Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại mà sự kiện đánh dấu được nhiều người nhắc đến là việc Tổng thống Trump quyết định rút lui khỏi TPP. Xu hướng bảo hộ dường như càng thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Một số nước thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Điều này khiến các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam từ quả vải thiều đến con tôm, con cá tra,... thời gian tới đều có thể bị ảnh hưởng.

Hàng Việt "bầm dập" bởi hàng loạt rào cản

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều khi mà việc tiếp cận các thị trường mới, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai rất khó khăn. Thế nhưng ngay cả thị trường Trung Quốc, vải thiều vụ này cũng sẽ gặp không ít thách thức. Đặc biệt, từ 1/4/2018, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu về chất lượng, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng đây là chính sách mới, các cơ quan, doanh nghiệp và người sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang rất cần những chỉ đạo hướng dẫn cụ thể. “Nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác tiêu thụ vải thiều năm 2018”, tỉnh này lo ngại.

{keywords}
Vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trước.

Vì thế, UBND tỉnh Bắc Giang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT sớm đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vải thiều để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bắc Giang cũng muốn sớm hướng dẫn cụ thể để địa phương tổ chức thực hiện, đảm bảo về điều kiện xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang Trung Quốc,...

Bộ NN-PTNT, trong bài tham luận tại Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu ngày 23/4, cũng liệt kê hàng loạt khó khăn, thách thức cho nông sản Việt khi ra thế giới.

Theo Bộ này, sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc,... bằng việc đưa ra các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và ngày càng có xu hướng giá tăng cũng gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT cũng liệt kê hàng loạt rào cản thương mại với nông sản Việt thời gian qua. Đó là Chương trình thanh tra và áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn, tôm vào Hoa Kỳ; lệnh tạm dừng nhập khẩu đối với mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Ảrập Saudi; Ấn Độ áp dụng biện pháp áp đặt mức giá tổi thiểu đối với hồ tiêu nhập khẩu; quy định mới kiểm dịch 100% các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào Hàn Quốc áp dụng từ 1/4/2018.

Đối với chính sách truy xuất nguồn gốc quả vải của Trung Quốc, Bộ NN-PTNT thừa nhận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số lượng nông sản Việt Nam xuất sang thị trường này.

Năm 2017, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị “đánh” bầm dập. Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm vì thuế chống bán phá giá tăng cao. Còn cá tra cũng gặp trở ngại ở cả 2 thị trường chủ lực là EU và Mỹ. Bị ảnh hưởng từ chương trình thanh tra cá da trơn từ 1/8/2017 và thuế chống bán phá giá tôm và cá tra, xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 10%, xuất khẩu tôm cũng giảm 7,5%.

Theo ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, những rào cản này sẽ tiếp tục khiến thủy sản xuất khẩu gặp khó trong năm 2018.

{keywords}
Xuất khẩu thủy sản liên tục đối mặt rào cản mới. Ảnh: Minh Dũng

Chủ động ứng phó

Nhận định tình hình xuất khẩu thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng vạch ra không ít khó khăn, nổi lên là sự quay trở lại của “chủ nghĩa bảo hộ”.

Theo Bộ Công Thương, thương mại toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn gần đây trở nên căng thẳng. Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018”, Bộ Công Thương cảnh báo.

Dấu hiệu là, theo Bộ Công Thương, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Hoa Kỳ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Mỹ cũng sẵn sàng thay đổi quy tắc xuất xứ được chính họ công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôm xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra - basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường, có thể nói là bảo hộ quá mức.

Đáng chú ý, theo  Bộ Công Thương, một số nước khác thậm chí sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước, như Indonesia chỉ cho phép nhập khẩu điện thoại thông minh nếu công ty làm ra điện thoại đó cũng có cơ sở sản xuất ở Indonesia, hay Ấn Độ cấm nhập khẩu hạt tiêu nếu giá bán vào Ấn Độ thấp hơn một mức giá tối thiểu do Chính phủ nước này đặt ra.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng: Chúng ta phải luôn theo dõi, nhanh chóng, hàng ngày và chi tiết về động thái của các đối tác có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Chẳng hạn, khi họ chuẩn bị ban hành một chính sách mới, qua cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chúng ta cần tích cực tham gia vào quá trình tham vấn ở đó.

“Điều này có thể nhìn thấy bài học từ Cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam, cộng đồng DN Mỹ ở Việt Nam. Mỗi khi chúng ta có thay đổi chính sách lớn, họ sẵn sàng tham gia quá trình tham vấn để bảo vệ lợi ích của phía họ.

Nay cơ quan ngoại giao, thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải làm được điều đó. Giả sử đối tác lo ngại tình hình nhập khẩu từ Việt Nam và họ cân nhắc một số biện pháp để hạn chế thì chúng ta cần đánh giá kịp thời, có cách ứng phó ngay thay vì phải gửi về nước lấy ý kiến nhiều bên, mất nhiều thời gian”, ông Nguyễn Anh Dương góp ý.

Lương Bằng

Thủ tướng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ trở lại

Thủ tướng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ trở lại

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN năm 2016 diễn ra ngày 8/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một trong những thách thức to lớn là “chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại”.

Quảng Tây - Trung Quốc: 'Cấm cửa' hoa quả Việt không rõ nguồn gốc

Quảng Tây - Trung Quốc: 'Cấm cửa' hoa quả Việt không rõ nguồn gốc

Từ 1/4/2018, doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam vào tỉnh này sẽ phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng.

Kiện gà Mỹ bán phá giá: Mất nửa triệu USD để làm cho ra nhẽ!

Kiện gà Mỹ bán phá giá: Mất nửa triệu USD để làm cho ra nhẽ!

Mặc dù Tổng cục Hải quan khẳng định không có chuyện thịt gà nhập khẩu từ Mỹ có giá 12.000 đồng/kg nhưng Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ vẫn quyết theo kiện bán phá giá.

Donald Trump rút lui và lời đáp trả không thể đảo ngược

Donald Trump rút lui và lời đáp trả không thể đảo ngược

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lui nhưng nỗ lực của 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã là câu trả lời khẳng định về xu thế không thể đảo ngược. 

Một quyết định của Donald Trump: Tỷ phú Việt lập tức bị chấn động

Một quyết định của Donald Trump: Tỷ phú Việt lập tức bị chấn động

Những chuyển biến trong chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nhân giàu có trên thị trường chứng khoán.