Dị nhân 20 năm dùng tay không bắt cá tôm dưới đáy sông

Theo Cổng thông tin điện tử Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, đoạn sông Vàm Nao giữa 2 bờ tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp là nơi mưu sinh hàng ngày của anh Trần Văn Hiếu trong 20 năm qua, với cách bắt cá, tôm độc đáo. Công cụ săn bắt cá, tôm của anh Hiếu rất đơn giản, ngoài ống thở dài 30m là cái rổ nhựa bịt kín đeo ở bụng.

Mỗi lần, anh Hiếu lặn ở độ sâu từ 7-10m ở dưới sông Vàm Nao. Trong 30 phút rượt đuổi ngoạn mục, đàn cá, tôm phải nằm gọn trong bàn tay “thiện nghệ” của anh.

{keywords}
Một con tôm sa vào bàn tay của anh Hiếu (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Sở NN-PTNT tỉnh An Giang)

Khi “mát tay”, anh Hiếu bắt cả đàn cá hàng trăm con hay vài ba ký tôm sông. Nhưng lúc thất bại, anh đành ngậm ngùi ngồi “thư giãn” dưới đáy sông.

Nhiều người thích thú đã học nghề anh Hiếu. Nhưng sau vài lần xuống sông, họ đành “chào thua”. Đến nay, anh Hiếu là người duy nhất ra sông dùng tay bắt cá, tôm ở dòng sông nguy hiểm này.

Kéo nhau đến xem con cá trê lạ, miệng đầy râu ở Long An

Mấy ngày qua, nhiều người hiếu kỳ đã đến nhà ông Nguyễn Văn Dện (SN 1971, ngụ xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) để xem con cá trê lạ "khủng" ông vừa bắt được.

Theo lời kể của ông Dện trên báo Long An, ngày 23/9, vợ chồng ông bắt được con cá trê lạ có chiều dài 80cm, nặng trên 3,5kg, có 8 râu (2 râu lớn, 6 râu nhỏ) ở đoạn sông gần nhà. Tại đoạn sông này từ trước đến nay, ngoài những loài cá đồng bình thường, chưa ai bắt được con cá trê lạ như vậy.

{keywords}
Ông Dện bên con cá trê lạ (Ảnh: Báo Long An)

Con cá trê lạ này có hình dạng giống cá trê bình thường. Tuy nhiên, toàn thân lại có màu trắng ngà trơn bóng từ râu, vây cho đến đuôi. Tại vây lưng, vây ngạnh và đuôi của con cá trê đều nhìn rõ chỉ máu bên trong. Một số cụ cao niên ở địa phương cho biết, đây là lần đầu tiên họ được thấy con cá trê cỡ lớn và có màu lạ như thế.

Gia đình ông Dện đang thả nuôi con cá trê lạ trong thùng nước. Ông cho biết sẽ bán con cá trên nếu có người trả được giá.

Biến sân thượng trống thành ‘khu vườn trên mây’ độc đáo

Sở hữu khu vườn sân thượng 40m2 với thiết kế vô cùng sáng tạo, gia đình anh Quốc Bảo (ở TP. Nha Trang) đã biến khu vườn thành một trang trại thu nhỏ với đủ màu sắc cây trái đều cho năng suất cao.

Ngoài trồng rau sạch, gia đình anh còn trồng nhiều loại cây ăn quả như dưa lê, dưa lưới, dưa leo,... bằng phương pháp bán thủy canh của chậu thông minh Spot (tưới tự động không dùng điện). Sắp tới, vợ chồng anh sẽ trồng thêm các loại giống ớt và cà chua.

Khu vườn giống một công viên thu nhỏ để gia đình anh Bảo có thể thư giãn sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, cùng nhau thưởng thức cảnh đẹp ngay trong chính ngôi nhà mình.

Gia tài khổng lồ chứa 1.800 chiếc cát-xét của ông vua đài Việt Nam

Ông Phùng Văn Bài (Hải Phòng) được mệnh danh là ông vua sưu tầm đài cát-xét (cassette). Ông Bài hiện sở hữu khoảng 1.800 chiếc cát-xét Nhật. Có lúc, số lượng đài còn lên tới hơn 2.000 chiếc. Giá trị của đài cũng khá đa dạng và chia theo từng phân khúc như 2-3 triệu đồng/chiếc, 4-6 triệu đồng/chiếc, 8-10 triệu đồng/chiếc, 15-25 triệu đồng/chiếc.

{keywords}
Ông Bài được mệnh danh là ông vua đài cát-xét Việt Nam

Để chứa được kho tàng khổng lồ này, ông Bài đã phải huy động tới 2 căn nhà để chất đầy "báu vật". Để phục vụ cho thú chơi cát-xét, ông còn thuê 3 người thợ giỏi, chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng đài. Ở nơi đặt để đài, ông Bài luôn trang bị hệ thống máy hút ẩm, tủ kính, túi bọc cẩn thận.

Ngôi nhà như hang động làm từ vật liệu tái chế

Ngôi nhà độc đáo này nằm trong khu đô thị mới tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - nơi có nhiều bãi đá đang khai thác tràn lan. Kiến trúc sư đã tận dụng chất thải bằng cách tái sử dụng ống thép giàn giáo, thu gom các mảnh vụn đá hay đá bị vứt bỏ từ các làng buôn bán và công trường xây dựng để thể hiện nét độc đáo cho công trình.

{keywords}
Ngôi nhà như hang động làm từ vật liệu tái chế (Ảnh: Dân Trí)

Công trình được thiết kế lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của cảnh quan quốc gia Kẽm Trống - được mệnh danh là “Nam thiên đệ tam động” (Hang động đẹp thứ 3 trời Nam). Thông qua công trình, kiến trúc sư muốn truyền tải thông điệp giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên đến người dân xung quanh, đồng thời mang đến một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng gần gũi và tiết kiệm.

Cặp mai vàng 'Tiên đồng - Ngọc nữ' quý hiếm trị giá 2 tỷ

Vườn mai cổ thụ của anh Phan Hoàng (Đông Triều, Quảng Ninh) được giới chơi cây đánh giá là độc đáo do quy tụ nhiều “cụ” mai có giá trị của núi rừng Yên Tử. Hiện trong vườn của anh Hoàng có khoảng 200 cây mai cổ thụ, trong đó quý giá nhất là cặp mai có tên “Tiên đồng - Ngọc nữ”. Chúng được đánh giá là đẹp nhất trong 10 cây mai vàng Yên Tử ở đất Đông Triều.

{keywords}
Cặp đôi “Tiên đồng – Ngọc nữ” (Ảnh: Dân Trí)

Anh Hoàng cho biết, đây là hai cây mai vàng Yên Tử rất già cỗi, tuổi đời lên đến vài trăm năm. Do đã sống nhiều năm trên núi đá nên cả 2 cây có hình dáng rất đặc biệt, thân xù xì, nổi u cục nhưng lại uốn lượn rất đẹp. Cặp cây này có dáng thế gần như tương đồng, khi đặt cạnh nhau chúng tạo thành một cặp dáng chầu như một cặp đôi nam, nữ. Giá trị cặp mai này khoảng 2 tỷ đồng.

Cây ổi mọc ngược độc nhất vô nhị ở Phú Thọ

Cây ổi mọc ngược này thuộc sở hữu của anh Bùi Đức Dũng (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Đây là cây ổi có dáng “thác đổ” bởi trên thân nổi những u cục hiếm.

{keywords}
Cây ổi mọc ngược (Ảnh: Dân Việt)

Nhiều người lần đầu nhìn thấy cây ổi có thế dáng độc - lạ này không khỏi ngạc nhiên bởi cây mọc ngược và u cục rất lớn. Những u cục này vẫn đang phát triển. Đặc biệt, tác phẩm hội tụ nhiều yếu tố của một cây cảnh đẹp tự nhiên và không hề qua bàn tay chỉnh sửa của con người.

Chia sẻ trên báo Dân Việt, anh Dũng cho biết, cây ổi có nguồn gốc từ Tuyên Quang, mọc ở bờ rào, sống ở môi trường khắc nghiệt nên cây mới nổi u cục như vậy. Thời điểm thị trường cây cảnh “sốt” giá, cây ổi này từng được trả gần 900 triệu đồng nhưng anh không bán.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)