{keywords}
Bà U. ra giá bán chim cúm núm 350.000 đồng/kg

Hai khu chợ Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) và Thạnh Hóa (tỉnh Long An) được xem là “địa ngục chim trời” nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay.

Chợ thực phẩm thành “chợ chim”

9g sáng, sau nhiều giờ đặt bẫy ở một cánh đồng gần Vườn Quốc gia Tràm Chim, người đàn ông tên K. mang một giỏ chim cò đến quầy của bà Út nằm trong chợ thực phẩm Tam Nông (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) để bán, thu được 250.000 đồng. “Hôm nay xui nên bẫy được ít, chứ mọi hôm bẫy được gấp đôi số này” - ông K. tỏ ra thất vọng.

Do ông K. dùng bẫy câu trời nên hầu hết số chim bẫy được đều đã chết. Nhiều con cò bị móc câu dính vào mắt, da thịt bị cắt một đường dài tứa máu. Nhận hàng từ người bẫy chim, bà Út phân loại rồi cột thành từng xâu, mỗi xâu chừng năm con, tương đương khoảng 1kg. Thấy khách đến, bà Út đon đả chào mời: “Em mua cúm núm hay cò? Chim ngoài tự nhiên cả đó, cúm núm chị lấy một ký 350.000 đồng thôi”.

Quầy bán chim của bà Út nằm bên hông chợ thực phẩm Tam Nông. Chim ở đây được cột thành từng xâu hoặc bỏ trong một chiếc mâm lớn, bày bán công khai. Thấy khách lạ đến, bà Út chào mời nhưng có vẻ e dè và dặn: “Không được chụp hình, mấy ổng biết là rầy dữ lắm”. Bà Út bán chim trời ở chợ Tam Nông đã được hơn mười năm. Vài năm gần đây, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm việc buôn bán động vật hoang dã ở chợ nên thương nhân phải “vừa bán, vừa dòm”.

Sau một hồi trò chuyện, biết chúng tôi là khách ở TPHCM mới xuống du lịch, bà Út cởi mở: “Khách Sài Gòn hay ghé chỗ chị. Em muốn mua ăn tại chỗ cũng được, muốn chị gửi lên tận nơi cũng được. Chị mần gửi khách Sài Gòn hoài chứ gì”.

Cách chỗ bà Út chừng 20 bước chân, quầy hàng có tên Tám Rắn nườm nượp khách ra vào. Bà Tám quảng cáo mình đã có thâm niên bán hàng mấy chục năm ở chợ thực phẩm Tam Nông và nổi tiếng với món khô rắn. Trong quầy hàng của bà Tám, chúng tôi thấy nhiều con cò bị đánh bẫy đã chết và nhiều con đang được nuôi nhốt. Phía trước quầy hàng, bà Tám nhốt một giỏ rùa lớn. Theo bà Tám, đây là “đặc sản đồng”. Những con rùa nặng hơn 1kg được bà Tám bán với giá 500.000 đồng/kg. Bà tiết lộ, chỗ của bà chỉ có giấy phép bán rắn, còn rùa và chim bán “chui”. 

Bà Tám nói: “Dạo này, mấy ông kiểm lâm làm gắt quá nên tui chỉ mang ra đây một ít thôi. Chú muốn mua mấy chục ký, tui cũng có hết. Tui gửi lên Sài Gòn hằng ngày cho khách mối hoài à”. Thấy khách đứng loay hoay ở quầy hàng Tám Rắn khá lâu, người đàn ông ở quầy hàng Tư Đỉnh vội ra hiệu mời chúng tôi đến chỗ mình. Tuy quầy của ông Tư Đỉnh chỉ để biển hiệu bán khô cá nhưng ông liên tục mời chúng tôi mua rùa, rắn hổ hành, rắn ri voi: “Chỗ tui toàn đồ đồng, con lớn không à”. 

Khi chúng tôi đòi xem hàng, ông Tư Đỉnh vội mở nắp “mật thất” ngay chỗ mình ngồi rồi kéo lên mấy con rắn lớn. Ông cho biết, đây là hàng “nhạy cảm” nên phải giấu kỹ mới buôn bán lâu dài được. Nếu ở quầy hàng Tám Rắn bán rùa với giá 500.000 đồng/kg thì ông Tư Đỉnh cho biết sẽ lấy hữu nghị 400.000 đồng/kg. 

Chưa dẹp được “địa ngục chim trời” 

Rời chợ thực phẩm Tam Nông, chúng tôi đến chợ nông sản Thạnh Hóa (H.Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Năm 2018, sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng loạt bài "Địa ngục chim trời" ở miền Tây, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra ở chợ này để chấn chỉnh nạn buôn bán động vật hoang dã. Hai năm sau, vấn nạn buôn bán động vật hoang dã ở đây vẫn còn, chỉ khác là người bán thận trọng hơn trong giao dịch.

Trong vai khách du lịch, chúng tôi ghé vào cửa hàng bán chim cảnh có tên Chín Cu, liền được một phụ nữ giới thiệu tên Chín ra chào mời: “Em muốn mua rắn, chim hay rùa? Chỗ chị có hết nhé”. Tại cửa hàng của bà Chín, ngoài các loài chim cảnh thông thường, còn bán rất nhiều loài chim trời. Chim le le ở đây được bán với giá 350.000 đồng/kg, nếu khách không biết giết thịt thì bà Chín sẽ cho người làm tại chỗ để khách mang về.

Biết chúng tôi là khách ở TPHCM đến, bà Chín rỉ tai: “Chỗ chị có bán rùa, rắn, kỳ đà, nhím đủ cả. Ở đây có cả rùa sen vàng, sen đen, ba gờ. Em muốn ăn, chị mang ra cho”. Để chúng tôi tin, bà Chín lấy ra cuốn sổ ghi chép, khoe ngày hôm qua vừa giao mấy tạ rùa, chim, rắn, trị giá 38 triệu đồng cho mối đi Sài Gòn. Chỗ của bà Chín có nhiều mối quen chuyên mua sỉ để đưa hàng đi TPHCM. 

{keywords}
Chim trời được bày bán công khai tại chợ nông sản Thạnh Hóa khi vắng bóng lực lượng chức năng

“Chị có khách mối ở Q.1 tuần nào cũng mua chim trích cồ. Mới hôm qua đây, chị giao cho mối ở đường Tên Lửa (Q.Bình Tân - PV) mấy con kỳ đà to. Chị làm ăn uy tín, em cứ lấy số điện thoại đi, chị giao tận nơi” - bà Chín nói.

Theo những người bán chim trời ở chợ Thạnh Hóa, mỗi ngày, trên tuyến Quốc lộ 62 có hàng chục chuyến xe từ Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) đi TPHCM. Nếu khách ở TPHCM có nhu cầu mua rắn hoặc chim, người bán sẽ gửi hàng theo các chuyến xe này và chỉ tốn phí vận chuyển 80.000 đồng. 

Bà Chín cho biết, cửa hàng của bà có giấy phép mua bán chim cảnh. Bà chỉ mang một ít chim trời ra “trưng bày”, còn nguồn hàng chính vẫn phải để ở nơi khác. Bà thầm thì: “Bán ở đây, họ phạt dữ lắm, nếu sơ hở là bị phạt cả chục triệu lận đó”.

Cách quầy hàng bà Chín vài bước chân, một phụ nữ tên N. đang ngồi vặt lông hàng chục con chim cuốc để giao cho khách. Bà N. cho biết, người dân bẫy được số chim này ở H.Tam Nông, mang sang đây bán. Hiện loài chim này có giá bán  350.000 đồng/kg.

Chúng tôi giả vờ nghi đây là chim nuôi, bà N. nói: “Trời, chị nói dóc em làm gì. Chim nuôi hay tự nhiên, dân sành ăn nhìn là biết ngay. Ở đây bán rắn là có rắn nuôi, bán có giấy phép, còn chim là bán chui hết”.

Hiện ở chợ nông sản Thạnh Hóa bán rất nhiều loài chim trời như: cò, le le, gà nước, chim mỏ nhác… Theo người bán, chim này do người dân đánh bẫy, mang đến đây bán lại. Các khu chợ bán chim trời như Tam Nông, Thạnh Hóa nằm gần hai khu Ramsar (vùng đất ngập nước được bảo tồn) Tràm Chim và Láng Sen ở tỉnh Đồng Tháp và Long An. Ngoài gây phản cảm, việc mua bán, giết mổ chim trời nói trên chắc chắn ảnh hưởng xấu đến công tác bảo tồn hệ động vật. 

Chợ nông sản Thạnh Hóa là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã nhiều năm nay. Nhưng, theo ông Lê Hữu Lợi - Quyền chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An - hiện tỉnh Long An chưa có chủ trương dẹp bỏ khu chợ này do đây là nơi mua bán nông sản, động vật nuôi. Cơ quan chức năng sẽ cố gắng làm cho việc buôn bán ở đây hợp vệ sinh, không phản cảm và không vi phạm pháp luật. Hiện UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra các đường dây mua bán động vật hoang dã số lượng lớn. 

“Cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc buôn bán động vật ở chợ nông sản Thạnh Hóa, qua đó ghi nhận việc buôn bán tương đối ổn định. Không biết lúc lực lượng chức năng rút đi, họ có lén lút buôn bán động vật hoang dã hay không. Ở chợ, có hơn 30 hộ kinh doanh, chúng tôi đã cho làm cam kết không buôn bán động vật hoang dã không có nguồn gốc rõ ràng” - ông Lợi nói.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)