Cách đây vài ngày, anh Hà Văn Điệp (trú tại xã Liên Vũ, huyện Liên Sơn, Hòa Bình) nuôi được 10 con lợn đến tuổi xuất chuồng có ý muốn bán nên thương lái tìm đến tận nhà thu mua với giá 81.000 đồng/kg lợn hơi.

“Mấy hôm nay giá lợn hơi lại lên cao, lứa nhà tôi nuôi nửa năm mới được tầm 80kg/con nhưng tôi vẫn bán vì sợ giá lại xuống. Xã tôi có người chuyên làm cò, nhà ai có lợn bán là họ đưa người đến mua tại chuồng chứ tôi không hề quen biết với thương lái thu mua. Họ đi thành nhóm 7 người bằng ô tô tải, biển số Bắc Giang, dùng cân của nhà tôi nhưng dùng lồng của họ nên họ dùng chiêu trò hòng ăn không của tôi gần 20kg lợn hơi”, anh Điệp bức xúc.

{keywords}
Dưới đáy chiếc lồng của thương lái sau khi bỏ 2 thanh sắt nặng khoảng 4kg đi và bị chủ nhà phát hiện.

Theo anh Điệp, trước khi bắt lợn, thương lái sẽ tiến hành cân lồng trước, dưới đáy lồng của họ nhét 2 thanh sắt nặng chừng 2-3kg. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà khi vào bắt lợn, họ sẽ lấy 2 thanh sắt đó giấu đi rồi mới bắt lợn vào lồng và mang lên cân. Mỗi mã cân, sau khi trừ lồng sẽ là số cân nặng của con lợn.

“Trước khi bắt lợn, họ cân lồng được 28kg và bắt từng con lợn trong chuồng vào lồng, cân xong cho lên xe tải và bắt con tiếp theo. Họ bắt đến con thứ 5 thì tôi cảm giác thấy rất đáng nghi. Người thì đứng nói chuyện với mẹ tôi, hỏi về cây cối trong vườn, người thì hướng anh trai tôi nói về dịch bệnh và về lệnh cấm đường, người thì yêu cầu tôi cùng vào chuồng đón lợn… Vì vậy, tôi yêu cầu họ cân lại chiếc lồng thì thấy nhẹ chỉ còn 24kg, ít hơn 4kg so với lúc ban đầu. Thấy bị phát hiện nên họ xin lỗi, nói là do lúc đầu họ nhìn nhầm cân. Nhà tôi bực mình làm um lên, lấy lồng của nhà cân lại từng con nên họ chỉ mua 7 con rồi về”, anh Điệp nói.

{keywords}
Giá lợn hơi từ trước Tết Nguyên đán đến nay luôn ở mức cao chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là lí do “gian thương” tìm đủ chiêu trò kiếm tiền của người chăn nuôi.

Chỉ cần chiêu trò cân điêu này, thương lái dễ dàng “ẵm” của nông dân tiền triệu một cách dễ dàng. “Trước khi bắt lợn nhà tôi, họ đã đến nhà khác bắt 9 con, không biết còn bao nhiêu hộ chăn nuôi bị lừa như thế này nữa. Nghĩ vậy nên tôi cực kỳ bức xúc, người dân chăn nuôi khổ sở suốt bao nhiêu ngày tháng không lãi bằng bọn họ đi trong một ngày”, anh Điệp thở dài nói.

Anh Lò Văn Định, trú tại Mộc Châu (Sơn La) cũng cho biết chính mình đã từng bị thương lái lừa bằng cách cân điêu. “Rõ ràng lồng nhà tôi, cân nhà tôi nhưng họ dùng chiêu trò khác định ăn chặn mỗi con 3-4kg.  Họ hướng người nhà sang chỗ khác để luồn dụng cụ vào lỗ đằng sau cân đồng hồ, chèn lò xo phía trong cân. Nhà tôi phát hiện ra từ khi họ chưa bắt lợn nhưng cứ để im xem họ “giở trò”. Đến lúc cân gần xong thì mình ra khóa cửa cổng lại rồi gọi công an xử lý”, anh Định nói.

{keywords}
Chiếc cọc tre để khiêng lợn cũng là dụng cụ để thương lái sử dụng nhằm “lừa đẹp” người chăn nuôi.

Theo anh Định, thương lái có rất nhiều mánh khóe cân điêu nên người chăn nuôi phải hết sức cẩn thận, thường những “gian thương” này sẽ đi thành một đội đông người, phân chia người đánh lạc hướng chủ nhà hoặc soi mói trong nhà khiến chủ nhà phải chú ý sợ mất đồ. Thừa cơ hội chúng sẽ dùng chiêu trò với chiếc cân hoặc với chiếc lồng. Một số nơi đã có sự cảnh giác với lồng và cân nên chúng chuyển sang dùng cọc tre để khiêng lồng. Thương lái sẽ có 2 cây, một cây phía trong nhét ống sắt rất nặng dùng để cân lồng, khi cho lợn vào lồng xong nó tráo cây khác.

Hiện nay, số thương lái giở trò “xén” mồ hôi công sức của người dân với những chiêu trò ngày càng tinh vi. Để việc mua bán trót lọt, những thương lái này thường mua giá cao hơn thị trường và rất dễ tính: Không xem kỹ chất lượng hàng hóa, thoải mái sử dụng cân của chủ nhà, thậm chí “ngó lơ” lúc cân. Lúc mua, chúng sẽ tìm mọi cách tạo lòng tin hoặc tỏ thái độ chụp giựt khiến chủ nhà bối rối, mất cảnh giác… Nhờ vậy, mỗi “phi vụ” chúng có thể ôm trót lọt mấy triệu đồng từ mồ hôi, công sức của người dân.

(Theo Dân Việt)