Chỉ cần vài thao thác hết chưa đầy 1 phút, người tiêu dùng đã có thể mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, phải chờ tới cả tháng họ mới nhận được hàng, trái ngược với facebook mua ngay và giao luôn. 

Đặt mua chiếc đồng hồ trên một trang thương mại được quảng cáo do nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc nhưng anh Nguyễn Đức Việt (Hoàng Mai, Hà Nội) lại khá thất vọng về việc giao hàng của đơn vị này. Anh Việt cho hay, khi mua trên mạng, trang web có thông báo về thời gian hạn giao hàng, người mua có thể kiểm tra sản phẩm của mình đi tới đâu. Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn.

Sau khi mua ba ngày, anh nhận được email xác nhận, sản phẩm của anh đã được giao cho đơn vị vận chuyển. Anh đã phần nào yên tâm nhưng hôm tiếp theo, anh nhận được email thông báo về việc hủy đơn hàng. Anh đã gửi email phản hồi cho trung tâm hỗ trợ khách hàng, yêu cầu giải thích. 

Gọi lên cả tổng đài chăm sóc khách hàng nhưng sản phẩm anh đặt mua vẫn chưa biết đang ở đâu. Đại diện bên web bán hàng cho biết sẽ kiểm tra và phản hồi sớm. Tới tận gần 1 tháng, anh mới nhận được.

{keywords}
Giao hàng chậm khiến người mua bức xúc

“Việc đăng tin rao bán trên website nhưng sau đó lại không có sản phẩm, không phản hồi cho khách hàng như vậy khiến tôi cảm thấy rất khó chịu giống như lừa đảo, quảng cáo ảo để hút khách hàng”, anh Việt bức xúc. Khi nhận được sản phẩm, anh mới biết, đơn vị bán hàng ngay tại Hà Nội, cách chỗ anh ở không xa. 

Cũng từng rơi vào tình trạng tương tự, anh Duy (Ba Đình, Hà Nội) từng mua tivi trên một trang web bán hàng trực tuyến trụ sở tại Hà Nội tới gần 2 tuần mới nhận được sản phẩm. Anh cho biết, khi đặt mua trên mạng, anh nhận được thông báo sẽ giao hàng trong thời gian sớm nhất. 

Tuy nhiên, càng chờ đợi anh càng thấy thất vọng. Nhiều lần gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng phản ánh về việc giao chậm nhưng anh đều nhận được câu trả lời sẽ xử lý sớm và mong anh thông cảm.

“Mình đã thanh toán đơn hàng bằng thẻ tín dụng nên vẫn phải cố chờ đợi, trong khi đó nếu mua ở chỗ khác chỉ cần gọi điện là trong vòng hai tiếng đã nhận được hàng luôn”, anh Duy nói.

Hai thị trường lớn Hà Nội, TP.HCM, tình trạng giao hàng chậm trễ diễn ra khá phổ biến. Nên các địa phương khác vùng sâu vùng xa, không ít khách hàng phải chờ đợi cả tháng mới nhận được hàng.

Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội, hoạt động kinh doanh lại khá sôi động, khách hàng vừa đặt mua đã có người mang hàng tới ngay. 

Lỗi do đơn vị cung cấp

Ông Nguyễn Quốc Hưng, giám đốc một doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, cho hay, nhiều trang thương mại điện tử đang hoạt động như mô hình chợ. Họ là nơi giao dịch người mua và đơn vị cung cấp. Chính vì thế, hoạt động giao hàng nhanh hay chậm đều do đơn vị cung cấp quyết định. Với những đơn vị cung cấp không chuyên nghiệp, họ không xử lý hết các đơn hàng, dẫn tới tình trạng người mua phải chờ đợi quá lâu.

“Tâm lý người Việt mua hàng phải xem ngay để lấy luôn, khi họ đã mua trên mạng muốn rút bớt thời gian xuống mà phải chờ đợi như vậy chẳng khác nào mua thêm bực vào người. Họ lựa chọn mua trên web thương mại điện tử cũng một phần do yên tâm hơn mạng xã hội như facebook. Nếu các trang bán hàng không cải thiện khó mà cạnh tranh được với bán hàng trực tuyến hay cả mạng xã hội facebook”, ông Hưng cho hay.

Lý giải về thực trạng này, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chuyển phát với các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chưa cao. Dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng ở Việt Nam chưa theo kịp với xu hướng phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. 

Trong giai đoạn hình thành thương mại điện tử, phần lớn các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến tự cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Sang giai đoạn phổ cập, những nhà bán hàng trực tuyến thường kết hợp dịch vụ hoàn tất đơn hàng với thuê bên ngoài.

Để giải quyết tình trạng giao hàng muộn, nhiều trang thương mại có cam kết việc giao hàng đúng giờ, chịu phạt nếu giao hàng muộn nhưng vẫn hạn chế khu vực hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia, để bán hàng trực tuyến phát triển, các doanh nghiệp cần phải cải thiện mạnh mẽ việc giao hàng nếu không muốn bị thất thế khi các trang bán hàng quốc tế đổ bộ vào Việt Nam.

Nam Hải