Nồi hấp cá được người Mường gọi là cái Ốt, có hình dáng tương tự cái chõ và cách làm chín bằng hơi ấy được người Mường gọi là đồ, giống như kiểu đồ xôi. Có lẽ đó là lý do mà cái tên cá Ốt đồ ra đời.

Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng để có được món cá Ốt đồ ngon đúng điệu cũng lắm công phu và thời gian nấu nướng. Cá trôi, cá trắm đều được nhưng ngon nhất là cá quả, cá chép ta nuôi thả tự nhiên.

Cá sau khi được bắt dưới ao lên, được đánh vẩy, bỏ ruột, xát muối cho thật sạch nhớt rồi đem ướp với các loại gia vị như: muối, hạt tiêu, gừng, xả, ớt, hạt dổi chừng 30 phút cho ngấm sau đó đem trộn với thật nhiều măng, gói đùm vào lá chuối và đặt lên Ốt đồ từ 10 – 12 tiếng.

Lẫn trong mùi thơm của khói củi là mùi hương hấp dẫn của cá và những gia vị đặc trưng mang đậm hương vị của sản vật núi rừng vô cùng hấp dẫn. Món cá Ốt đồ ngon và đạt yêu cầu là phải chín thật nhừ, mềm mà không được nát. Cả cá và măng quyện với những loại gia vị thơm nức mũi, mềm mà ngọt, nhai được cả xương.

{keywords}
 

Măng rừng hút lấy những tinh túy của cá tiết ra nên vừa ngọt lại đậm đà. Cá nhờ măng, dổi, gừng, sả, ớt… mà vừa thơm lại thêm tròn vị. Vì cách chế biến khá mất thời gian nên mỗi khi vào dịp lễ Tết quan trọng, các đầu bếp thường dành cả ngày trời để chuẩn bị món ăn này cho  được chu đáo. Vào mùa lạnh, món cá Ốt Đồ có thể để được tới 4 – 5 ngày vẫn thơm ngon như thường.

Học cách chế biến món cá Ốt đồ theo cách của người Mường không quá khó nhưng có lẽ món ăn sẽ hoàn hảo hơn khi được thưởng thức trong một căn nhà sàn xinh xắn, với không gian của mùi khói đang loang loang những vệt màu lam qua ô cửa gỗ, bên chén rượu ngô, rượu gạo cay nồng mà ấm áp cùng những câu chuyện hỉ hả lan man kể hoài không hết về cái nương, con suối của những người dân bản địa.

Nếu có dịp ghé qua những bản làng của người Mường ở Hòa Bình, bạn hãy tìm cách thưởng thức món ăn này một lần nhé.

(Theo Dân Việt)