Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của dòng camera giám sát do Trung Quốc sản xuất. Trước kia, đây là sản phẩm chỉ có giới nhà giàu mới sử dụng, trang bị để bảo vệ tài sản. Hiện tại chỉ cần chưa đến 3 triệu đồng là đã lắp được một bộ 2 camera kèm theo cả đầu thu đầy đủ. Thậm chí, kinh phí eo hẹp hơn thì 500 nghìn đồng cũng có một chiếc camera không dây hoạt động độc lập gắn trong phòng để trông con nhỏ.

Chính vì giá rẻ nên nhà nhà lắp camera, các của hàng buôn bán thì phải lắp ít nhất ba, bốn cái để trông xe cho khách, trông nhân viên và phòng ngừa trộm cắp vặt.

Hầu hết camera đang bán trên thị trường đều thuộc những thương hiệu như Hikvision, Dahua, Honey Well, Yousee,...

{keywords}
Nhiều nhà xưởng ở Việt Nam sử dụng camera giám sát của Trung Quốc.

Về ưu điểm, phải nói là những chiếc camera đến từ Trung Quốc có giá siêu rẻ, rẻ tới mức ai cũng có thể mua được. Chất lượng hình ảnh tuy không xuất sắc nhưng cũng đủ để quan sát. Nếu chủ nhà dùng cẩn thận, biết bảo quản thì camera có thể sử dụng tới 4-5 năm mà không có vấn đề gì. Có camera, việc phòng ngừa trộm cắp cũng dễ dàng hơn. Nhiều vụ án đã được phá nhờ hình ảnh camera nhà dân cung cấp.

Tuy nhiên, đánh đổi lấy mức giá rẻ, những chiếc camera Trung Quốc lại có khá nhiều tai tiếng về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trên thế giới, đã có phát hiện hãng sản xuất camera Trung Quốc cài “cửa hậu” vào sản phẩm bán ra nhằm bí mật thu thập hình ảnh của khách hàng.

{keywords}
Hãng camera Dahua từng bị tố cài cửa hậu để truy cập trái phép camera khách hàng.

Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng camera của 2 hãng Hikvision, Dahua tại tất cả các địa điểm cơ sở an ninh, quốc phòng hay tại các vị trí quan trọng như sân bay, nhà ga, văn phòng công quyền. Lệnh cấm còn áp dụng với những công ty liên kết, thương hiệu đến từ nước khác nhưng lõi camera vẫn từ Trung Quốc. Hiện tại, Hikvision và Dahua là hai thương hiệu camera lớn nhất thế giới, nắm giữ 30% thị phần toàn cầu.

Tại Việt Nam, nhiều gia đình sử dụng tính năng theo dõi camera từ xa qua Internet. Để làm được điều này, người dùng phải thuê tên miền camera với mức giá khoảng 200-300 nghìn/năm.

Cách thứ 2 là sử dụng dịch vụ miễn phí do các công ty Trung Quốc cung cấp. Vì muốn tiết kiệm, nhiều người dùng đã lựa chọn những dịch vụ miễn phí mà không biết rằng toàn bộ hình ảnh về căn nhà của mình đã bị chuyển qua máy chủ bên Trung Quốc. Những hacker có thể dễ dàng khai thác những hình ảnh này bởi camera Trung Quốc có tính năng bảo mật rất kém. Thêm nữa, nhiều khách hàng thậm chí còn không đặt mật khẩu truy cập cho camera.

{keywords}
Người dùng ngại camera Nhật vì giá chát.

Khi được hỏi, một chủ cửa hàng chuyên lắp đặt camera tại Hà Nội cho biết: “Phần lớn khách hàng không quan tâm đến vấn đề bảo mật. Người ta chỉ để ý đến giá cả và chất lượng. Riêng khoản này thì không nước nào đọ được với Trung Quốc. Thực ra cửa hàng của tôi cũng chào bán một số dòng camera của Nhật, Hàn như Sony, Panasonic, Samsung nhưng kén khách mua lắm. Camera Nhật giá gấp hàng Tàu đến 5-6 lần nên đầu tư cho cửa hàng, nhà xưởng khá tốn kém. Chưa kể camera Trung Quốc rất sẵn hàng, bảo hành 1 đổi 1 nhanh chóng. Người bán và người mua đều thích.”

Mặc dù không nói ra nhưng một lý do không kém phần quan trọng để các cửa hàng chuộng camera Trung Quốc đó là mức chiết khấu rất lớn, có thể dao động từ 30-50%, camera càng ít tên tuổi thì chiết khấu càng lớn. Rất nhiều camera được sản xuất cùng một xưởng, cùng tính năng chất lượng nhưng được dán nhãn thương hiệu khác nhau.

Trước mắt ,để phòng ngừa các nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, khách hàng nên thực hiện theo các bước sau đây: Không sử dụng dịch vụ xem camera trên Internet qua các ứng dụng Trung Quốc, ví dụ XmEye, VmEye,... nếu không thật sự cần thiết. Ngay khi lắp đặt xong camera, cần thay đổi tên và mật khẩu truy cập. Không quay camera vào những vị trí nhạy cảm như giường, buồng ngủ. Nhiều loại camera có đi kèm thêm micro thu âm nên cần đề phòng bị nghe trộm.

Hoàng Hiệp