Vừa cắt xong rau các loại tại vườn rau thủy canh chuẩn bị chuyển xuống Hà Nội bán, chị Na (Hà Nam) tranh thủ ngồi chia ra từng bó và cân theo đơn đặt hàng của khách. Chị nói: “Hôm nay chỉ có 30 kg rau sạch chuyển đi thôi. Nhiều buổi chưa kịp đến lứa thu hoạch, tôi không có hàng mà trả khách”.

Từng tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại một trường đại học tại Hà Nội, ra trường một thời gian, chị đi làm cho một vài công ty, lương cũng tạm ổn trang trải cuộc sống. Song, khác với bạn bè cùng trang lứa, người thì cố gắng xin vào làm văn phòng, người thì làm kế toán cho các công ty nhằm bám trụ lại Hà Nội, chị Na quyết định về quê phát triển mô hình rau thủy canh theo sở thích của mình.

{keywords}
Mô hình vườn rau thủy canh rộng 200m2 của chị Na 

Chia sẻ về sở thích trồng rau của mình, chị Na kể: “Thời sinh viên, tôi thường được bố mẹ gửi rau dưới quê lên cho, không dám sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch ở thành phố rất lớn, tôi muốn làm trang trại rau sạch để cung cấp rộng ra thị trường”.

Tính toán về quê trồng rau, thời gian đầu Na bị bố mẹ phản đối vì như vậy khác nào ông bà tốn tiền cho chị ăn học, có bằng cấp giờ lại về làm nông - công việc tay chân vất vả. Hơn nữa, trồng rau không đúng kĩ thuật, rồi ảnh hưởng thời tiết, lo tìm đầu ra,... bố mẹ chị sợ bao nhiêu vốn liếng đổ vào rồi lại trắng tay.

Song, Na nghĩ, không làm thử sao biết mình làm được hay không; thêm nữa nhu cầu về rau sạch ở thành phố ngày càng cao, nhất là trồng theo phương pháp hiện đại thủy canh, nên càng thúc đẩy chị thử nghiệm mô hình này.

Với 200m2 đất, có chút vốn tích cóp, vay mượn, chị đầu tư hết vào rau thủy canh. Ngoài tìm học trên mạng, chị đúc rút kinh nghiệm từ anh em, bạn bè đang làm mô hình trang trại này. Không như nhiều người dùng xơ dừa hay bông khoáng làm giá thể, chị dùng mút xốp bởi với khí hậu miền Bắc sẽ giúp giữ ẩm lâu hơn cho rau.

Lứa rau đầu tiên cho thu hoạch chỉ 1-2 kg, chị được vài người quen, bạn bè mua ủng hộ. Nhiều khi chị cho không để khách ăn thử xem chất lượng rau thế nào nên hầu như không có lời lãi. Có hôm thời tiết nắng nóng, hạt ươm không lên được, chị lo đến mất ăn mất ngủ bởi không chăm bẵm cẩn thận là hỏng cả vườn rau ngay.

{keywords}
Vườn thủy canh có nhiều loại rau khác nhau

Hơn nữa, thay vì ngồi bàn giấy làm 8 tiếng như trước, ngày ngày bất kể nắng mưa, giờ giấc chị đều phải túc trực ngoài trang trại, điều chỉnh độ ẩm, chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây, tìm phát hiện sâu bệnh kịp thời để khắc phục triệt để. Có hôm, giữa trưa nắng hay đêm khuya, lại phải ra xem rau thế nào, hạt ươm có lên không. Vất vả là vậy nhưng được chồng ủng hộ nên chị càng quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.

Chị Na cho hay, trồng rau thủy canh bao gồm 3 bước chính: ươm hạt, cho lên giàn và thu hoạch. Trong đó, ươm là công đoạn khó nhất. Phải căn mức độ phun sương, độ ẩm để hạt giống được lên đều, tỷ lệ nảy mầm cao. Hạt sau khi ươm khoảng 1 tuần sẽ nảy mầm. Sau đó, đưa cây lên giàn trồng.

Chất dinh dưỡng nuôi cây sẽ được tưới bằng hệ thống tự động. Cần điều chỉnh lượng dinh dưỡng mỗi ngày, nhặt bắt sâu bọ, rau đạt tiêu chuẩn là thu hoạch được.

Qua ngày tháng, kinh nghiệm, kĩ thuật làm vườn tăng lên, vườn rau thủy canh của Na ngày càng tươi tốt, cho năng suất càng cao. Hiện vườn thủy canh của chị có đầy đủ các loại rau, như xà lách Mỹ, xà lách xoăn, cải ngọt, cải xoăn kale, rau thơm, rau muống, dưa chuột, lặc lè,... Trung bình mỗi ngày, chị thu hoạch 20-30 kg rau, tùy từng loại mà giá bán khác nhau, dao động từ 30.000-80.000 đồng/kg.

“Dần dần được bạn bè giới thiệu, ngoài các mối khách lẻ, tôi còn nhận cung cấp cho các cửa hàng, siêu thị Hà Nội. Giờ tôi chỉ bán online, khách đặt hôm trước, hôm sau tôi cắt rau chuyển xe đi luôn. Nhiều hôm tôi phải từ chối, xin khất đơn hàng vì lượng rau không đủ cho khách. Tôi cũng liên kết với các trang trại rau sạch khác bán sỉ, lẻ lên đến cả tạ rau cho thu nhập cao hơn nhiều trước đây”, chị chia sẻ.

Nghĩ lại quãng thời gian làm văn phòng nhàn hạ, đồng lương thấp phải chắt bóp chi tiêu, chị Na thấy quyết định về quê khởi nghiệp tuy có vất vả nhưng được theo đuổi đam mê của mình là hoàn toàn đúng đắn. Vườn rau của chị không chỉ đem lại doanh thu đáng kể, cải thiện cuộc sống mà còn cung cấp ra thị trường nguồn rau sạch, đảm bảo sức khỏe cho mọi người.

{keywords}
Theo chị Na, có 3 bước chính trồng rau thủy canh là: ươm hạt, cho lên giàn và thu hoạch

 

{keywords}
Giá mỗi loại rau khác nhau, dao động 30.000-80.000 đồng/kg

 

{keywords}
Chị Na đang chăm sóc vườn rau của mình

 

{keywords}
Hiện vườn của chị mỗi ngày cho thu hoạch 20-30 kg rau

 

{keywords}
Ngoài khách lẻ, chị còn cung cấp cho các cửa hàng rau Hà Nội, cho thu nhập đáng kể

N.Thanh