Tác động kép của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách, đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đã khiến ngành bia gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.

Ngàn tỷ “bốc hơi”

Theo Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), sản lượng bia năm 2020 giảm từ 10-20%. Mặc dù đang tạo ra gần 200.000 việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp, hàng năm có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp ngành bia vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ cuối năm 2019, với việc xử phạt nặng người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, khiến sản xuất bia bị ảnh hưởng. Tiếp đến, Luật phòng chống tác hại của rượu bia, có hiệu lực từ 1/1/2020, có các biện pháp để giảm tiêu thụ rượu bia. Rồi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn, khiến việc tiêu thụ bia “đóng băng”.

{keywords}
Ngành bia gặp nhiều khó khăn trong năm 2020

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính), cho biết, tổng số thu ngân sách từ các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó nhóm các doanh nghiệp bia lớn như Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg... nộp 49.595 tỷ đồng, chiếm 80% số nộp của cả ngành. Tuy nhiên, hết 10 tháng năm 2020, số nộp ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp lớn này mới đạt 39.111 tỷ đồng.

Năm nay, doanh nghiệp rượu bia chịu tác động kép của một số quy định và tác động tiêu cực của dịch bệnh nên lượng tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao, ông Phụng nhấn mạnh.

Trong khi đó, số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã xử lý 3 triệu lượt vi phạm, phạt tiền 2,5 tỷ đồng, trong đó, riêng vi phạm về nồng độ cồn là 141.000 lượt.

Báo cáo tài chính của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, cho thấy, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 khi chạm mốc 20.230 tỷ đồng. Năm 2019, con số này lên đến 28.321 tỷ đồng. Lãi 9 tháng năm 2020 của Sabeco vì thế chỉ còn 3.400 tỷ đồng, mất gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Cổ phiếu SAB của Sabeco đang giao dịch quanh giá 182.000 đồng/cổ phiếu, giảm 20% so với đầu năm. Nguyên nhân chính, theo Sabeco là do Nghị định 100 và đại dịch Covid-19. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhưng hàng ngàn tỷ đồng vẫn “bốc hơi”.

Với Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), 9 tháng năm 2020 doanh thu đạt 5.654 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng chủ yếu do Habeco cắt giảm tối đa chi phí bán hàng, trong đó riêng quảng cáo là 277 tỷ đồng.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo VBA, 3 năm trở lại đây, mức tăng trưởng sản lượng của ngành bia Việt Nam có dấu hiệu chậm lại. Giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng chỉ đạt 6,8%, sang năm 2020 thì giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp đều có mục tiêu về lợi nhuận và thị phần. Do đó, cạnh tranh trong ngành bia ngày càng khốc liệt và nhiều cạm bẫy để đạt kế hoạch đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, nhận định, hiện kinh doanh bia ở Việt Nam rất vất vả, phải giỏi mới tồn tại được. Không phải cứ thấy có cơ hội đầu tư vào là thắng.

Giám đốc marketing của một công ty bia tại TP.HCM cũng thừa nhận, cuộc cạnh tranh trên thị trường bia rất khốc liệt. Các doanh nghiệp phải giành giật thị phần theo từng vùng, theo từng quý, thậm chí là theo từng tháng. Thắng thua trong ngành bia giờ phụ thuộc lớn vào “bí quyết” marketing. Tất cả các doanh nghiệp đều phải tranh giành thị phần ở cả kênh truyền thông lẫn nhà hàng, quán nhậu.

Cạnh tranh trên thị trường bia thậm chí không còn lành mạnh nữa. Rất nhiều chiêu trò được các nhân viên tiếp thị, các doanh nghiệp tung ra nhằm “triệt hạ” đối thủ. 

{keywords}
Dân giảm ăn nhậu, ngành bia "bốc hơi"ngàn tỷ

Về phía các nhân viên tiếp thị, liên tục “tấn công” đối thủ ở các nhà hàng, quán nhậu bằng nhiều cách. Ví dụ như lôi kéo, dụ dỗ chủ quán phá hợp đồng đang thực hiện với thương hiệu khác, chuyển sang ký với mình với khoản hỗ trợ hấp dẫn hơn. Chi tiền để chủ quán làm ngơ cho mình “đổ quân” vào làm khuyến mãi tại đây. Tài trợ cho các quán xung quanh nhằm gây áp lực với chủ quán của các đối thủ. Giả làm khách hàng đến uống bia, to tiếng nói xấu về chất lượng sản phẩm của đối thủ, chê toàn nhập nguyên liệu rẻ tiền từ Trung Quốc, trong bia có chất diệt dục,... Hoặc tung tin đồn công ty này đã được bán cho Trung Quốc, làm ăn thua lỗ,...

Các doanh nghiệp cũng có nhiều chiêu cạnh tranh, kể cả vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, thấy một quán nhậu có vị trí đẹp, đông khách, muốn hạ biển của đối thủ, treo biển của mình thay vào, sẵn sàng treo thưởng thật cao để đạt mục đích; tìm cách phá các sự kiện quảng bá của đối thủ. Giảm giá sản phẩm chấp nhận thua lỗ, tăng chi phí cho nhân viên tiếp thị, chi phí hỗ trợ các nhà hàng quán nhậu, khiến đối thủ cạnh tranh không trụ nổi, phải chấp nhận bỏ cuộc,...

Theo ông Việt, do gặp nhiều khó khăn, VBA đã có văn bản kêu cứu, gửi Chính phủ, bởi rượu bia cũng là một ngành sản xuất. Tuy nhiên, không nhận được sự hỗ trợ nào.

Phát biểu tại “Diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát”, do VCCI tổ chức mới đây, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Hừng Đông, đề nghị cần sửa Nghị định 100 để cứu ngành bia rượu.

Ông Huế cho rằng, Nghị định này mục tiêu đưa ra là tốt, có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên có một số điều khoản chưa hợp lý. Ví dụ như cứ có nồng độ cồn trong máu là bị xử phạt, như vậy rất khiên cưỡng, vội vàng, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, tới doanh nghiệp, đặc biệt trước sức ép thu ngân sách của Nhà nước.

Trần Thủy

DN rượu bia lo không thực hiện nổi trách nhiệm xã hội

DN rượu bia lo không thực hiện nổi trách nhiệm xã hội

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia hiện đang qui định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia sẽ phải đóng góp một khoản bắt buộc từ 0,5% đến 1% vào Quỹ nâng cao sức khỏe