Mua quốc tịch thứ hai dưới dạng đầu tư trở thành nhu cầu phổ biến với giới nhà giàu toàn cầu. Tại Việt Nam, Cộng hòa Síp là một trong những cái tên thường xuyên được chọn để "mua" quốc tịch, hưởng những đặc quyền công dân của quốc gia châu Âu này.

Không khó để tìm đơn vị tư vấn, làm hồ sơ giúp những cá nhân siêu giàu của Việt Nam trở thành công dân mang quốc tịch Síp. Chỉ với cú pháp đơn giản trên công cụ tìm kiếm, có thể tìm ra hàng chục đơn vị "tư vấn đầu tư" để công dân Việt Nam có thể nhập quốc tịch Síp.

Rào cản lớn nhất nằm ở mức đầu tư 2-2,5 triệu euro. Với những thủ tục còn lại, đơn vị "trung gian" khẳng định sẽ lo toàn bộ cho các khách hàng tiềm năng.

Nhộn nhịp "đổi đầu tư lấy quốc tịch"

Phần lớn đơn vị tư vấn đều có màn chào khách rất chuyên nghiệp với những quảng cáo về lợi ích vượt trội khi chọn Cộng hòa Síp làm nơi "đầu tư" để có quốc tịch thứ hai.

Liên hệ một đơn vị tư vấn dạng này có trụ sở tại quận 1, TP.HCM, PV nhanh chóng được nhân viên tư vấn hỏi về nhu cầu, điểm đến mong muốn định cư. "Síp đợt này đang 'hot' lắm đó anh", nữ nhân viên tư vấn khẳng định.

Cũng theo nhân viên này, nếu tham gia chương trình "đổi đầu tư lấy quốc tịch" của Síp, các nhà đầu tư sẽ nhận hộ chiếu Síp, qua đó có thể đi lại dễ dàng trong 159 quốc gia, đặc biệt là trong khối Liên minh châu Âu (EU). Nhà đầu tư cũng sẽ được sinh sống, làm việc, học tập và hưởng các phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế tại 28 nước EU.

{keywords}
Chỉ với cú pháp đơn giản trên công cụ tìm kiếm, có thể tìm ra hàng chục đơn vị "tư vấn đầu tư" để công dân Việt Nam có thể nhập quốc tịch Síp với mức đầu tư 2 triệu euro.

Tại Síp, với bản chất là một "thiên đường thuế", các nhà đầu tư nhập tịch sẽ không bị đánh thuế thu nhập trong và ngoài Síp.

Nhân viên tư vấn không quên hỏi "khách hàng tiềm năng" có ý định đầu tư dạng lấy quốc tịch hay lấy thẻ cư trú cũng như tiềm lực tài chính hiện có. Khi biết khách hàng thiên về phương án lấy thẻ cư trú nhưng vẫn muốn tìm hiểu về chương trình đầu tư lấy quốc tịch Síp, đơn vị trung gian không ngần ngại tư vấn.

Theo nữ nhân viên tư vấn này, để có được những đặc quyền trên, cá nhân siêu giàu có nhu cầu đổi đầu tư lấy quốc tịch Síp sẽ phải bỏ 2 triệu euro (gần 55 tỷ đồng) để đầu tư vào một bất động sản cư trú mới và được sử dụng như địa chỉ thường trú tại Cộng hòa Síp. Nếu muốn đầu tư 2 triệu euro vào nhiều bất động sản, nhà đầu tư phải có ít nhất một bất động sản giá trị trên 500.000 euro.

Nếu muốn đầu tư vào một hoặc nhiều bất động sản cho mục đích thương mại hoặc du lịch tại Cộng hòa Síp, tổng số tiền mà nhà đầu tư phải bỏ ra để nhận quốc tịch sẽ ở mức 2,5 triệu euro.

Bên cạnh khoản tiền trên, nhà đầu tư cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới Síp cùng 75.000 euro nữa cho Tập đoàn phát triển đất đai Cộng hòa Síp.

Để giữ quốc tịch Síp, nhà đầu tư sẽ phải giữ các khoản đầu tư bất động sản tối thiểu trong 5 năm, không được phép bán đi trong thời hạn này và sau 5 năm phải giữ một bất động sản trị giá 500.000 euro để đăng ký làm nơi cư trú thường xuyên. Bên cạnh đó, mỗi 7 năm, nhà đầu tư phải quay trở lại Síp ít nhất một lần để duy trì quốc tịch.

Ngoài những khoản chi phí lớn trên, để hoàn thiện hồ sơ, nhà đầu tư và gia đình phải đóng phí nộp đơn quốc tịch là 2.000 euro và 5.000 euro phí quốc tịch với mỗi thành viên gia đình.

Bảy tháng để trở thành công dân châu Âu

"Nếu anh thấy chi phí lớn quá, có thể chọn chương trình đầu tư lấy thẻ định cư, tổng mức chi phí chỉ khoảng 300.000-400.000 euro là đã có thẻ định cư rồi", nữ nhân viên tư vấn đưa ra thêm một lựa chọn, không quên nhắc tới chương trình "khuyến mại" tặng chuyến du lịch hạng sang tới Phú Quốc nếu khách hàng lựa chọn đầu tư.

Với mức phí đầu tư đắt đỏ, quy trình để đổi đầu tư lấy quốc tịch Cộng hòa Síp lại không quá phức tạp. Chỉ cần nhà đầu tư có đủ tiền, đã đủ 18 tuổi, không có tiền án tiền sự, các yếu tố như yêu cầu ngôn ngữ, trình độ học vấn hoàn toàn được bỏ qua.

Quá trình làm hồ sơ theo đơn vị trung gian môi giới cũng "rất đơn giản". Khi đã đủ yếu tố để tham gia chương trình nhập tịch đảo Síp, nhà đầu tư sẽ được đơn vị môi giới xin visa Síp và đưa từ Việt Nam đi khảo sát bất động sản tại quốc đảo này. Sau khi nhà đầu tư người Việt chọn được dự án ưng ý, đơn vị môi giới sẽ giúp mở tài khoản ngân hàng tại Síp.

Bước tiếp theo, nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng ủy quyền với luật sư và hợp đồng mua bất động sản, thanh toán tiền đặt cọc cho chủ đầu tư và trở về nước.

{keywords}
Theo tài liệu "Cyprus Papers" do hãng tin Al Jazeera công bố ngày 23/8 cho thấy có ít nhất 26 người là công dân Việt Nam đã mua "hộ chiếu vàng" từ chính phủ Cộng hòa Síp trong các năm 2017-2019. Ảnh: Shutterstock.

Tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ chuyển 2-2,5 triệu euro tiền đầu tư, luật sư hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và lấy giấy chủ quyền trong khoảng 30 ngày tùy vào thời gian nhà đầu tư chuyển khoản. Đồng thời trong thời gian này, nhà đầu tư cùng gia đình sẽ chuẩn bị hồ sơ di trú.

Sau khi luật sư của đơn vị trung gian nộp hồ sơ, thời gian phê duyệt sẽ mất khoảng 6-7 tháng. Nếu hồ sơ được phê duyệt sau thời gian này, cả gia đình nhà đầu tư sẽ trở lại Síp để lấy thông tin sinh trắc học.

Một tuần sau đó, nhà đầu tư sẽ được trợ giúp lấy dấu vân tay để làm hộ chiếu cho bản thân và các thành viên gia đình còn lại sẽ nhận quốc tịch theo diện đoàn tụ gia đình vào 6 tháng sau.

Theo tài liệu "Cyprus Papers" do hãng tin Al Jazeera công bố ngày 23/8 cho thấy 1.400 người mua "hộ chiếu vàng" từ chính phủ Cộng hòa Síp trong các năm 2017-2019, trong đó có ít nhất 26 người là công dân Việt Nam.

(Theo Zing)