Tặng “bia kèm lạc”

Gần đây, chị Phương Nhung (giáo viên, ngụ Q.Bình Tân, TPHCM) rất bất ngờ khi khám phá ra nhiều ứng dụng, website có dịch vụ “tiêu dùng hoàn tiền” hay “mua sắm hoàn tiền” (cashback) cho mọi hóa đơn mua hàng. Cụ thể, các hệ thống cửa hàng, nhà hàng, thẩm mỹ viện, rạp chiếu phim… nếu cùng có liên kết với ứng dụng cashback thì đều trả một khoản tiền tương ứng với hóa đơn vào tài khoản cho khách mua.

“Hiện nay, có nhiều ứng dụng gọi món, đặt chỗ trước liên kết với nhà hàng, khách sạn ưu đãi đến vài chục phần trăm giá cho khách hàng theo hình thức trừ tiền trực tiếp khi thanh toán. Trên mạng có rất nhiều ứng dụng hoàn tiền, có nơi còn quảng cáo chiết khấu rất hấp dẫn, lên tới 100%. Tiền về tài khoản ngân hàng có thể rút ra tiêu dùng. Tôi đã cài ít nhất 3 ứng dụng hoàn tiền để tích lũy nhiều ưu đãi” - chị Nhung phấn khởi.

{keywords}
Thực tế, việc “hoàn tiền” với giá trị phần trăm cao chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, không đáng kể

Tìm hiểu một số mô hình cashback đang quảng cáo trên mạng, chúng tôi nhận thấy mô hình này thường được thể hiện dưới dạng một website hoặc ứng dụng (app) như Cash..., Rung..., Tich..., Cling... Người dùng khi truy cập vào các trang mua sắm thông qua mô hình này sẽ được trả lại một khoản tiền sau khi mua sắm thành công. Tất cả tiền được hoàn lại từ các giao dịch khác nhau đều tập trung tại một tài khoản duy nhất. 

Đây cũng là một hình thức giảm giá khi mua hàng nhưng mới lạ hơn nên khiến nhiều người tò mò. Ví dụ nếu khách hàng muốn mua một chiếc điện thoại giá 20 triệu đồng với mức hoàn tiền là 10%, sẽ nhận lại 2 triệu đồng sau khi mua thành công. Mức hoàn tiền thường phụ thuộc vào loại hình sản phẩm, cửa hàng liên kết.

Nếu các ngân hàng xem cashback như cách ưu đãi cho khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng mua sắm, số tiền hoàn được trả vào thẻ dựa theo giá trị thanh toán và có thể sử dụng mua sắm lần sau, thì những website, app hoàn tiền còn cho phép người dùng rút tiền mặt, đổi thành coin (tiền điện tử)… và số tiền chiết khấu rất cao - từ 80-100%, thậm chí còn cao hơn cho cả người bán lẫn người mua.

“Xưa nay, hình thức khuyến mãi mà các doanh nghiệp cũng như thương hiệu thường sử dụng là giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, chiết khấu phần trăm hóa đơn mua hàng, tặng mã giảm giá cho lần mua hàng sau hoặc mã voucher giảm giá khi mua hàng… Nhờ hình thức này, người tiêu dùng đã có phản ứng tích cực và thích thú với việc mua sắm hơn.

Tuy nhiên, khi các hình thức khuyến mãi, tặng quà truyền thống của các cửa hàng, địa điểm kinh doanh dần đi vào lối mòn và bão hòa, việc săn ưu đãi trực tuyến được ưa chuộng hơn. Thay vì cửa hàng khuyến mãi cho khách 20%, họ có thể chia sẻ phần ưu đãi này với bên thứ ba là một ứng dụng. Thậm chí, lợi ích của đơn vị kinh doanh còn lớn hơn khi có thể tận dụng ứng dụng để quảng cáo sản phẩm rộng rãi hơn” - anh Minh (đại diện một cửa hàng thời trang ở Q.10, TPHCM) lý giải.

Mặt khác, mô hình kinh doanh O2O (online to offline) ngày càng giao thoa và hỗ trợ nhau trong việc định vị xu hướng tiêu dùng của khách hàng, dẫn đến việc các nhà bán lẻ buộc phải có biện pháp hỗ trợ khách hàng mua sắm trực tiếp thông qua mạng internet, từ quảng cáo trực tiếp trên Facebook, Zalo đến liên kết chia sẻ lợi nhuận với các ứng dụng.

Không chỉ mua sắm được hoàn tiền, nhiều người còn dùng ứng dụng này như công cụ “kiếm tiền ngang hàng” nếu mời được nhiều người cùng tham gia. Chị Thu Thủy (nội trợ, ngụ Q.Thủ Đức, TPHCM) tiết lộ, có những tháng dù “ngồi chơi” nhưng chị vẫn có tiền triệu nạp vào tài khoản. 

“Các website, ứng dụng cashback đều chiết khấu rất cao nếu bạn mời càng nhiều người tải ứng dụng và mua sắm. Cụ thể, nếu bạn mời được một người tải ứng dụng từ link hoặc mã giới thiệu của bạn, trong 12 tháng tiếp theo, bất kỳ khi nào người này mua hàng và nhận được hoàn tiền từ các đối tác của app này, bạn đều nhận lại lên đến 40% số tiền này. Mùa dịch, nhiều người chuộng mua hàng online nên sử dụng cashback tăng lên. Mời càng nhiều người, chiết khấu hoa hồng càng cao” - chị Thủy tiết lộ.

Đa cấp biến tướng?

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) thuộc Bộ Công thương đã cảnh báo cashback có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Theo VCCA, cashback thời gian gần đây nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện tử hiện đại. Tuy nhiên, sau quá trình theo dõi và thu thập thông tin qua các phương tiện internet, VCCA nhận thấy nhiều trang thương mại điện tử, ứng dụng internet được quảng cáo theo mô hình cashback có nhiều dấu hiệu đáng nghi.

Cụ thể, khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm, người tham gia (bao gồm cả tài khoản của nhà cung cấp và người tiêu dùng) được “vẽ” rằng luôn luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn dành cho cả bên bán và bên mua.

Tuy nhiên, thực tế việc “hoàn tiền” với giá trị phần trăm cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05 - 0,1%/ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.

Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…). Ngoài việc giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản của người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên.

Thế nhưng, thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Nếu người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.

Tùy vào thứ tự tham gia và người giới thiệu (bảo trợ để đăng ký vào hệ thống) mà các tài khoản người tham gia trong hệ thống sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh. Lúc này, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn (Silver, Gold, Platinum, Diamond hay Global Executive Commission, Millionaire…) để được hưởng hoa hồng, quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần trăm số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống.

Theo VCCA, những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có các biểu hiện như trên hoặc tương tự đều không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

“Để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu nêu trên” - VCCA cảnh báo. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết cashback là mô hình thương mại điện tử B2C (business to consume) kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ hoàn tiền cho người tiêu dùng nhằm mục đích mở rộng hệ thống khách hàng, việc hoàn tiền là cách để thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ; chiết khấu/hoàn lại một phần tiền hoa hồng cho khách khi họ mua sắm sản phẩm, dịch vụ hoặc khi giới thiệu cho người tiêu dùng khác.

Đây là một hình thức hợp pháp và đã có từ lâu ở Mỹ, khi bạn mua hàng và muốn có thêm tiền mặt từ cashback, siêu thị sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và cashback bằng tiền mặt. Đồng thời, nếu mời được nhiều người tham gia, bạn còn được nhận hoa hồng. Tuy nhiên, cashback ở Mỹ không phổ biến vì người dân rất cảnh giác với cách bán hàng kiểu đa cấp như hình thức này. 

“Trong khi đó, ở Việt Nam, cashback bị biến tướng thành chiết khấu, đơn vị cashback không đưa tiền mặt mà tính thành điểm thưởng và điểm thưởng này rất nhỏ. Đây chính là thủ đoạn lừa đảo để khách hàng tưởng được chiết khấu 80% nhưng thực tế không phải như vậy…” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)