Theo South China Morning Post, mỗi ngày ở Campuchia có hàng triệu con chó bị trấn nước, siết cổ và bị đâm chết để lấy thịt. Ngành công nghiệp mờ ám và lợi nhuận cao này khiến không ít đồ tể bị ám ảnh tinh thần và đối mặt với những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như bệnh dại.

Chủ nhà hàng cũ Khieu Chan bật khóc với phóng viên SCMP khi mô tả lại công việc vẫn ám ảnh ông mỗi khi nhắm mắt đi ngủ. Ông ta phải giết đến 6 con chó mỗi ngày bằng cách cắt cổ.

“Hãy tha thứ cho tao. Nếu không giết chúng mày, tao sẽ không thể nuôi sống gia đình mình”, người đàn ông 41 tuổi nói với những con chó nằm trong chuồng chờ chết.

Nghề lợi nhuận cao

Thịt chó vẫn là món ăn phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á. Các tổ chức bảo vệ động vật xác định tiêu thụ thịt chó đã giảm dần tại khu vực, nhưng hoạt động buôn bán này vẫn diễn ra rầm rộ và ít được chú ý ở Campuchia.

{keywords}
Hoạt động buôn bán thịt chó vẫn diễn ra phổ biến ở Campuchia. Ảnh: South China Morning Post.

Các điều tra cho thấy hành vi bắt trộm chó tại đây vẫn diễn ra tràn lan, các lò mổ không có giấy phép hoạt động ồ ạt, và vô số nhà hàng ở các thành phố vẫn phục vụ món “thịt đặc biệt”.

Theo tổ chức phi chính phủ Four Paws, ước tính có khoảng 2-3 triệu con chó bị giết thịt hàng năm ở Campuchia. Tổ chức này cũng xác định hơn 100 nhà hàng bán thịt chó ở thủ đô Phnom Penh và khoảng 20 tại thị trấn Siem Reap.

“Đó là một ngành kinh doanh khổng lồ”, SCMP dẫn lời bà Katherine Polak - bác sĩ thú y Thái Lan làm việc cho Four Paws - nhận định. Tổ chức này đã trình kết quả điều tra cho chính phủ Campuchia. Bà Polak khẳng định các quan chức chính phủ đã “rất sốc” khi biết quy mô của ngành công nghiệp thịt chó nước này.

Thịt chó tại Campuchia được bán với giá 2-3 USD/kg.

Khủng hoảng sức khỏe cộng đồng

Các nghiên cứu cho thấy ngành công nghiệp buôn bán thịt chó đang trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng tại Campuchia, bởi thịt chó có khả năng nhiễm bệnh được phân phối và tiêu thụ khắp cả nước.

Campuchia là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh dại cao nhất thế giới, hầu hết trường hợp đều là do chó cắn. Ngành kinh doanh thịt chó làm suy yếu nỗ lực tiêm chủng chó ở địa phương, bởi đa phần chó được tiêm phòng đều bị bắt và giết mổ.

Các lò giết mổ thiếu vệ sinh, cũng không được áp dụng các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm vì không được chính phủ giám sát. Công nhân tại đây không mặc đồ bảo hộ.

{keywords}
Một lò giết mổ kém vệ sinh ở Campuchia. Ảnh: South China Morning Post.

“Tôi bị một con chó cắn nhưng tôi không thể tiêm vaccine vì lúc đó trời đã khuya”, ông Pring That, sống tại Siem Reap, kể lại với phóng viên SCMP khi đang nấu thịt chó. Sau đó ông đã sát trùng vết thương bằng xà bông và chanh.

Các lò giết mổ có quy mô công nghiệp ở những nước đang phát triển đảm bảo khoảng cách giữa công nhân và động vật, nhưng Campuchia thì ngược lại. Sau khi nhận hàng, các đồ tể cởi trần lùa chó vào chuồng. Sau đó, họ siết cổ chúng bằng dây thừng hoặc dìm đầu chúng xuống nước.

Ảnh hưởng tâm lý

Ngay sau bình minh, đồ tể Hun Hoy sống ở một ngôi làng tại Siem Reap lôi một con chó ra khỏi chuồng và treo nó lên cành cây. Con vật ngừng giãy giụa sau vài phút. Sau đó, Hun Hoy cho con vật vào nồi nước sôi để vặt lông và mổ thịt.

“Vào những ngày làm việc hiệu quả, tôi giết 10-12 con chó. Tôi cảm thấy thương xót nhưng vẫn phải giết chúng”, ông Hun Hoy tiết lộ. Người buôn thịt chó có thể kiếm từ 750-1.000 USD. Để so sánh, tiền lương trong các nhà máy may mặc không vượt quá 200 USD.

{keywords}
Tổ chức phi chính phủ Four Paws đưa những con chó ốm yếu đến Phnom Penh để điều trị. Ảnh: South China Morning Post.

“Cần phải giết chúng thật nhanh. Tôi biết đó là tội lỗi”, đồ tể Dara, 30 tuổi, thừa nhận. Dìm xuống nước là phương pháp được ưa chuộng tại tỉnh Kampong Cham và Kandal.

“Bằng cách dìm chúng xuống nước, chúng tôi sẽ không nghe thấy tiếng rên rỉ của chúng”, một người phụ nữ tiết lộ.

Nhiều người thừa nhận họ bị trầm cảm khi phải giết chó hàng ngày. Khieu Chan nhớ lại cuộc gặp gỡ với các nhân viên tổ chức Four Paws. Họ cấp cho ông một khoảnh đất nhỏ để canh tác. Ông đóng cửa nhà hàng, ngừng giết chó.

Ông còn hỗ trợ các nhân viên Four Paws giải cứu chó bệnh. Giờ ông không còn phải xin lỗi những con chó xấu số nữa. Thay vào đó, ông có thể nói với những con chó được giải cứu rằng: "Giờ chúng mày có được sự tự do rồi. Chúng mày sẽ không phải chết nữa rồi".

(Theo Zing)