Du lịch sinh thái nông nghiệp được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo hiệu quả, nhất là những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm ổn định, cải thiện đời sống của nông dân.

Nở rộ tour du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Nhiều năm trở lại đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách. Tại TP.HCM, nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm 20 - 30%.

Tại Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300.000 lượt khách, chiếm gần 5% tổng lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh. Một số tour đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Nam như: một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế, du lịch làng rau An Mỹ, du lịch rừng dừa nước Cẩm Thanh…

Từ Bắc vào Nam, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù.

Một số tour đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình như: Tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam); tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải, Sa Pa, Pù Luông, Mai Châu; tour du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt...

{keywords}
Cánh đồng hướng dương đem đến nguồn thu lớn về du lịch cho tỉnh Nghệ An. Ảnh: Theo báo Nghệ An

Dịch vụ homestay được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi như Quảng Nam, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang… Trong đó, một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, bài bản hướng tới tiêu chuẩn 5 sao (hệ thống homestay được tư vấn và quản lý bởi các công ty du lịch)…

Đưa du lịch nông thôn thành ngành kinh tế bền vững

Tuy đã có những thành công bước đầu, nhưng để những mô hình du lịch nông nghiệp được nhân phát triển bền vững thì cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, với doanh nghiệp và các sở ban ngành, đặc biệt phải có sự định hướng đúng dắn, rõ ràng từ nhiều góc độ, trong đó có định hướng phát triển du lịch nông nghiệp nhìn từ góc độ sản phẩm và thị trường.

Hiện hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao tại nhiều địa phương để phục vụ du khách chưa nhiều. Một số sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của khách đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp chủ yếu mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở... chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour khác do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách...

Theo một chuyên gia về du lịch, để đưa du lịch nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế phát triển, bền vững cần phải có quy hoạch sản xuất phù hợp, lâu dài, tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Mỗi địa phương có điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng, do vậy trong quá trình thực hiện cần phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển thì mới có thể thành công được.

Đồng thời cũng rất cần phải có vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo cơ chế, có chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng giữa ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời phải có những người biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần có phương thức tiếp thị tới thị trường của loại hình du lịch này, quảng bá, xúc tiến một cách có hiệu quả.

D.Minh - Ngọc Trâm (tổng hợp)