5 chỉ vàng giá 300.000 đồng

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn DOJI, giá niêm yết mua vào - bán ra đối với vàng 10K là 21,1 - 22,7 triệu đồng/lượng, vàng 14K là 30,1 - 31,8 triệu đồng/lượng, vàng 16K là 34,6 - 36,9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, trên “chợ mạng” lại đang bán các loại vàng 10K, 14K có giá rẻ như cho với tên gọi “vàng non tuổi” hoặc “vàng tây non tuổi”. 

{keywords}
Khi mua vàng, khách nên lựa chọn cửa hàng uy tín để tránh mua sản phẩm không đạt chất lượng

Cửa hàng trang sức cao cấp P.T.J. rao bán đủ loại trang sức nam được cho là làm từ “vàng non” 10K. Chủ cửa hàng này cam kết sản phẩm được bảo hành từ 3-5 năm; khi mua, có thể kiểm tra dưới lửa, mài giũa hoặc dùng nam châm để thử độ thật của vàng, đồng thời còn gửi hình ảnh sản phẩm được khò dưới lửa vẫn không đổi màu để tạo niềm tin. Chúng tôi khá bất ngờ khi một chiếc nhẫn được giới thiệu có trọng lượng 5 chỉ vàng 10K nhưng chỉ có giá 300.000 đồng.

Tại một số điểm bán khác, vàng 10K, 14K mặc dù không rẻ như trên nhưng cũng khá thu hút người mua do được chế tác thành các sản phẩm theo yêu cầu, hoặc theo phong thủy, có gắn kèm lông đuôi voi, ngà voi... Một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TPHCM cho biết, nhẫn lông đuôi voi tại đây được làm từ vàng 14K hoặc 16K có giá từ 850.000 - 1.050.000 đồng/chiếc, tùy kích thước, làm cho nam hay nữ. Sản phẩm bán có kèm hóa đơn đỏ để cam kết bảo hành hoặc đổi trả nếu khách phát hiện vàng giả. Trên sản phẩm nhẫn 14K, không có thông tin gì ngoài “50%”. 

Ghé một số cửa hàng vàng gần chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp, TPHCM) hỏi mua “vàng non”, chúng tôi được giới thiệu các sản phẩm vàng trang sức từ 10K - 18K. Săm soi chiếc nhẫn mà nhân viên cửa hàng giới thiệu là vàng 18K, chúng tôi thấy trên sản phẩm có ký hiệu 610. Tại một cửa hàng vàng gần chợ Hòa Hưng (Q.10, TP.HCM), khi hỏi mua vàng loại 18K, chúng tôi được chủ cửa hàng đưa ra những chiếc nhẫn ghi 70%.

Không có khái niệm “vàng non”

Khi hỏi về số ghi trên sản phẩm mà chúng tôi tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - cho biết, đó là số ghi hàm lượng vàng trên sản phẩm, theo quy định. Theo quy tắc quốc tế, vàng 24K có hàm lượng vàng là 99,99%, gần bằng 100% nên gọi là vàng 10 tuổi. Muốn biết hàm lượng vàng và tuổi vàng bao nhiêu, chỉ cần lấy số “K” chia cho 24. Ví dụ, 18 chia cho 24 sẽ bằng 0,75, tức trong vàng 18K chỉ có 75% là vàng, 25% còn lại là các hợp kim khác nên gọi là “vàng 7 tuổi rưỡi”. Tương tự, vàng 14K chỉ có 58,3% là vàng nên gọi “vàng 5 tuổi 83”; vàng 10K có 41,7% vàng, gọi là “vàng 4 tuổi 17”; vàng 9K có 37,5% vàng, gọi là “vàng 3 tuổi 75”; vàng 8K có 33,3% vàng, gọi là “vàng 3 tuổi 3”…

Hiện nay, Nghị định Chính phủ cho phép vàng từ 8K đến 24K lưu thông trên thị trường và mỗi loại vàng này đều phải công bố cụ thể hàm lượng vàng, tên gọi là vàng 8K, 10K hoặc 14K chứ không có tên gọi nào khác. Còn “vàng non” là thứ không xác định được hàm lượng vàng nên không thể gọi là vàng vì nó không đủ như quy định và trong ngành kim hoàn không có cụm từ này. Nhiều người nghĩ “vàng non” tức là vàng không đủ 10 tuổi như vàng 24K và các loại vàng từ 8K đến dưới 24K đều gọi là “vàng non”. Đây là cách gọi sai và nhiều nơi bán hàng đã dùng từ này để đánh lừa người tiêu dùng.

{keywords}
Nhiều nơi gọi vàng 18K nhưng trên sản phẩm chỉ có 70% vàng thay vì 75%, thậm chí chỉ có 61%

Tỷ lệ 50% trên sản phẩm vàng 14K mà cửa hàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bán không phải là vàng 14K, vì loại này có hàm lượng vàng là 58,5% mới đúng. Điều này có nghĩa, sản phẩm trên không đúng hàm lượng quy định nên họ không gọi là vàng 14K mà gọi là “vàng non”. Còn sản phẩm vàng 18K mà cửa hàng vàng gần chợ Gò Vấp bán ghi 610 tức hàm lượng vàng là 61%, không phải là vàng 18K (có hàm lượng vàng 75%). Trang sức vàng 14K có hàm lượng vàng dao động từ 58,3 - 62,4% nên ký tự 610 cũng chưa chắc là vàng 14K. Cửa hàng vàng gần chợ Hòa Hưng bán vàng 18K nhưng ghi 70% cũng không đúng với hàm lượng vàng quy định cho vàng 18K. “Có thể do hàm lượng vàng ít hơn hàm lượng quy định nên các tiệm vàng bịa ra từ “vàng non” để lách” - ông Dưng nhận định. 

Ghi hàm lượng vàng một đằng, gọi tên một nẻo sẽ gây thiệt thòi cho người mua vàng. Có không ít khách hàng mua vàng có tên gọi là “vàng 18K” có ký hiệu 610 với giá bằng với vàng 18K thật. Khi làm mất hóa đơn, khách đem bán vàng sẽ bị thu mua với giá ký hiệu 610 thay vì ký hiệu 750 của vàng 18K. 

Cũng có tình trạng hàm lượng vàng trong sản phẩm không đúng với ký hiệu trên sản phẩm, xảy ra không chỉ trên chợ mạng mà ở cả các cửa hàng bán vàng không uy tín. Năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp thanh tra liên ngành gần 1.300 đơn vị về việc sản xuất, kinh doanh trang sức, mỹ nghệ trên cả nước, tịch thu 4.000 mẫu vàng, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu, xử phạt 2,1 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng phương tiện đo lường không đạt yêu cầu và sản phẩm không đạt hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố (tập trung chủ yếu vào các loại vàng trang sức, mỹ nghệ).

“Người tiêu dùng cần phải biết rằng, nếu mua vàng kiểu tiện đâu mua đó thì không thể đảm bảo vàng có hàm lượng đúng tiêu chuẩn công bố được” - ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, khuyến cáo. 

Về các loại “vàng non” có giá rẻ bèo được gắn mác “vàng 10K”, “vàng 14K”, các chuyên gia cho rằng, đó thật ra là vàng mỹ ký, là những sản phẩm được làm bằng niken, đồng, thiếc, crôm… rồi phủ thêm một lớp kim loại được mạ vàng, bạc. Nguồn gốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Cách đây không lâu, một tổ chức quốc tế đã nghiên cứu các sản phẩm này và kết luận, 57% sản phẩm mỹ ký trên thị trường đều chứa hàm lượng kim loại độc hại như chì, thủy ngân, cadmium vượt mức cho phép. Các chất này tiếp xúc với da lâu ngày, sẽ thâm nhập vào máu, đi vào cơ thể gây hại cho sức khỏe. 

(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)