Nhớ khoảng 6 năm về trước, tên gọi “tài xế công nghệ” đã khiến nhiều người phải tự bật cười vì sự ngộ nghĩnh đến khó hiểu của cụm từ này. Nhưng chẳng thể ngờ, rồi cũng có lúc người ta sẽ loay hoay như thế nào nếu thiếu bóng dáng của các “bác tài 4.0”. Ngành dịch vụ kết nối di chuyển, ở thời điểm hiện tại, có thể được định nghĩa một cách dễ hiểu bằng mối liên kết chặt chẽ giữa nền tảng đặt xe, khách hàng và tài xế, trong đó công nghệ là “chất keo” kết dính vô cùng quan trọng.

Công nghệ nhập cuộc, ván cờ thay đổi

Đầu quân cho ứng dụng Go-Viet gần 2 năm nay, chú T.H.Đức (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Hồi xưa chú toàn phải đứng đợi tại các bệnh viện, trường học, hay mấy chỗ đông người để năn nỉ người ta đi xe, trả giá lên trả giá xuống, nhiều lúc còn phải giành giật với những xe ôm khác. Chưa kể đâu phải lúc nào cũng có khách chịu đi. Nhưng kể từ khi mua cái smartphone để làm tài xế công nghệ, chú khỏi phải lo không có khách nữa, tiếng “ting ting” cứ liên tục, chạy còn không xuể. Thời thế coi như từ đó cũng thay đổi luôn, khách đi tìm mình, chứ mình không phải vất vả đi bắt khách nữa.”

{keywords}
Nghề xe ôm: xưa là tìm khách, nay là... khách tìm

Rõ ràng, sự nhập cuộc của công nghệ trong những năm vừa qua đã viết ra một câu chuyện hoàn toàn khác cho nghề tài xế, khi công cuộc tìm khách nay đã được đảo ngược hoàn toàn. Gánh nặng thu nhập nhờ đó mà cũng vơi đi phần nào.

Anh T.Q.Hiếu (Q. Tân Bình, TP.HCM) là trụ cột gánh vác cả gia đình, nuôi 2 con ăn học bằng những chuyến xe công nghệ. Với anh, “tài xế công nghệ” đã không còn là công việc tạm thời lúc rảnh rỗi, nó thực sự trở thành một cái nghề đàng hoàng, thu nhập ổn định và linh hoạt về thời gian.

“Anh em họ hàng tôi nhiều người cũng đang nuôi gia đình bằng nghề tài xế công nghệ, người chạy Grab, người chạy Be, Go-Viet... nói chung thu nhập ổn định, thậm chí có người còn có của dư của để, lo cho con cái”.

Anh Đ.V.Đạt (Q.2, TP.HCM) với 3 năm “kinh nghiệm” làm tài xế công nghệ, cũng tiết lộ thêm: “Hồi đó, mình nghĩ tài xế công nghệ hay tài xế truyền thống thì cũng là chở khách như nhau thôi. Nhưng giờ mới thấy khác nhiều thứ, được đào tạo bài bản đủ kĩ năng, mấy lớp học xử lý tình huống khẩn cấp hay giao tiếp đúng là tham gia rồi mới thấy cần thiết. Như tôi đây đang tham gia lớp học tiếng Anh do công ty Grab tổ chức miễn phí cho anh em, để khi chở khách nước ngoài mình còn biết đường “ê a” vài câu. Bên hãng họ cũng chịu khó “chiều” tài xế dữ lắm, tổ chức đủ thứ hoạt động, lâu lâu còn có chương trình học bổng cho con em tài xế, nhờ vậy anh em cũng thấy có động lực làm nghề hơn.”

Công nghệ như một lẽ tất nhiên đã đưa đến một góc nhìn mới cho nghề tài xế. Cực thì vẫn có, nhưng “sướng” hơn là điều không thể phủ nhận. Chị L.T.Hà (Q. Bình Tân, TP.HCM) - một tài xế chạy Go-Viet còn hài hước: “Nghề tài xế mới nghe thì ai cũng nói khổ, nhưng phải là người trong cuộc mới thấy vui cỡ nào, không tin chị thử đi rồi biết.”

{keywords}
Các tài xế công nghệ ngày càng được “o bế”

Ngày càng được “o bế”

Còn nhớ sáu tháng trước, trong khi người ta rủ nhau làm CV nộp hồ sơ xin việc đủ chỗ, anh N.Q.Nghĩa (Q.5, TP.HCM) lại bỏ cái ghế nhân viên văn phòng của mình để khoác áo làm tài xế công nghệ.

“Bây giờ, anh thấy nghề tài xế cũng có khác gì đi làm công ty đâu. Mình đi chạy xe nhưng được mua bảo hiểm đầy đủ, phúc lợi cũng không thiếu cái nào, mà còn chủ động được thời gian đi lại,” anh chia sẻ.

Chị Đ.T. Nga (Q. Thủ Đức) về vấn đề này cũng cho biết thêm: “Chị thấy làm tài xế coi vậy chứ được hỗ trợ đủ thứ cái. Đứa con gái của chỉ vừa tốt nghiệp cấp 3 xong thì nhận được học bổng của Grab, thấy cũng mừng. Nhiều khi chị nghĩ, mình chạy xe vậy mà cả gia đình như được sướng lây”.

Nhìn bài toán thu nhập hay những chương trình hỗ trợ xã hội thiết thực ấy cũng đủ thấy các nền tảng đặt xe đang dần quan tâm hơn đến đời sống của người tài xế về về cả vật chất lẫn tinh thần. Những đội nhóm, cộng đồng tài xế từ đó cũng được thành lập, như một công cụ để các nền tảng có thể kết nối với các đối tác một cách sát sao. Những con số biết nói cũng phản ánh rõ rệt sự cải thiện đầy tích cực trong đời sống của những người tài xế 4.0.

Có thể nói, công nghệ đã tạo ra một “cuộc cách mạng” toàn diện cho nghề tài xế. Không chỉ gói gọn trong vấn đề thu nhập mà cuộc sống nói chung của những người tài xế thời 4.0 đã có được sự quan tâm một cách chính đáng. Những khó khăn, bất cập nay đã nhường chỗ cho sự chuyên nghiệp và ổn định lâu dài.

 Mai Khởi