Karaoke điêu đứng

“Nếu có một điều ước, con chỉ ước dịch bệnh tiêu trừ”, dòng trạng thái kèm bài báo thông tin về việc TP.HCM tạm dừng karaoke, quán bar, vũ trường từ ngày 30/04, được chia sẻ trên facebook cá nhân của Nguyễn Phước Trúc Định, đại diện của hệ thống karaoke NNice. 

“Dù sao thì công ty cũng cố gắng trợ cấp cho nhân viên để có cuộc sống tối thiểu. Khó khăn nên chúng tôi cũng phải vay mượn thêm bên ngoài để trang trải. Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì cũng phải cân nhắc việc đóng cửa chi nhánh”, ông Định thông tin khi đợt dịch trước bùng phát.

Việc dừng hoạt động các quán karaoke là điều bắt buộc phục vụ phòng dịch song cũng gây khó khăn lớn lên loại hình dịch vụ này.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Hệ thống quán karaoke tại TP.HCM tuân thủ lệnh đóng cửa để phòng dịch từ 18h ngày 30/4

Trong khi đó, không giấu nổi sự buồn bã khi nói qua điện thoại, Nguyễn Quế Sơn, quản lý hệ thống karaoke ICool tại TP.HCM, chia sẻ về khó khăn hiện tại của hoạt động kinh doanh. “Chỉ đạo của chính quyền thành phố đóng cửa thì bên tôi hoàn toàn chấp hành vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng, nhưng chúng tôi khó khăn quá”, ông Sơn nói.

Với mỗi mặt bằng bình quân thuê khoảng 150 triệu đồng/tháng, hệ thống gần 20 chi nhánh tương đương khoảng 3 tỷ đồng/tháng tiền thuê mặt bằng của hệ thống karaoke này. Ngoài ra, chi phí hỗ trợ lương 3 triệu đồng/nhân viên/tháng với khoảng 800 nhân viên là thêm hơn 2 tỷ đồng.

“Tính sơ chi phí đã là 5 tỷ đồng/tháng chưa tính lãi ngân hàng. Đợt dịch trước kết thúc, chưa mở được 40 ngày thì nay đã phải đóng cửa. Số đông nhân viên họ nản lắm, khả năng anh em về quê sinh sống hoặc kiếm việc khác. Quá bi đát”, vị quản lý hệ thống karaoke này nói.

Biến thành nhà hàng bán đồ ăn

Trước những khó khăn và dự kiến tình hình dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, một chuỗi kinh doanh karaoke lớn đã lên phương án chuyển đổi mô hình để thích nghi trong đại dịch. Từ 1/5, nhân viên phục karaoke phải làm quen và chuyển sang bán đồ ăn.

{keywords}
Hệ thống karaoke chuyển mô hình thành kinh doanh quán ăn để cầm cự

“18 chi nhánh của ICool sẽ chuyển sang bán cà phê, thức ăn nhanh tại chỗ và chạy giao hàng trên cả trên ứng dụng giao đồ ăn. Đây là cách chúng tôi cầm cự, phải mở xuyên suốt để phòng khi đóng cửa karaoke thì 800 con người trong hệ thống vẫn có công việc mưu sinh”, ông Sơn cho hay.

Đồng tình với việc cần xoay chuyển mô hình hoạt động kinh doanh để thích ứng với đại dịch, TS. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho rằng, ngành kinh doanh dịch vụ trong thời điểm hiện tại phải chấp nhận, có sự chung tay phòng, chống dịch vì cộng đồng.

“Mặc dù chúng ta đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế song cần  thận trọng. Có thể chuyển dần sang mô hình bán hàng online nếu cung cấp đồ ăn. Việc giao hàng tận nơi cần được đẩy mạnh, kết hợp với hình thức truyền thống trong điểm hiện tại, tránh tụ tập đông người”, ông Thắng nêu quan điểm.

Trước đó, hàng trăm quán karaoke ở TP.HCM phải dừng hoạt động từ 18h ngày 30/4 để phục vụ công tác phòng dịch Covid-19 theo yêu cầu của chính quyền thành phố.

Ngoài karaoke,ì dịch vụ kinh doanh quán bar và vũ trường cũng phải tạm dừng. Đây là lần thứ tư trong hơn một năm qua, các dịch vụ này phải dừng hoạt động để phòng chống dịch. Quyết định đóng cửa ba dịch vụ không thiết yếu nêu trên được đưa ra trong bối cảnh làn sóng mới của dịch Covid-19 đang bùng phát tại một số tỉnh, thành phố.

Trước đó, quán bar, vũ trường và karaoke chỉ mới được mở cửa trở lại hôm 19/3 sau thời gian dừng vì đợt bùng phát dịch đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bài và ảnh: Quảng Định