Mua hàng xách tay không còn xa lạ với người Việt. Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên các đường bay quốc tế đều phải tạm dừng, chỉ có hàng hoá được phép thông quan. 

Điều này khiến dân kinh doanh hàng xách tay thiệt hại đáng kể. Bởi theo chị Tr. (Gia Lâm, Hà Nội), nếu cầm hộ chiếu du lịch sang Nhật mua đồ, tôi sẽ được hoàn 10% tiền thuế ngay tại chỗ. Ví dụ một tỷ tiền hàng, thì người mua đã có lợi 100 triệu đồng.

{keywords}
Phần hoàn thuế là lợi nhuận của dân kinh doanh hàng xách tay

“Thế nhưng, do không bay sang được, nên tôi đành nhờ em gái đã định cư bên đó mua hộ. Song, do quy định của Nhật là không miễn thuế cho người Nhật, du học sinh hay lao động nên khoản thuế đó tôi không được hoàn lại”, chị Tr cho hay.

Do trước đây đều bán đúng giá mua bên Nhật và chỉ hưởng lợi phần hoàn thuế, nên đợt này, chị Tr buộc phải tăng giá bán để bù lại.

Cũng theo chị Tr, buôn hàng xách tay phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài tiền hoàn thuế, thì thu nhập cũng đến từ chênh lệch tỷ giá tiền và tiền vận chuyển. Vận chuyển với số lượng càng lớn thì giá sẽ càng rẻ và tỷ giá chênh lệch nhiều thì càng có lợi.

Nhưng thời điểm này theo chị, chi phí vận chuyển đã tăng rất mạnh. Trước đây, nếu giá vận chuyển chỉ rơi vào khoảng 185 - 190 nghìn đồng/kg, thì nay đã tăng lên 210 nghìn đồng, thậm chí 240 nghìn đồng/kg.

“Đó là chưa kể, việc đổi tiền hiện rất khó. Trước đây, tôi thường mua lại của các du học sinh hoặc người lao động muốn gửi tiền về cho gia đình. Nhưng hiện nay, họ không có việc làm nên cũng chẳng có tiền để gửi về”, chị Tr cho biết và thông tin thêm, nếu 1 tỷ đồng tiền hàng thì chỉ cần tiền lên 1 giá thôi cũng đã có lời 10 triệu đồng. Nhưng nếu rủi ro tiền của Nhật đang cao mà cần phải đổi để mua hàng thì phải chịu lỗ.

Cũng đang kinh doanh hàng xách tay, chị Vũ Linh (Trần Duy Hưng, Hà Nội) đã sụt giảm doanh thu một nửa so với trước. Khách của chị thay vì mua hàng tốt thì chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng bình dân hơn.

{keywords}
Nhiều người mất hàng trăm triệu một chuyến hàng chỉ vì không sang mua trực tiếp được

“Trước đây, cứ 1 tháng rưỡi tôi lại sang Nhật mua hàng 1 chuyến. Mỗi lần đi như vậy đều mất 15 ngày. Tôi phải hiểu nhu cầu của khách và đi từng cửa hàng như vậy mới chọn được đồ ưng ý. Còn hiện tại, do nhờ người mua hộ nên cũng nhiều hàng không phù hợp, rất khó bán”, chị Linh cho hay. 

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng lệnh cấm nhập cảnh với những người đến từ Việt Nam, Thái Lan, Australia và New Zealand; nhưng theo nhiều người sinh sống ở Nhật, ít nhất phải đến tháng 11 thì mới có thể quay trở lại.

(Theo Dân trí)