Nửa thế kỷ qua, Dược sĩ Đào Kim Long, người được coi là “Ông tổ của sâm Ngọc Linh” đã ứng dụng nhân sâm Ngọc Linh vào việc điều trị bệnh và đã kết luận: “Hiếm có vị thuốc nào trên thế giới có tác dụng đa dạng trong phòng và điều trị bệnh, hỗ trợ sức khỏe như nhân sâm Ngọc Linh, nhất là dùng trong các trường hợp bệnh nhân ung thư, bệnh nhân bị các bệnh về máu, bị suy thận, viêm cầu thận mãn, bệnh co thắt phế quản”.

Các nhà khoa học về y dược trên thế giới cũng đang không ngừng thu mua nhân sâm Ngọc Linh. Vì thế giá sâm Ngọc Linh rất cao, cao đến choáng váng và nạn sâm Ngọc Linh giả cũng thật… khủng khiếp!

{keywords}

Dược sỹ Đào Kim Long - “ông tổ” sâm Ngọc Linh và bà chủ sâm Nguyễn Thị Minh.

Gần nửa tỷ “đổi”… 5 củ sâm!

Sau Tết Đinh Dậu, ông hàng xóm thuộc diện “giàu sang nhất khoảnh” cầm trên tay 1 cái củ sần sùi sang nhà tôi bảo: “Tôi vừa được ông thông gia ở Bắc Ninh biếu 1 củ sâm Ngọc Linh. Tết này ông ấy được người ta biếu 5 củ sâm như thế này, nghe nói mỗi củ giá từ 70-80 triệu đồng. Không hiểu vì sao mà nó đắt khủng khiếp như vậy”. Tôi nói: “Nhân sâm Ngọc Linh quý hơn nhân sâm Triều Tiên, nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ nhiều lần. Các chuyên gia hàng đầu về sâm đã phân tích và kết luận rằng tỷ lệ thu suất toàn phần của nhân sâm Ngọc Linh là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhân sâm Triều Tiên là 3,5%, nhân sâm Trung Quốc là 4,5%, và nhân sâm Mỹ là 4%. Người ta đánh giá phẩm chất củ nhân sâm qua tỷ lệ thu suất toàn phần, chênh nhau 1% là giá trị đã khác nhau xa lắm. Thế nên sâm Ngọc Linh có giá đó cũng phải”.

Biết tôi là người đã đi nhiều vào vùng sâm Ngọc Linh, quen biết nhiều người có sâm Ngọc Linh lại có chút chuyên môn về lĩnh vực này nên ông hàng xóm giàu có nhờ xem hộ củ sâm ông mang sang có phải là sâm Ngọc Linh tốt không. Tôi xem kỹ mới giật mình vì thật đáng tiếc là cái củ có giá 80 triệu đồng trên tay ông hàng xóm không phải là nhân sâm Ngọc Linh. Bởi đơn giản một điều là, các củ nhân sâm trên thế giới đều có rễ, riêng củ nhân sâm Ngọc Linh không có rễ. Các loại nhân sâm khác, da của nó đều nhẵn nhụi, riêng củ sâm Ngọc Linh da không nhẵn nhụi mà có nhiều mấu, gọi là mắt sâm.

Thì thế này, củ sâm tươi Hàn Quốc trông giống củ cải trắng, vì đời sống của cây sâm này khác hẳn đời sống cây sâm Ngọc Linh. Cây sâm Ngọc Linh vào cuối mùa thu thì ngả xuống và chết đi, gốc của cây sâm lúc đó sẽ tạo ra một cái mấu trên củ sâm gọi là mắt sâm. Sang Xuân, từ củ sâm này lại mọc lên một cây sâm khác. Vì thế, người ta nhìn mắt sâm để phân biệt sâm giả sâm thật, nhìn mắt sâm để biết chính xác tuổi của sâm Ngọc Linh. Và, cái củ trên tay ông hàng xóm của tôi lại không có “mắt sâm” nên nó không thể nào là sâm Ngọc Linh được dẫu nó được mua với cái giá 80 triệu đồng đi chăng nữa.

“Báo đã in ảnh 1 củ nhân sâm Ngọc Linh 50 tuổi, trên đó có 50 cái mắt. Củ sâm Ngọc Linh thường chỉ to bằng ngón tay cái. Củ sâm 200 tuổi hiện có ở nhà họa sĩ Đỗ Tuấn ở phố Quán Thánh cũng chỉ to bằng ngón tay cái người lớn nhưng có 200 cái mắt” – Tôi giải thích cái sự đau lòng này trong ánh nhìn thảng thốt của ông bạn hàng xóm giàu có!

Vào tận chân núi vẫn dính… sâm giả

{keywords}

Ô tô của người mua sâm đỗ kín khách san 4 sao.

Tôi đi vùng sâm Ngọc Linh vào dịp áp Tết năm Đinh Dậu. Khách sạn Ngọc Hồi 4 sao sang trọng dưới chân núi Ngọc Linh đêm nào cũng kín phòng. Ô tô của các đại gia đỗ kín sân khách sạn. Họ về đây mua nhân sâm Ngọc Linh để làm quà biếu Tết. Bây giờ biếu nhau 1 chai rượu Tây là quá thường. Quà quý phải là nhân sâm Ngọc Linh. Một ông Tổng giám đốc doanh nghiệp tư nhân lớn ở Hà Nội đã đánh xe vào tận chân núi Ngọc Linh để mua sâm. Ông ta mua được 2 củ sâm khô, mỗi củ giá 40 triệu đồng, nhưng đáng tiếc lại là sâm giả. Một ông chủ mỏ vàng ở Lào mua được 4 bình rượu sâm Ngọc Linh, cũng chỉ là mua làm quà biếu Tết thôi. Mỗi bình rượu ông mua có giá là 400 triệu đồng. 10h đêm ông ta còn đứng trước cửa khách sạn chờ Dược sĩ Đào Kim Long để nhờ thẩm định hộ. Bởi, ông chủ mỏ vàng này biết Dược sỹ Đào Kim Long là người đầu tiên phát hiện cây nhân sâm Ngọc Linh. Từ bấy đến nay ông đã nghiên cứu rất nhiều về nhân sâm Ngọc Linh nên sâm thật giả không thể qua mắt ông được. Nhân dân vùng núi Ngọc Linh gọi Dược sĩ Đào Kim Long là “ông tổ sâm”. Vì thế ông chủ mỏ vàng phải chờ bằng được ông Đào Kim Long để nhờ ông nếm thử 4 bình rượu ông đã mua. Ông Đào Kim Long uống thử mỗi bình 1 chút và nói rằng: “Tất cả đều không phải là rượu sâm Ngọc Linh”. Ông chủ mỏ vàng người Lào suýt đánh rơi bình rượu cả nửa tỷ tiền Việt vì câu nói này!

{keywords}

Gian nan đường vào vùng trồng sâm Ngọc Linh.

Nhiều người bảo, cứ 1.000 người Việt Nam thì có đến 999 người chưa từng nhìn thấy hoặc được cầm trên tay củ sâm Ngọc Linh đích thực. Vì thế mà họ rất dễ bị lừa. Lại càng rất ít người được uống rượu sâm Ngọc Linh đích thực nên càng dễ bị lừa. Bà con người dân tộc Sê Đăng rất thật thà. Họ không bao giờ lừa người khác. Hàng ngày họ chui trong rừng già tìm nhân sâm Ngọc Linh hoang dại. Ngày may mắn thì được 1 vài củ, còn đa phần là về tay không. Những củ sâm tìm được họ đem bán. Đây là loại sâm cực tốt, nhưng các đầu nậu sâm đã tìm đến tận nhà họ mua hết, làm sao lọt được củ nào ra ngoài?

Ông Tư Nghĩa ở TP.HCM là người có nhiều nhân sâm Ngọc Linh nhất. Năm 2.000 ông đã đầu tư 50 tỷ đồng mua sâm Ngọc Linh về tích trữ. Hiện tại ông Tư Nghĩa vẫn cho người của mình bám vùng núi Ngọc Linh thường xuyên để mua sâm và cất giữ chứ không bán ra 1 củ nào, vì ông đoán rằng giá sâm vẫn còn lên cao nữa. Hiện nay, nhân dân vùng núi Ngọc Linh trồng sâm theo kiểu bán tự nhiên, có nhà trồng tới hàng chục nghìn cây, cá biệt có người trồng tới 5 vạn cây. Nhưng sâm trồng phải sau 13 năm mới bán được. Vả lại, người trồng sâm ở Ngọc Linh chỉ bán hạt sâm và lá sâm chứ chưa bán củ sâm.

Bà chủ của 6 vạn cây sâm đẻ… hạt vàng!

{keywords}

Bình rượu sâm tiền tỷ của chị Minh.

Theo tìm hiểu của tôi thì giá hạt sâm Ngọc Linh hiện nay đang là 250 triệu đồng/kg, giá lá sâm khô là 12 triệu đồng/kg. Mỗi cây sâm Ngọc Linh 1 mùa cho 30 hạt, trong đó có 10 hạt lép phải vứt đi. Cũng bởi giá bán hạt giống rất cao nên người ta chưa cần bán củ. Như vậy, việc mua được 1 củ sâm Ngọc Linh đích thực không phải dễ dàng. Trên thực tế cũng có 1 vài gia đình bán củ sâm Ngọc Linh trồng trên núi với giá cao. Chị Nguyễn Thị Minh là 1 người như vậy. Chị Minh không phải người Sê Đăng mà là người Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chị bắt đầu trồng sâm năm 2003. Lúc đó giá hạt sâm mới chỉ 15 triệu đồng/kg và chị Minh đã mua 30kg hạt sâm. Hạt sâm Ngọc Linh chỉ to bằng hạt đỗ xanh, 30kg thì gieo được nhiều lắm. Thế nên cho đến nay, chị Minh đang có khoảng 6 vạn cây sâm Ngọc Linh và sâm của chị đã đến tuổi bán rồi. Nhưng theo chị thì bán hạt vẫn lợi hơn bán củ. Ai cần lắm chị mới bán cho vài củ với giá rất cao. Chị nói: “Sâm Ngọc Linh là loại hàng 1 người bán vạn người mua. Ai chịu được giá cao thì mua, chưa bán thì cây sâm vẫn còn đó, năm sau giá trị của nó cao hơn năm trước và mùa nào nó cũng cho hạt nên không cần bán nhiều lắm”.

Để trồng được sâm trên núi Ngọc Linh, chị Minh đã kết nghĩa với bà con dân tộc Sê Đăng, thỉnh thoảng lên núi thăm họ, cho quần áo, nước mắm, bánh kẹo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Đồng bào Sê Đăng nơi chị trồng sâm có bị ốm đau phải đi viện là chị đón rước, chở họ đi và thăm nom, giúp đỡ. Cái tình cái nghĩa đó của chị được đồng bào ghi nhớ và họ lại cho chị trồng xen trong vùng sâm của họ và họ trông nom vườn sâm cho chị. Chị Minh bảo nếu thiếu người bản địa trông nom, canh giữ thì bao nhiêu sâm cũng mất hết. Tình hình thị trường sâm Ngọc Linh hiện nay là như vậy. Người ở xa đến khó lòng mua được 1 củ sâm Ngọc Linh đích thực.

Thế nên, cái củ của ông hàng xóm mang sang khoe với tôi có lẽ là sâm Vân Nam. Củ sâm Vân Nam có rễ, nhưng người bán đã khéo léo cắt 2 cái rễ đi để đánh lừa người mua. Giá sâm Vân Nam khô hiện nay khoảng 7-8 triệu đồng/kg còn sâm Ngọc Linh khô giá khoảng 500-550 triệu đồng/kg. Sự chênh lệch là khủng khiếp và nạn sâm giả ở Ngọc Linh cũng thật khủng khiếp. Ông Bí thư Chi bộ xã Ngọc Lây bắt tay chúng tôi rất chặt và hứa là sẽ dẹp bỏ hết nạn bán sâm giả. Nhưng đây là 1 việc khó. UBND xã Ngọc Lây ở lưng chừng núi Ngọc Linh, độ cao 1.400m. Còn những người mua sâm thì ăn nghỉ trong khách sạn Ngọc Hồi, dưới chân núi Ngọc Linh.

Cho đến nay, tính cả trong nước lẫn các Viện Hàn lâm khoa học quốc tế, đã có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học về cây nhân sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đều thừa nhận nhân sâm Ngọc Linh có tác dụng giảm mệt mỏi, chống nhược sức do lao động liên tục kéo dài, tăng sức đề kháng của cơ thể, chống suy nhược sinh dục, suy nhược thần kinh, hỗ trợ điều trị tiểu đường rất tốt.

(Theo Gia đình và Xã hội)