Một trong những câu hỏi được bạn đọc quan tâm trong chương trình làm “nguy cơ” người trẻ mất cơ hội việc làm khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có 1 triệu lao động thất nghiệp, trong đó có gần 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Đồng thời, chủ trương tinh giản biên chế cũng đang được áp dụng triệt để ở các cơ quan nhà nước hiện nay.

Được biết, Chính phủ đang đề xuất trong Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) lộ trình tăng tuổi hưu như sau: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động nam tăng mỗi năm 3 tháng và lao động nữ tăng 4 tháng cho tới khi tuổi hưu của lao động nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.

Bày tỏ quan điểm về băn khoăn trên, ông Doãn Mậu Diệp - Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Hàng quý, Bộ LĐ-TB&XH vẫn tổ chức công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động, trong đó số người thất nghiệp đang chiếm khoảng 1 triệu người, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,1-2,3%”.

{keywords}
Chương trình do Báo điện tử Dân trí và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hôm 18/10 tại Hà Nội.

Phân tích sâu về các con số thất nghiệp trên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu vấn đề: “1 triệu người thất nghiệp là nhiều hay ít? 1 triệu người thất nghiệp nếu so với tổng số 4,4 triệu lao động của Singapore thì rất kinh khủng. Vì cứ 4 người thì có một người thất nghiệp. Nhưng nếu so với 220 triệu lao động của Mỹ thì chỉ như “muối bỏ biển”.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, việc đánh giá nhiều hay ít phải so với tổng số người trong lực lượng lao động, tức là phải xem mẫu số lớn hay nhỏ. So với 55 triệu lao động của Việt Nam thì con số 1 triệu lao động thất nghiệp chỉ chiếm 2,2%.

Vậy con số 2,2% là nhiều hay là ít?

Chia sẻ thêm thông tin với bạn đọc, vị Phó trưởng Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) nêu dẫn chứng: “Theo bảng số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Syria- 50% vì đang chiến tranh, thấp nhất thuộc về Căm pu chia với 0,5%”.

Ngoài ra, trong số 160 nước thì khoảng 20 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 20%; 25 nước nằm trong khoảng 10-20%, 60 nước nằm trong khoảng 5-10%.

“Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất - 2,2%, tức là lọt vào top 5% của các nước và vùng lãnh thổ. Vậy thì hơn 1 triệu người thất nghiệp và tỷ lệ 2,2% là con số không nhiều so với lực lượng lao động nước ta” - ông Doãn Mậu Diệp kết luận.

Đánh giá tổng quan về thị trường lao động Việt Nam, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, hiện nay vẫn đang tiếp nhận số lượng lao động mới, mỗi năm thêm khoảng 400.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng lên chứng tỏ việc tạo việc làm mới vẫn tốt. 

“Việc cử nhân thất nghiệp cũng bình thường vì mỗi năm ta có khoảng 500.000 sinh viên ra trường, gia nhập thị trường lao động mà tới nay mới chỉ 200.000 cử nhân chưa tìm được việc làm thì nghĩa là dòng chảy thị trường vẫn chuyển động bình thường, không đáng lo ngại” – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Cần điều chỉnh tuổi hưu ngay từ bây giờ

Theo ông Doãn Mậu Diệp, 15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người, tức là số vào tuổi lao động nhiều hơn số ra khỏi tuổi lao động 1,2 triệu người. 5 năm gần đây, mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 400.000 người (năm 2018 so với năm 2017 là 380.000 người), tức là chỉ bằng 1/3 so với 15 năm trước.

“Tốc độ già hóa của dân số Việt Nam rất nhanh nên để ứng phó với dự thiếu hụt lao động trong tương lai thì cần phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ trước khi quá chậm” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

"Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 129.000 người nghỉ hưu, nếu tăng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất của dự thảo Bộ luật do Chính phủ trình thì số người nghỉ hưu giảm trung bình khoảng 9.000 người/năm. So với con số 54 triệu lao động của Việt Nam thì con số này không có ý nghĩa lớn" - ông Doãn Mậu Diệp nói.

(Theo Dân trí)