Mặc dù Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm, thế nhưng cá tầm Trung Quốc vẫn ồ ạt về thị trường Việt Nam gây ra nhiều lo ngại.

Theo đó, tháng 1/2021, sau khi báo chí phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu tiếp tay cho việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, vi phạm gian lận về số lượng nhập khẩu, gian lận xuất xứ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Sau đó, Bộ NN&PTNT cũng có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương và một số cơ quan về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm cũng như ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên theo thông tin Báo Gia đình & Xã hội nắm được, mới đây CITES Việt Nam đã cấp phép cho Công ty TNHH thủy hải sản Sỹ Hưng nhập khẩu gần 200 tấn cá tầm Trung Quốc. Điều đáng nói, đây là 1 trong 7 doanh nghiệp mà Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công An) đã chỉ ra vi phạm trong việc nhập khẩu cá tầm trái Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.

"Phía Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã nhiều lần từ chối đề nghị cấp phép nhập khẩu cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH thủy hải sản Sỹ Hưng do doanh nghiệp này nhiều lần vi phạm cũng như chưa đáp ứng các điều kiện được phép tiêu thụ ra thị trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã có chỉ đạo yêu cầu cấp phép nên Cites Việt Nam buộc phải đồng ý", nguồn tin tiết lộ với phóng viên.

Bất chấp những chỉ đạo “nóng”, cá tầm Trung Quốc vẫn được cấp phép nhập khẩu về Việt Nam - Ảnh 2.

Mỗi năm, hàng ngàn tấn cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Ảnh: Cao Tuân

Trước những lo ngại về việc cá tầm nhập khẩu Trung Quốc ồ ạt trở lại thị trường Việt Nam, ngày 30/6 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nuôi cá tầm trên địa bàn cả nước tiếp tục có gửi đơn kiến nghị cấp thiết gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Nội dung đơn kiến nghị nêu, trong suốt thời gian vừa qua, tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam.

Khi cá tầm Trung Quốc được kiểm soát nhập khẩu đúng quy định, ngành nuôi cá tầm đã và đang hồi phục dần, vực dậy ngành nuôi trồng không những có giá trị cao về mặt kinh tế mà góp phần an sinh xã hội và phát triển bền vững cho nhiều địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa.

Cộng đồng nuôi cá tầm trong nước nhấn mạnh, tình trạng mập mờ về nguồn gốc, cá tầm lai không đúng với giấy phép trong hoạt động nhập khẩu cá tầm Trung Quốc đang có dấu hiệu tiếp diễn. Theo Tổng cục Hải quan, qua làm việc với Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho thấy, qua một số mẫu giám định, đều xác định được trong một lô hàng có nhiều con cá tầm có hình thái bên ngoài khác nhau, khả năng là con lai. Cơ quan liên ngành đã thống nhất rằng cá tầm được phép nhập khẩu Việt Nam phải là cá thuần chủng, không phải con lai; việc cấp giấy phép cũng chỉ áp dụng đối với loài cá tầm thuần chủng nhằm tránh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam.

Chính vì vậy, đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến yêu cầu Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề tại sao tiếp tục cấp Cites cho các công ty nhập khẩu cá tầm, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các công ty đó hiện vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép Cites và quy định pháp luật hiện hành hay không?.

Bất chấp những chỉ đạo “nóng”, cá tầm Trung Quốc vẫn được cấp phép nhập khẩu về Việt Nam - Ảnh 3.

Cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc bày bán với giá rẻ khắp các chợ hải sản.

Yêu cầu NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản thành lập hội đồng khoa học thực hiện thẩm định kiểm tra rà soát các loài cá tầm hiện đang nhập khẩu về Việt Nam có đúng quy định pháp luật hiện hành hay không? Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra rà soát lại quy trình cấp Cites từ phía Việt Nam, bảo đảm tuân thủ đúng trình tự thủ tục của Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã, nguy cấp. Cục Thú y kiểm soát công tác thực hiện kiểm dịch đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc, tránh tình trạng cấp không đúng trình tự thủ tục hoặc một giấy phép kiểm dịch sử dụng nhiều lần cho nhiều lô hàng.

Yêu cầu Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan siết chặt kiểm tra việc nhập khẩu các lô hàng cá tầm tại các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các cửa khẩu thường xuyên nhập khẩu cá tầm như Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Chi Ma, Tà Lùng, Thanh Thủy… bảo đảm thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định hiện hành. Tổng cục Quản lý Thị trường thực hiện sát sao công tác quản lý, nhằm tránh việc trà trộn nguồn gốc hoặc tiêu thụ cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, phòng chống và xử lý các hành vi kinh doanh cá tầm nhập lậu, đặc biệt là tại các đầu mối giao thương lớn như TP.Hà Nội (Chợ đầu mối Yên Sở) và TP.HCM (Chợ đầu mối Bình Điền).

Yêu cầu Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia điều tra, làm rõ, xử lý việc nhập lậu, thẩm lậu cá tầm từ Trung Quốc.

Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), được cơ quan CITES Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch nên có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và hoạt động sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

(Theo Gia Đình & Xã Hội)

Nhập cá tầm Trung Quốc sai phép, tự ý tiêu thụ khi chưa thông quan

Nhập cá tầm Trung Quốc sai phép, tự ý tiêu thụ khi chưa thông quan

Tổng cục Hải quan cho biết có tình trạng cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan.