Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa xử phạt Công ty TNHH Morinda Việt Nam 605 triệu đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sau một đợt thanh tra chuyên ngành.

Công ty này đã vi phạm quy định về trách nhiệm thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; vi phạm quy định về việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp.

Ngoài ra còn vi phạm quy định về việc cử đào tạo viên không đáp ứng điều kiện thực hiện đào tạo cơ bản cho người tham gia.

{keywords}
Các công ty kinh doanh đa cấp trái phép thường tổ chức hội nghị, hội thảo để lôi kéo người tiêu dùng tham gia. Ảnh: Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, công ty này cũng vi phạm quy định về việc cấm duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp. Công ty cũng đã cung cấp thông tin gian dối trong hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Cơ quan chức năng cho biết từ tháng 1/2018 đến thời điểm kiểm tra, tổng số người ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với Công ty Morinda Việt Nam là 4.562 người. Doanh thu năm 2018 của công ty đạt 49,34 tỷ đồng.

Sau nghỉ Tết Canh Tý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH World Việt Nam vào ngày 31/1 và Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân ngày 5/2.

Tiếp đó, đơn vị thuộc Bộ Công Thương phát đi cảnh báo các dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép của Jeunesse hay Jeunesse Global tới người tiêu dùng.

Doanh nghiệp thường tổ chức hội thảo, đào tạo trực tiếp để giới thiệu sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng cao mà chưa có giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng không nên tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Đồng thời, không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Jeunesse hay Jeunesse Global không rõ nguồn gốc xuất xứ vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại.

(Theo Zing)