Lúc nuôi, lợn được cho ăn Salbutamol, Cysteamine để tăng trọng, tạo nạc. Đến lúc giết thịt bán, lợn bị bơm nước cho tăng trọng; tiêm thuốc an thần, ngâm hóa chất để tươi ngon, màu sắc bắt mắt,... Giờ ăn thịt lợn, nhiều người lo sợ “rồi không biết căn bệnh ung thư đến hỏi thăm lúc nào”.

Lợn "ăn" hóa chất từ bé đến khi giết mổ

Cách đây gần 1 năm, từ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đến trang trại bùng phát vấn nạn sử dụng chất cấm cực độc salbutamol - chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi - để tăng trọng, giúp lợn giảm mỡ và tăng tỷ lệ nạc.

Khi ấy, cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện ra không chỉ các trang trại, các thương lái mới sử dụng chất này mà còn cả các doanh nghiệp, thậm chí trại nuôi lợn của tập đoàn lớn cũng sử dụng chất cấm salbutamol để thúc lợn mau lớn, kiếm lợi cao.

Khi ấy, để dẹp vấn nạn trên, vào tháng 10/2015, Bộ NN-PTNT đã phải phát động đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất được xác định là “đánh chất cấm”.

{keywords}
Chất tạo nạc, tăng trọng lượng cho lợn đang được sử dụng tràn lan

Gần đây, người dân tiếp tục hoang mang khi cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT phát hiện ra một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng chất Cysteamine cũng để giúp lợn tạo nạc và tăng trọng nhanh.

Trên thế giới, chỉ duy nhất Trung Quốc cho phép sử dụng Cysteamine còn các nước khác đều cấm do nguy cơ gây hại sức khỏe của chất này.

Ở Việt Nam, cơ quan chức năng hiện vẫn trong quá trình xem xét xem có nên cấm hay không. Và, trong khi chờ quyết định cuối cùng, Cysteamine vẫn được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi. Các chủ trang trại tranh nhau mua khiến loại cám được trộn chất tạo nạc mới liên tục cháy hàng.

Điều khiến mọi người cảm thấy bất an là chất cấm được nhập về ồ ạt. Theo số liệu của C49 (Bộ Công an), năm 2014 và 2015, trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập hơn 9 tấn chất salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường, nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định.

Việc dùng chất tạo nạc, chất tăng trọng mới chỉ là câu chuyện lợn nuôi ở chuồng. Còn từ lò mổ đến bàn ăn, thịt lợn từ lâu cũng được “tẩm ướp” đủ các loại hóa chất độc hại.

Ví như, hồi cuối tháng 11/2015, một cán bộ thú y lâu năm làm việc ở Thủ Đức (TP .HCM) cho biết, để thịt heo đỏ tươi, săn chắc, thu hút người mua, một số chủ lò mổ, người buôn bán thịt sẵn sàng tiêm thuốc gây mê, hóa chất vào thịt, làm thịt lợn tươi ngon hơn, màu sắc bắt mắt. Nó được coi là "bảo bối" để biến thịt heo bệnh, thịt heo thối thành thịt tươi, đánh lừa người tiêu dùng.

Hay như câu chuyện móng giò bán ở chợ Hà Nội được dân buôn dùng hóa chất tẩy trắng, thịt thối, ôi thiu được ngâm hóa chất sẽ biến thành tươi ngon, bắt mắt,...

{keywords}
Nhiều người Việt nghi vấn thịt lợn trên được tẩm ướp bao nhiêu chất cấm độc hại?

Ăn thịt lợn được khuyến mãi... “ung thư”

Trước thông tin liên quan đến các loại hóa chất cấm được sử dụng để nuôi lợn, ngâm tẩm vào thịt lợn, nhiều người tiêu dùng sợ hãi. Thay vì đem lại niềm vui trong bữa cơm gia đình, giờ họ lại nhìn thấy từ miếng thịt là nguy cơ tiềm ẩn những vấn đề về sức khỏe con người.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, đã là chất độc hại thì dù lượng ít hay nhiều, khi ngâm tẩm vào thịt lợn thì vẫn cứ độc hại.

Chẳng hạn, khi tẩy trắng móng giò, nếu dùng axit citric thì người ăn loại móng giò này sẽ bị nhiễm kim loại nặng, về lâu dài có thể bị ung thư. Đó là chưa kể, một số chất độc đã bị cấm như chất tạo nạc, tăng trọng Salbutamol đã bị cấm.

Hay, các chuyên gia trong ngành cũng cho biết, khi trộn Salbutamol vào thức ăn để tạo nạc cho lợn, người tiêu dùng ăn phải thịt này có nguy cơ bị ung thư. Khi tác động vào hệ cơ, hệ mạch sẽ gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch còn có nguy cơ tử vong nếu dư lượng chất cấm này quá nhiều trong thịt.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban An toàn thực phẩm TP. Hà Nội, nói: “Giờ vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành quốc nạn. Nhìn đâu cũng ra đồ độc hại, tìm thực phẩm an toàn lại khó. Hệ lụy của nó là tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tăng nhanh chóng trong những năm qua, dự báo sẽ thành đại dịch trong 5 năm tới.”.

Theo ông Phú, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, hệ thống phân phối hàng hóa không theo khoa học, quản lý vùng biên giới lỏng lẻo tạo điều kiện cho nhập lậu các hóa chất độc hại vào Việt Nam.

6 triệu con lợn nguy cơ "ăn" chất cấm

Thông tin trên Tuổi trẻ cuối 3/2016 cho thấy, thường thì đối tượng sử dụng chất cấm này chỉ một tháng cuối trước khi lợn xuất chuồng. Đây là thời điểm lợn gần đạt trọng lượng tối ưu nên tốc độ tạo mỡ nhanh, tiêu tốn nhiều thức ăn.

Ở giai đoạn kích nạc, mỗi ngày một con lợn ăn hết 3,3kg thức ăn. Trong tháng cuối, sẽ dùng hết khoảng 100kg cám có trộn chất cấm.

Trong khi đó, với mỗi kg chất cấm nguyên chất (thường là salbultamol) thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy, với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho lợn có chứa chất cấm. Tức, lượng thức ăn này đủ để “tạo nạc” cho 6 triệu con lợn, chiếm trên 20% tổng đàn lợn của Việt Nam (28 triệu con).

Như Băng