Cầm quả cam bé tí lọt thỏm trong lòng tay (khoảng 1,5-2 lạng /quả), người viết bài này không khỏi kinh ngạc về độ đắt đỏ của giống cam nhìn bề ngoài không hề có gì đặc biệt này: Quả tròn nhỏ, da mịn, màu vàng tươi. Nếu không được giới thiệu đây là giống cam Xã Đoài, nhiều người sẽ dễ dàng lướt qua vì nghĩ đây chỉ là giống cam V2 lòng vàng bình thường như bao giống cam khác được trồng đại trà khắp Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An và nhiều tỉnh khác.

{keywords}
Cam xã Đoài nhỏ nhắn, mỏng vỏ, mã sáng, tinh dầu có mùi hương thơm ngát. Ảnh: Kh.V

Với mức giá 100.000 đồng/quả, cam Xã Đoài thực sự là “hiện tượng” tại một số gian hàng giới thiệu cam Vinh và sản phẩm đặc sản Nghệ An, phần  lớn bởi quá đắt đỏ. Ngay tại hội chợ, nhiều người tỏ ý muốn mua thử loại cam này, nhưng đều bị từ chối với lý do “để trưng bày, giới thiệu”.

Lần giở nhiều tài liệu, chúng tôi được biết, cam Xã Đoài là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, được coi là cây ăn quả đặc sản "tiến vua" nức tiếng ở xứ Nghệ. Cam Xã Đoài không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vinh dự được ghi vào đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào "Cam Xã Đoài, xoài Thà - Khẹc" và đi vào văn chương Việt Nam. 

{keywords}
Cam Xã Đoài được trưng bày và bán với số lượng hạn chế tại hội chợ, giá 100.000 đồng/quả. Ảnh: Kh.V

Bởi sự quý hiếm, đắt đỏ đó mà  những người có cam Xã Đoài chỉ bán bằng quả, không bán cân. Thế nhưng, hầu như khách hàng đặt mua cam đều là “khách ruột” mua cả cây và đặt cọc hết năm này sang năm khác, hiếm có cơ hội cho người khác xen vào.

"Cam Xã Đoài rất kén đất, đã được trồng thử nghiệm nhiều nơi nhưng chỉ thơm ngon khi trồng trên đất xã Nghi Diên. Dù được bán với giá 100.000 đồng/quả, nhưng hầu như loại cam này không còn để bán ra thị trường bởi khi cây bắt đầu đơm nụ đã có người đặt mua cả cây” – ông Nguyễn Hùng - người đem cam Xã Đoài ra Hà Nội giới thiệu về loại quả đặc sản này, cho biết.

“Nhiều chủ trang trại trồng cây ăn quả tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Con Cuông… cũng đã xin chiết giống, mang về trồng nhưng kết quả không đạt. Cây vẫn sai quả, nhưng hương vị đã biến đổi, không ngọt nước và thơm ngon như khi trồng trên đất Nghi Diên”- ông Hùng nói thêm.

Theo cuốn biên niên sử xã Nghi Diên, khoảng 150 năm trước, một linh mục người Pháp khi sang vùng đất này truyền đạo đã mang theo một giống cam để trồng tại vùng đất tòa giám mục (nay thuộc địa bàn xóm 8, 9). Thật bất ngờ, loại cam này phù hợp với thổ nhưỡng ở đây và nhanh chóng nổi tiếng với mùi thơm và vị ngọt khó thấy ở giống cam khác. Tương truyền từ thời triều đình Huế có tổ chức cuộc thi hoa quả trên cả nước, ở địa phương có ông Châu đưa cam Xã Đoài đi thi và đạt giải Nhất. Nhờ có giống cam quý này tiến vua mà ông Châu được đặc cách phong hàm "Cửu phẩm".

Theo ông Thái Thanh Quý - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, bên cạnh đặc sản Cam Vinh - những quả cam mọng nước, ngọt ngào, mang hương vị đặc trưng của vùng mà bất kỳ ai đã từng thưởng thức đều có thể cảm nhận, tỉnh Nghệ An còn có rất nhiều sản phẩm, đặc sản nổi tiếng khác như: Gừng Kỳ Sơn; Dứa Quỳnh Lưu, Susu Quỳnh Liên, Bơ Nghĩa Đàn, Chè Nghệ An, Chè Gay Anh Sơn, Bưởi hồng Quang Tiến, Ổi Nghĩa Đàn, Chanh leo Quế Phong, Dưa rẫy Kỳ Sơn, Quế Phong, Trám đen Thanh Chương, Mận Tam Hoa Kỳ Sơn; các loại vật nuôi như Dê Tân Kỳ, Gà Thanh Chương, Gà vườn rừng Yên Thành, Vịt bầu Quỳ Châu, Gà Phủ Diễn; các sản phẩm chế biến: Nước mắm Vạn Phần, Nước mắm Quỳnh Dị, Cá thu nướng Cửa Lò, Mực khô Quỳnh Lưu, tôm nõn Diễn Châu, xúp lươn, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, dê Tân Kỳ, Rượu Mú Từn Quế Phong, rượu men lá Con Cuông,… và nhiều sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng miền đang từng bước được phát triển và thương mại hóa.

(Theo Lao Động)