Cuộc bắt tay của 4 ông lớn bán lẻ trong nước cách đây một thập kỷ đã nhận được cái kết không mong muốn. Tương lai của những doanh nghiệp bán lẻ “nội” sẽ ra sao trước sức ép ngày một lớn của những “đại gia” bán lẻ nước ngoài?

Vỡ mộng với đại gia ngoại: 'Tình duyên' lận đận, trăm tỷ tiêu tan

Khi “liên minh” thất bại

Năm 2007, bốn ông lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam khi đó đã có một cú bắt tay ấn tượng. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). 

4 ông lớn ấy có hàng chuỗi siêu thị hợp lại thành lập một công ty có tên gọi Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam (VDA).

{keywords}
Doanh nghiệp bán lẻ Việt đang muốn giành lại thị phần. Ảnh minh họa

Những doanh nghiệp kể trên “người Bắc kẻ Nam” nhưng cùng chung một tham vọng. Đó là mở hàng loạt đại siêu thị, tổng kho ở những vị trí đẹp tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng,...

Thế nhưng, đến nay, cú bắt tay ấy lại nhận một cái kết đầy bẽ bàng. Suốt gần chục năm tồn tại, “liên minh” ấy cũng chỉ triển khai được một phần việc mà ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái - một trong 4 DN tham gia vào “liên minh” đánh giá “chỉ làm được phần nhỏ". Còn so với mục tiêu mong muốn xây dựng được hàng trăm siêu thị, các trung tâm phân phối, các chợ đầu mối lớn thì không làm được.

“Cách đây 1-2 năm, kế hoạch này chính thức dừng hoạt động”, ông Phạm Đình Đoàn cho hay.

Một trong những lý do dẫn đến thất bại này, theo ông Phạm Đình Đoàn, là không có mặt bằng.

“Khi đến thì xin đất ở các tỉnh thì đòi hỏi phải thế này thế kia, thủ tục này thủ tục kia. Là DN cổ phần, có thể làm gì sai pháp luật được”, ông Đoàn nói và cho rằng đó là ví dụ rất điển hình của việc 4 tập đoàn thương mại lớn, gồm nhà nước lẫn tư nhân, miền Bắc và miền Nam hợp tác mà “không làm được, không triển khai được”.

Cách đây hơn 1 năm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam lại có ý tưởng cho “hồi sinh” mô hình liên doanh kể trên khi mà cộng 4 ông lớn lại thì doanh thu cũng lên đến 4-5 tỷ đô. Nhưng sau cùng, đề xuất ấy cũng chưa đâu vào đâu.

Trong khi đó, thị trường bán lẻ Việt Nam giờ đây nổi lên với sự hiện diện của hàng loạt ông lớn nước ngoài khác như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật), Central Group (Thái Lan)...

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: Sự tham gia thị trường của các nhà phân phối nước ngoài, nhất là từ các nước ASEAN như Thái Lan, Nhật Bản, kéo theo là hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh cao về chất lượng và giá cả đang là thách thức đối với hàng Việt.

{keywords}
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang trong cuộc đấu khốc liệt.

Doanh nghiệp “nội” ngập trong thua lỗ

Sức khỏe các DN bán lẻ “nội” được ông Phạm Đình Đoàn mô tả bằng những số liệu mà ông thừa nhận là đầy... u ám.

“Hệ thống phân phối hiện đại đa số là lỗ. Tất cả siêu thị tính ra đều lỗ hết. Cửa hàng tiện ích càng lỗ. Tất cả đều lỗ rất nhiều”, ông Đoàn nói. Ông tiết lộ, có doanh nghiệp làm thương mại điện tử cũng lỗ vài ngàn tỷ, còn trung bình lỗ 500-600 tỷ một năm.

Nhiều DN bán lẻ đã phải liên kết hoặc “bán mình” cho nước ngoài. Nhưng cũng có siêu thị “nội” đang vươn lên để lật ngược bàn cờ.

“Ông chủ” doanh nghiệp bán lẻ kiêm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội bán lẻ Việt Nam này vẫn đánh giá, việc DN ngoại vào mua các DN nội hay mở rộng hoạt động ở Việt Nam nên được xem là điều bình thường, không có gì phải nghiêm trọng hóa, miễn là họ phục vụ được định hướng phát triển thương mại của Việt Nam về chất lượng hàng hóa, đáp ứng văn minh thương mại, giúp người tiêu dùng Việt Nam hưởng lợi ích.

Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: "Khi báo chí đưa tin là bán lẻ nội bị nước ngoài thâu tóm, tôi chủ trì cuộc họp giải trình với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi mất cả buổi chiều để giải trình những vấn đề như nếu DN nước ngoài vào thâu tóm hoạt động bán lẻ thì hàng Việt Nam không còn cơ hội vào siêu thị không. Thực tế chúng tôi đi kiểm tra cùng Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam ở Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, thì thấy trong siêu thị hiện nay hàng Việt Nam chiếm trên 90%, có nơi 95% là hàng Việt Nam".

“DN cứ thấy hàng hóa đem lại lợi nhuận là họ bán. Họ không quan tâm hàng nước nào. Bởi nếu nhập hàng từ nước ngoài vào có khi giá còn cao hơn’, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Cách đây ít ngày, Bộ Công Thương tổ chức cả một Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Lý do là đến nay, Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững.

Mục tiêu đưa ra là giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành đạt khoảng 12,6 %/năm; tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu DV tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10,7%/năm. Đến năm 2030, GDP lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 15% vào GDP.

PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện chính sách và phát triển, cho rằng: Mọi thứ giờ thay đổi nhanh. Cả tập đoàn bán lẻ lớn nhất lại không có cửa hàng nào như Alibaba. Hãng taxi lớn nhất lại không sở hữu cái xe nào. Cho nên, một chiến lược đưa ra thì cũng phải tiên đoán được hoặc dự đoán được sự tác động của công nghệ đến chính sách.

Ông Phạm Đình Đoàn nói thẳng: Trong thời đại thay đổi nhanh thế này, việc xây dựng chiến lược thương mại trong nước đến 2025, tầm nhìn 2035 thì rất khó chính xác. Chưa kể, nhiều chính sách ban hành nhưng để triển khai được thì cực kỳ khó khăn, không khả thi.

“Trước đây mấy DN chúng tôi liên doanh với nhau thành một tập đoàn bán lẻ nhưng xuống đến các tỉnh thì địa phương đưa ra đủ điều kiện nên rất khó triển khai”, ông Đoàn nhắc lại “liên minh” năm nào.

Cho nên, ông Đoàn quan điểm, chính sách cho thương mại phải từ doanh nghiệp đi lên, để DN đề xuất. Còn nếu chỉ dựa vào chiến lược thì có cũng được, không có cũng được.

Lương Bằng

Hacker tung tin giả, phá hoại TGDĐ, FPT Shop và ngành bán lẻ Việt Nam

Hacker tung tin giả, phá hoại TGDĐ, FPT Shop và ngành bán lẻ Việt Nam

Từ đầu tháng 11/2018 đến nay, thông tin được cho là dữ liệu khách hàng của TGDĐ, FPT Shop liên tục được các hacker chia sẻ trên mạng Internet. Cục An toàn thông tin (Cục ATTT) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, hỗ trợ các doanh nghiệp này.