Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi vào sáng 26/12.

Theo Bộ trưởng Cường, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra từ tháng 5/2019, buộc chúng ta phải tiêu huỷ tới 1,27 triệu con lợn. Đến nay, DTLCP đã được kéo giảm xuống mức thấp nhất. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 40.000 con, giảm 74% so với tháng 11/2019 và giảm 97% so với tháng 5/2019.

Bộ trưởng thừa nhận, chăn nuôi lợn năm nay gặp nhiều khó khăn, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018. Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết giá lợn tăng cao, nhiều người dân muốn nuôi lợn to như con trâu mới xuất chuồng

Cũng theo Bộ trưởng Cường, năm nay tình hình giá lợn hơi trên thế giới trở thành câu chuyện nóng: Tại Trung Quốc, giá tăng cao đến mức có đối tượng dùng vật thể bay làm virus lây lan, dùng thủ đoạn lấy mẫu bệnh, dùng công nghệ thông tin cấy virus vào nơi có sản phẩm, hay loan tin có bệnh để người dân bán đổ bán tháo với giá rẻ...

Có thời điểm giá lợn hơi tăng cao đến mức có người ôm hàng nghìn con lợn từ vùng này sang vùng khác chờ giá lên cao mới bán, lợn len lỏi qua biên giới Trung Quốc để bán hưởng chênh lệch giá. “Giá lợn hơi "nóng" đến mức lợn to 1,2 tạ vẫn chưa muốn xuất chuồng. Nhiều người vẫn muốn nuôi tiếp, muốn nó to bằng con trâu. Nhiều nơi chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, người dân đã nôn nóng tái đàn bằng mọi giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.  

Về việc nhập khẩu thịt lợn, Bộ trưởng cho rằng thiếu thì chúng ta phải nhập khẩu, còn tình hình giá cả là câu chuyện của thị trường. Thị trường vận hành khách quan theo quy luật kinh tế, cung - cầu.

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tính đến nay, nước ta đã phải tiêu huỷ khoảng gần 6 triệu con lợn do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt trên thị trường có sự thiếu hụt.

Kéo theo đó, giá thịt lợn sau khi chạm đáy hồi tháng 4, tháng 5 năm nay, đến đầu tháng 6 giá lợn hơi đã quay đầu tăng. Bắt đầu từ tháng 10 đến nay giá lợn hơi xuất chuồng lên cơn sốt, tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, nhiều địa phương ghi nhận giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 92.000-95.000 đồng/kg. Tại chợ hay siêu thị, thịt lợn mạnh cũng tăng phi mã lên mốc 140.000-200.000 đồng/kg. Có loại giá tăng lên mức 250.000-300.000 đồng/kg.

Phải làm bền vững, đừng kiểu ăn mỗi Tết này

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học. Nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,...

{keywords}
Doanh nghiệp chăn nuôi phải là "hạt nhân" dẫn dắt thị trường theo hướng bền vững

Đặc biệt, thời gian qua, ngành hàng thịt lợn đã thu hút sự quan tâm đầu tư của rất các doanh nghiệp lớn vào chuỗi sản xuất thịt lợn như Công ty C.P, Masan,... Bộ trưởng khẳng định, trong tái đàn chăn nuôi, doanh nghiệp phải là “hạt nhân” với vai trò vừa là người dẫn dắt giá vừa là nơi cung cấp nguồn cung con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Bởi, lượng con giống và lợn nái hiện nay chủ yếu chủ yếu tập trung là cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, khu vực này đóng vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn.

Theo bộ trưởng Cường, quan trọng nhất hiện nay nguồn lợn thương phẩm ở khu vực này hiện rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tham gia và đưa ra thị trường với giá hợp lý nhất. Có như vậy mới bảo vệ được thị trường cùng với người dân về lâu dài, chứ giá cao quá thì nay mai thị trường quay lưng lại.

Các cơ sở được công bố hết dịch tả lợn Châu Phi cho hay đã chủ động tái đàn ngay từ đầu quý 4 năm nay theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Do đó, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 1 năm 2020 và từ quý 2, sản lượng thịt lợn xuất chuồng sẽ tiếp tục được tăng lên.

Về giá lợn, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp thống nhất cùng nhau theo hướng tích cực nhất trên tinh thần lấy phương châm bền vững, lấy số lượng, lấy mở rộng thị trường xuất khẩu làm mũi nhọn sản xuất trong tương lai, không chỉ “ăn” mỗi Tết Canh Tý. Đồng thời phải lấy văn hoá sử dụng thực phẩm của người Việt Nam để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng và chia sẻ với người chăn nuôi. 

Tâm An