Mặc dù chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và Hàn Quốc không lớn, nhưng rõ ràng, phải là lãi như thế nào hoặc có mục đích gì thì các tiếp viên, phi công Việt Nam mới liều lĩnh mang vàng lậu sang nước này.

Lãi khủng nên liều mạng?

Mới đây nhất, ngày 27/7, vợ chồng nữ tiếp viên hàng không vừa bị bắt khi giấu 80 lượng vàng đưa sang Hàn Quốc. Năm ngoái, cơ trưởng và tiếp viên trên chuyến bay Hà Nội - Pusan ngày 10/3 cũng mang trong người 6 kg vàng nhưng không khai báo, đã bị hải quan tạm giữ tại sân bay Gimhae (Pusan, Hàn Quốc). Hay, giữa tháng 11/2009, khi chuyến bay hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh, lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên có 20 lượng vàng.

Lần này, móc nối với thợ máy, tiếp viên đã giấu vàng tại ghế ngồi của máy bay, còn lần trước, phi công đã buộc vàng vào chân và giấu trong giày.

{keywords}
Tiếp viên và phi công giấu 6kg vàng để chuyển sang Hàn Quốc bị bắt giữ năm 2015

Vậy tại sao các tiếp viên, phi công lại liều lĩnh, cố giấu vàng để vận chuyển sang Hàn Quốc? Nếu trót lọt, họ sẽ thu lợi như thế nào?

Một chuyên gia có kinh nghiệm làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu vàng của Thuỵ Sĩ nhận định, vụ việc xuất lậu vàng nguyên liệu như vậy, các đối tượng có thể kiếm lời từ chênh lệch giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới. Ngoại trừ giá vàng SJC cao hơn giá thế giới, còn lại, giá vàng nguyên liệu của ta so với thế giới có chênh lệch thấp hơn, từ khoảng 500.000-1 triệu đồng/lượng.

Ví dụ, tại thời điểm này, giá vàng trong nước mua vào chỉ 35,6 triệu đồng/lượng, nhưng giá bán ra là 36,5 triệu đồng/lượng, chênh gần 1 triệu đồng. Đặc biệt, trước khi có sự kiện Brexit, giá vàng trong nước còn thấp hơn nhiều với một thời kỳ dài chỉ 33-34 triệu đồng/lượng.

Khi bán sang Hàn Quốc ở thời điểm này, là áp dụng theo giá thế giới, mỗi một lượng vàng có thể lãi rất lớn, ít nhất 500-600 ngàn đồng, nhiều có thể vài triệu đồng/lượng, đặc biệt ở thời điểm giá vàng thế giới là 1.340-1.342 USD/ounce.

Vợ chồng tiếp viên Ngọc Anh khai nhận mang số vàng này sang Hàn Quốc bán trót lọt sẽ được lãi hơn 20 triệu đồng. Song, cơ quan điều tra xác định, số vàng này mang bán sang Hàn Quốc vợ chồng Ngọc Anh sẽ lãi hơn 100 triệu đồng. 

Trên thực tế, vụ việc mang lậu 6 kg vàng qua Hàn Quốc của cơ trưởng và tiếp viên hàng không Việt Nam năm ngoài nếu suôn sẻ, cũng lãi tới 300 triệu đồng. Các chuyên gia lý giải, vào thời điểm đó, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, giá vàng tại Hàn Quốc là 34,1 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nguyên liệu ở Việt Nam đang rẻ hơn 2 triệu đồng/lượng.

{keywords}
Cơ quan chức năng bắt giữ vợ chồng tiếp viên buôn lậu vàng

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Thanh Hải lý giải trên Tuổi trẻ, tính đến cuối ngày 28/7, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng nguyên liệu thấp hơn chỉ 180.000-200.000 đồng/lượng.

Mức chênh lệch như trên, theo ông Hải, là không hấp dẫn để buôn lậu. Bởi, vận chuyện 3kg vàng (tương đương 80 lượng) nếu trót lọt lãi chỉ khoảng 16 triệu đồng trong khi vốn bỏ ra lên đến gần 3 tỷ đồng. Mức lời như vậy chẳng đáng gì trong khi rủi ro quá lớn.

Nhu cầu vàng vật chất ở Hàn Quốc lớn trong khi nguồn cung hạn chế vì thuế nhập khẩu cao có thể cũng là nguyên nhân khiến vàng lậu chảy từ Việt Nam sang nước này. Trong khi nhiều nước như Trung Quốc không áp dụng thuế nhập khẩu vàng, Việt Nam áp thuế 1% (từ 7/5/2015 mới tăng lên 2%) thì Hàn Quốc áp thuế 3%.

Ông Hải phân tích, có thể việc vận chuyển này là để thanh toán cho một thương vụ nào đó hoặc có thể số vàng này được mang sang Hàn Quốc bán lấy USD, từ đó mua hàng hóa chuyển về Việt Nam.

Một khả năng nữa là số vàng này được mua cách đây vài tháng, khi giá vàng nguyên liệu chỉ ở mức 30 triệu đồng/lượng, nay muốn mang ra nước ngoài bán với giá cao hơn.

Gom vàng trôi nổi đúc thành khối

Trở lại với vụ vận chuyển 80 lượng vàng sang Hàn Quốc ngày 27/7, vợ chồng Ngọc Anh đã gom vàng trôi nổi trên thị trường rồi đúc lại thành bốn cục vàng hình vuông có kích thước 5cm x 10cm x 5cm, giấu trong một bọc hàng. Đây là vàng 99,99%, tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng.

Lý giải về nguồn gốc số vàng nguyên liệu mà những đối tượng buôn lậu thu mua, chuyên gia vàng của công ty XNK vàng của Thụy Sĩ cho hay: "Việc mua bán vàng nguyên liệu ở Việt Nam là công khai. Chúng ta chỉ cấm xuất khẩu vàng ra nước ngoài".

Người ta có thể mua vàng trang sức, qua các nhà vàng tinh luyện, nấu lại là ra được vàng có độ tuổi cao. Ngay cả hiện nay, hầu hết các vàng nhẫn cũng đều là vàng 9999. Từ vàng này có thể đúc ra vàng khối, vàng thỏi. Hoặc, có thể nhập vàng lậu, rồi khò bề mặt để xoá thương hiệu vàng quốc tế.

Theo ông này, một lý do nữa dẫn tới xuất lậu vàng cũng chính là vì chính sách hiện nay. Các công ty kinh doanh vàng trong nước bị cấm xuất khẩu, đến khi giá trong nước thấp chênh lệch với giá thế giới là dễ xảy ra tình trạng xuất lậu, vừa không thu được thuế, vừa không thu được ngoại tệ. Nếu như các công ty chứng minh được nguồn gốc vàng và được phép xuất khẩu thì sẽ cải thiện được tình hình này.

Theo quy định quản lý ngoại hối, hiện tại người xuất hoặc nhập cảnh, mỗi người chỉ được mang theo 300 gam vàng (tương đương gần 8 lượng) và phải khai báo với hải quan. Nếu mang quá số lượng trên sẽ bị xử phạt, thậm chí bị tịch thu.

N.Hà - Phạm Huyền