Dự thảo Nghị định Luật “Phòng, chống tác hại của rượu, bia” đã được các cơ quan chức năng soạn thảo và đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi.

Băn khoăn tính khả thi

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, nhận xét, Dự thảo quy định các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia là quá chặt chẽ và khó khả thi.

"Tại những địa điểm này, nếu người ta chỉ dùng một hai lon bia để giải khát, khó có thể gây hại cho cộng đồng. Mặt khác, các cơ quan quản lý sẽ khó có đủ lực lượng, để xử lý người uống rượu, bia tại địa điểm trên. Điều này cũng giống như quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, hay xả rác ra đường... đến nay đã cho thấy thiếu tính khả thi. Tôi cho rằng, chỉ nên quy định cấm tụ tập uống rượu, bia, gây mất trật tự nơi công cộng là phù hợp", ông Việt nói.

{keywords}
 

Ông Việt cho rằng, quy định đặt biển quảng cáo rượu, bia ngoài trời, phải ở vị trí cách ít nhất 200m từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, điều dưỡng, nhà trẻ, cơ sở giải trí cho người dưới 18 tuổi, ngoại trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia, sẽ gây khó khăn cho hoạt động quảng cáo. Do mật độ các cơ sở này trong những thành phố lớn khá dày đặc, như vậy sẽ chẳng còn nhiều địa điểm đủ điều kiện để đặt biển.

Quy định các nền tảng truyền thông trực tuyến chặn quảng cáo rượu, bia đã được đăng tải; không cho phép liên kết, không được quảng bá đến các tài khoản người dùng, các trang, kênh, phương tiện thông tin khác, trên môi trường mạng, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại của Heineken Việt Nam, băn khoăn, yêu cầu các báo trực tuyến và nền tảng mạng trực tuyến chặn cửa sổ quảng cáo, hoặc các biện pháp quản lý khác, chỉ vì quảng cáo bia đã được đăng là không chính đáng. Quy định này tạo ra sự không công bằng đối với sản phẩm bia, bởi vì bia không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo quy định của Luật Đầu tư và cũng không phải là sản phẩm cấm quảng cáo, theo quy định của Luật Quảng cáo.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, yêu cầu các trang web thương mại điện tử phải có ứng dụng bảo đảm ngăn chặn kết nối, với các nền tảng trực tuyến khác là chưa phù hợp, không khả thi. Bởi hầu hết các trang web thương mại điện tử bán bia cũng bán một loạt hàng hóa khác.

Do đó, hạn chế một hàng hóa riêng biệt sẽ khó thực hiện, hoặc sẽ dẫn đến việc các trang đó phải thiết lập một trang web mới dành riêng cho rượu, bia. Quy định này trên thực tế giống như là một hình thức cấm bán rượu, bia bằng thương mại điện tử. Điều này mâu thuẫn với ngay với chính “Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” đã cho phép bán rượu, bia qua thương mại điện tử.

{keywords}
 

Lo ngại rượu thủ công

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, cho rằng, quy định quản lý người mua rượu trên mạng chỉ dựa trên độ tuổi là thiếu tính chặt chẽ. Người mua có thể không khai thật thông tin, nên sẽ không quản lý được. Cần có ứng dụng kiểm tra danh tính cá nhân, để mua được rượu trên môi trường trực tuyến phải vượt qua được cửa ải "định danh cá nhân".

Đồng thời với việc mua rượu, bia trên mạng, cần phải kiểm soát chặt từ phương tiện thanh toán. Đề nghị mua rượu, bia trên mạng Internet, chỉ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua tài khoản ngân hàng, như vậy cũng sẽ quản lý được độ tuổi, ông Hưng đề xuất.

Quy định người dùng Internet phải khai báo tuổi của họ, trước khi quảng cáo rượu, bia được hiển thị. Điều này cũng được cho là thiếu tính khả thi, bởi không phản ánh cách hoạt động của quảng cáo kỹ thuật số. Các phương tiện truyền thông trực tuyến không có khả năng điều hướng sang cổng tuổi.

Chẳng hạn, độc giả của các báo điện tử sẽ thấy bất kỳ quảng cáo nào được đặt cùng với ấn phẩm đó, nên điều này không khả thi về mặt kỹ thuật khi yêu cầu một cổng tuổi riêng, chỉ dành cho người xem ấn phẩm đó.

{keywords}
 

Trong khi đó, quy định về quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong Dự thảo Nghị định vẫn khá mờ nhạt. Theo ông Nguyễn Văn Việt, cần tăng cường quản lý rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi đây là nguyên nhân chính gây ra những vụ ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Ước tính trên thị trường hiện có từ 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được (chưa cấp phép, chưa có đăng ký với chính quyền). Đồ uống có cồn không được kiểm soát đang chiếm 70% tổng lượng tiêu thụ tại Việt Nam. Sản phẩm rượu này gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Dự thảo Nghị định cần có những quy định cụ thể, khả thi phù hợp với thực tế hiện nay, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát loại rượu sản xuất thủ công này.

Trần Thủy