Doanh nghiệp “ma” đứng tên vận đơn

Tại địa bàn sân bay Nội Bài (xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1), Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có mặt hàng điện thoại.

Khi nhà chức trách phát hiện hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện… và thực hiện xác minh, thì phát hiện các công ty đứng tên nhận hàng trên vận đơn hoặc tờ khai đều là các doanh nghiệp  ma, không tồn tại tại địa chỉ đăng ký hoặc không có địa chỉ như trên đăng ký kinh doanh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.

{keywords}
Lô iPhone quá cảnh Campuchia của Cty TNHH vận tải thương mại và dịch vụ Triệu Hiển bị cơ quan chức năng thu giữ

Theo lãnh đạo Đội 1, lợi dụng sự thông thoáng trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), các đối tượng buôn lậu thành lập các công ty. Ban đầu chúng nhập khẩu (NK) các lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam đăng ký truyền tờ khai hải quan, khai báo đúng thực tế hàng hóa. Đến khi được hệ thống phân luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), các đối tượng lại khai báo không đúng thực tế, khai sai tên hàng.

Điển hình nhất vào ngày 15/10/2018, tại Kho hàng thuộc Cty TNHH nhà ga hàng hóa ALS, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đội 1 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra toàn bộ 3 lô hàng (cùng vận chuyển về ngày 21/9) của Cty TNHH VAK có hành vi khai sai, không khai hàng hóa nhập khẩu. Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 1.157 chiếc điện thoại iPhone các loại nhập lậu. Vụ việc sau đó đã được Cục Điều tra chống buôn lậu có văn bản kiến nghị khởi tố vụ án và chuyển cho C03 - Bộ Công an tiếp nhận. “Đi xác minh tại địa chỉ của giám đốc đứng tên trên đăng ký kinh doanh, các cá nhân đó trình báo bị mất chứng minh thư nhân dân đã lâu, không quen biết tới người gửi hàng”, một trinh sát đội 1 chia sẻ.

Tháo dỡ cửa xe để tráo hàng

Tại địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất, theo báo cáo của các đội nghiệp vụ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, thủ đoạn được các đối tượng lợi dụng thường là cố tình khai báo tên hàng trên vận đơn gốc và tờ khai hải quan một cách chung chung theo nhóm như: nhóm “hàng bách hóa”, nhóm “hàng thiết bị dùng trong viễn thông”… không khai chi tiết cụ thể về số lượng, chủng loại hàng hóa hoặc khai báo sai tên hàng đối với hàng cấm và đổi bill (hóa đơn) thứ cấp sang tên hàng khác.

Đối với hàng hóa quá cảnh qua đường hàng không, các đối tượng dùng thủ đoạn vận chuyển bằng xe tải. Đáng chú ý, những xe tải thường được sử dụng là loại có cửa phụ, được các đối tượng cố tình chế lại bản lề cửa thùng xe như đảo chiều ốc bản lề, tháo dỡ cửa xe nhằm tráo đổi, đánh tháo hàng hóa mà vẫn đảm bảo nguyên niêm seal hải quan.

Đối với hàng hóa NK qua đường hàng không, các đối tượng dùng thủ đoạn vận chuyển hàng hóa lòng vòng, quá cảnh qua nhiều nước, nhiều tuyến bay hoặc gửi kho ngoại quan sau đó xuất hàng nhằm mục đích thay đổi vận đơn, khai sang tên hàng khác khi lên tàu bay nhằm xóa dấu vết nguồn gốc của lô hàng sau đó vận chuyển về Việt Nam.

Trong đó, vụ việc của Cty TNHH vận tải thương mại và dịch vụ Triệu Hiển (TPHCM) vô cùng ly kỳ. Theo điều tra ban đầu, DN này nhập 180 chiếc iPhone 7 và iPhone 7 Plus qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để quá cảnh sang Campuchia. Thế nhưng, đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thì hàng hóa chỉ còn 2 chiếc điện thoại, và có thêm 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu. Số điện thoại đã không cánh mà bay.

Qua điều tra, nhà chức trách phát hiện công ty này đã lợi dụng vận chuyển hàng quá cảnh bằng ô tô tải được đảo chiều ốc bản lề, thay ốc mũ hình lục giác để đánh tháo 178 chiếc điện thoại Iphone 7 và Iphone 7 plus, trị giá trên 3 tỷ đồng trong 5 kiện hàng bằng 16 thùng kem đánh răng hiệu Sensodyne, 2 thùng dầu gội đầu hiệu Cetaphil mà không ảnh hưởng đến niêm seal hải quan. Vụ việc bị phía hải quan khởi tố vụ án, chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

(Theo Tiền Phong)