Sau dịch Covid-19, người dân vẫn có xu hướng sử dụng phương thức gọi thức ăn trực tuyến nhiều hơn thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống như trước đây.

Tận dụng thói quen tiêu dùng này và lợi thế của thương mại điện tử (TMĐT), nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán thực phẩm, chạy quảng cáo trên các mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán, hay các khu dân cư… Theo đó các mặt hàng như thực phẩm tự chế biến, thức ăn tươi sống, đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh… được bán nhiều hơn cả.

Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng TMĐT và các mạng xã hội luôn tiềm ẩn một số rủi ro.

Thực tế rất nhiều đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố. Hoặc thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định, không nằm trong giới hạn cho phép.

Ngoài ra, mua thức ăn online còn mang nhiều rủi ro khác như sản phẩm chứa các chất phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm, thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm...

{keywords}
Mua thức ăn online còn mang nhiều rủi ro về chất lượng an toàn thực phẩm. Ảnh: Hạ Quyên

Trong khi đó, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục TMĐT&KTS khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: chủ sở hữu website, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.

Cục TMĐT&KTS khuyến cáo: "Nếu mua hàng qua mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm".

Cục cũng lưu ý thêm, người dân tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng. Hoặc khi người mua hỏi thông tin thì người bán cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

(Theo Pháp luật TP.HCM)