chợ 5 ngày/lần thì việc đảm bảo nguyên liệu tươi để bán cũng khó. Người đến mua cũng hạn chế, số lượng shipper hoạt động ít nên khó nhận hết đơn hàng, vì thế tôi chưa vội mở cửa, chờ thêm xem sao".

Trong khi đó, anh Hoàng Xuân Nam, quản lý quán trà sữa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hải Châu 1), cho biết, dù mở cửa trở lại nhưng lượng khách mua rất ít, chỉ đạt 30 đến 40% so với ngày thường. Việc shipper còn hạn chế hoạt động đã ảnh hưởng đến số lượng đơn đặt hàng trong những ngày qua.

Theo ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu), các hàng quán mở bán trở lại tại phường còn rất ít. Lực lượng shipper còn hạn chế, chủ yếu vận chuyển đơn hàng nhu yếu phẩm. Khó khăn nữa là nguồn nguyên liệu chưa có, nhân công cũng không đủ nên nhiều hàng quán rất khó mở cửa trở lại.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), cho rằng, tâm lý của người kinh doanh vẫn lo dịch bệnh nên muốn chờ thêm thời gian.

{keywords}
Lượng sipper còn ít nên cũng chưa đáp ứng được đơn đặt hàng 
{keywords}
Quán trà sữa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Hải Châu 1) mở cửa bán mang về nhưng lượng người mua rải rác
{keywords}
Toàn bộ cửa hàng kinh doanh ở tuyến phố ẩm thực Phạm Hồng Thái vẫn im lìm
{keywords}
Bà Nguyễn Thị Kém chủ quán phở ở đường Lê Đình Dương (phường Phước Ninh), cho biết, việc đi lại của người dân còn hạn chế nên bà không mở cửa, sợ không có người mua

Trần Chung - Hồ Giáp

Kể chuyện sướng bên Gia Lâm, dân nội thành nghe phát thèm

Kể chuyện sướng bên Gia Lâm, dân nội thành nghe phát thèm

Mặc dù chỉ được phép bán mang về, cảnh hàng quán ăn tại Gia Lâm (Hà Nội) được mở lại khiến người dân ở khu vực 1 phát thèm.