Chưa khi nào mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng lại có cơ hội khuynh đảo, làm mưa làm gió trên thị trường như hiện nay. Thực tế này đang diễn ra một cách công khai, nhộn nhịp.

Bên cạnh thị trường tín dụng “chợ đen” tự phát, một loạt công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đang ồ ạt tiếp thị đến người vay tiêu dùng. Một số công ty mặc dù chỉ được phép đặt trụ sở chính tại Hà Nội hoặc TPHCM, nhưng đã huy động tối đa lực lượng cộng tác viên để mở rộng kênh phân phối đến khách hàng trên phạm vi nhiều tỉnh thành khác, vận dụng nhiều chiêu thức kỹ thuật tính toán đẩy lãi suất cho vay lên đến 70-90%/năm (6-8%/ tháng), gấp 5-7 lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại. Nhiều tình huống dở khóc dở cười, điêu đứng, đau lòng do vướng bẫy lãi suất cao, dẫn đến mất khả năng thanh toán, bộc phát nhiều tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến môi trường trị an.

{keywords}

Nhiều công ty tài chính vận dụng các chiêu thức kỹ thuật để tính toán đẩy lãi suất cho vay lên đến 70-90%/năm (6-8%/ tháng), gấp 5-7 lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại

Điều đáng quan ngại là hiện tượng bất thường này lại không được các nhà quản lý tỉnh táo nhìn nhận ứng xử theo chiều hướng luật hóa một cách hợp lý, trước hết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tiếp theo - mục tiêu lớn hơn - là ổn định, lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, lãi suất, trật tự an toàn xã hội.

Trước hết, xét về nguyên nhân hành lang pháp lý, hiện đang có nhiều quy định bất ổn.

Luật pháp hiện hành chỉ chế tài những trường hợp cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên (5 lần x 20%), khi đó mới bị liệt vào dạng “cho vay nặng lãi”? Đây là quy định bất hợp lý, thoát ly thực tiễn.

Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực; 2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ”.

Đây là quy định mới nhất về lãi suất thỏa thuận trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vừa thể hiện tính linh hoạt theo cơ chế lãi suất thị trường, vừa khẳng định rõ được vai trò quản lý nhà nước.

Thực tế hiện nay, với khung lãi suất cho vay phổ biến của ngân hàng thương mại (chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng dư nợ nền kinh tế), chưa có hiện tượng vượt rào quá giới hạn này, kể cả các đối tượng được vay tiêu dùng tín chấp. Lẽ ra cần phải dựa vào mặt bằng lãi suất này để làm chuẩn tiến đến xây dựng hành lang pháp lý lãi suất phù hợp cho các công ty tài chính hoạt động hợp pháp trên thị trường. Đáng tiếc điều này đã bị bỏ qua. Ngay cơ quan chịu trách nhiệm quản lý tiền tệ quốc gia là NHNN vẫn chưa thống nhất được khái niệm lãi suất thỏa thuận, gần như để mặc cho thị trường tự do quyết định.

Trong khi đó, điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ” lại quy định theo nghĩa hoàn toàn khác: “1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; 2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”.

Như vậy, vô hình trung, luật pháp hiện hành chỉ chế tài những trường hợp cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên (5 lần x 20%), khi đó mới bị liệt vào dạng “cho vay nặng lãi”? Đây là quy định bất hợp lý, thoát ly thực tiễn, thiếu tính nhân văn, nhưng lại được công nhận là chỗ dựa pháp lý góp phần “bảo kê” cho sự bùng phát tệ nạn lãi suất “cắt cổ” như hiện nay.

Để biện minh cho lãi suất cao ngất trời, người cho vay thường đưa ra lý do cần phải hạn chế rủi ro nợ xấu do cho vay không có tài sản thế chấp. Cách lý giải này không ổn, bởi vì tư cách và uy tín người vay tiền phải là tiêu chí đầu tiên cần được xem xét kỹ càng trước khi quyết định cấp tín dụng.

Mặt khác, khi môi trường pháp lý còn bị buông lỏng thì càng có điều kiện để lãi suất cao tung hoành. Một tiền lệ nguy hiểm nữa là hầu hết các công ty tài chính hầu như không sử dụng hệ thống dữ liệu thông tin tín dụng CIC để thẩm tra tư cách khách hàng vay vốn, chủ động phòng tránh rủi ro ngay từ đầu. Nhiều trường hợp khách hàng đã vay tiền ở ngân hàng thương mại, khi nợ xấu phát sinh tại các công ty tài chính (thực tế này rất dễ xảy ra do khả năng thanh toán rơi vào thế bị động vì lãi suất quá cao) buộc các ngân hàng phải chấp nhận đi “mua lại” nợ từ các công ty tài chính để tránh nợ xấu tăng theo dây chuyền. Không loại trừ đây là “kỹ xảo” được các công ty tài chính áp dụng một cách phổ biến nhằm tất toán nợ xấu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất? Nếu NHNN không có giải pháp ngăn chặn sớm tình trạng này thì chất lượng tín dụng toàn hệ thống sẽ bị rối loạn, gây ra tình trạng bất bình đẳng về môi trường pháp lý trong quá trình tiếp cận, thẩm định và quản lý khách hàng vay vốn.

Sự tồn tại của hệ thống công ty tài chính tiêu dùng bên cạnh hệ thống ngân hàng thương mại là thực tế khách quan, cần được khuyến khích để tăng cường thị phần tín dụng chính thống, đáp ứng tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đa dạng ngày càng tăng trong các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên nếu không chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, nghiên cứu ban hành các giải pháp quản lý đồng bộ, khoa học, hợp lý cả về hệ thống cơ chế pháp luật, mô hình vận hành, quản lý nhân sự cấp cao... sẽ dẫn đến những rủi ro không lường trước được.

(Theo TBKTSG)