Không chỉ nhái tên, bao bì theo các thương hiệu nổi tiếng, các cơ sở sản xuất còn nhét bìa cứng, rác vào hộp bánh, kẹo cho đủ trọng lượng nhằm lừa gạt người tiêu dùng. 

Nhái hàng “xịn’’, bán giá bèo

Tại một kho hàng chuyên bán sỉ bánh kẹo trên đường số 28, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TPHCM, chúng tôi được giới thiệu đủ loại bánh nhái các thương hiệu nổi tiếng, có vỏ hộp sang chảnh, trọng lượng “khủng” nhưng giá cực rẻ, có thể đem biếu hoặc làm giỏ quà tết, bán ra rất lời. Tại đây, bánh nhái các thương hiệu Damisa, Goszy, Milano, Huran Delin đều đồng giá 30.000 đồng/hộp, trọng lượng 450g. 

Mới đây, kiểm tra kho hàng và xưởng sản xuất bánh kẹo của Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (xã La Phù, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội), Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội phát hiện và thu giữ 4.000 hộp bánh kẹo có hình thức nhái các thương hiệu lớn (như Damisa nhái theo Danisa, Cozy nhái theo Cosy). Cơ sở này chưa được cấp phép sản xuất thực phẩm và thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có dấu hiệu làm giả công bố chất lượng sản phẩm. 

“Chị mua bốn hộp bánh này chỉ có 120.000 đồng, làm được giỏ quà siêu to để đem tặng. Đối tác chỉ thích giỏ quà to, không quan tâm bên trong là thương hiệu bánh gì. Khách bên em rất chuộng bánh này để đem biếu, tặng nhưng lượng hàng về có hạn, nếu không mua nhanh sẽ hết. Nhiều người nói bánh nhái là không đúng, vì bánh này có tên, có công ty sản xuất hẳn hoi. Không lẽ người có tên trùng tên là đồ giả, đồ nhái hay sao?” - nhân viên tại đây nói rồi chỉ tay cho chúng tôi xem nhiều nhân viên đang khuân hàng chuẩn bị đi giao. 

Nhìn sơ qua, rất khó nhận ra sự khác biệt trên bao bì bánh Damisa với thương hiệu bánh Danisa của Tập đoàn Mayora bởi kiểu dáng, hình ảnh giống nhau; bánh Goszy cũng có tên na ná thương hiệu bánh quy Cosy của Tập đoàn Kinh Đô; bánh Milano có tên giống nhãn hàng Milano thuộc Pepperidge Farm của Mỹ); bánh Huran Delin có tên gần giống thương hiệu Hura Deli của Công ty cổ phần Bibica. 

Các loại bánh nhái thương hiệu nổi tiếng đang được bán công khai trên thị trường
Vỏ hộp bánh nhái được thiết kế khá bắt mắt nhưng thông tin khá sơ sài, chỉ ghi chung chung là được sản xuất tại cơ sở sản xuất Sơn Hà, đóng gói tại cơ sở bánh kẹo Tân Minh Khôi (khu công nghiệp Trường An, P.An Khánh, Q.Hoài Đức, TP.Hà Nội), số công bố chất lượng 2347/2016/YTHN/XNCB - là số do Sở Y tế TP.Hà Nội cấp, trong khi bánh kẹo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy công bố sản phẩm. Trên vỏ hộp có in mã vạch nhưng không có số mã vạch như quy định và còn ghi “hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa”.

Tại một điểm chuyên bán sỉ bánh trên đường Nguyễn Văn Tạo, H.Nhà Bè, TPHCM, chúng tôi được giới thiệu nhiều loại bánh nhái với giá chỉ 25.000 đồng/hộp 450g, như bánh Oreon được nhái theo thương hiệu Oreo thuộc Công ty Bánh quy quốc gia Nabisco, Mỹ; bánh Gossy nhái thương hiệu bánh quy Cosy; bánh APC nhái thương hiệu AFC của Tập đoàn Kinh Đô; bánh KisKat nhái thương hiệu KitKat của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam; bánh Tippo nhái thương hiệu bánh trứng Tipo của Công ty Hữu Nghị. Tất cả sản phẩm này đều ghi nhà sản xuất Sơn Hà, đóng gói tại cơ sở bánh kẹo Tân Minh Khôi. 

Được biết, cơ sở sản xuất Sơn Hà còn tung ra thị trường nhiều loại bánh quy có tên “tiếng Tây” như Orange, Chocolate, Rositte, Bolitas, Caroly… Nhiều hộp bánh còn in cả chữ Hàn, chữ Nhật, khiến người mua có thể nghĩ đây là bánh ngoại nhập. 

Khui những hộp bánh nhái này, chúng tôi khá sốc vì kiểu làm ăn “treo đầu dê bán thịt chó”. Như bánh Huran Delin, bên ngoài vỏ hộp giới thiệu là bánh bông lan hương sữa dâu, nhưng bên trong lại là bánh quy. Tất cả những hộp bánh mà chúng tôi mua về ghi trọng lượng 450g nhưng bên trong chỉ vỏn vẹn 11 cái bánh quy khô khốc, trọng lượng chưa đến 100g. Để hộp bánh được đủ trọng lượng, trong mỗi hộp đều gắn kèm theo một thanh ván ép, bìa cứng khá nặng.

Doanh nghiệp khiếu nại nhưng không ăn thua

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica - thừa nhận bị một số cơ sở tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, TP.Hà Nội nhái thương hiệu. Các loại bánh nhái này được phân phối cho những khách hàng ưa giá rẻ, được bày bán lẫn lộn với sản phẩm có thương hiệu thật. 

{keywords}
Bên trong những hộp bánh này chỉ lèo tèo vài sản phẩm, kèm theo những bìa giấy cứng khá nặng để ăn gian trọng lượng

Bibica đã thường xuyên gửi văn bản khiếu nại đến cơ quan chức năng về thực trạng sản phẩm của công ty bị làm nhái. Doanh nghiệp cũng đã khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ vì cục đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với nhãn hiệu vánh Choco Bella cho Bibica nhưng trên thị trường lại xuất hiện loại bánh tương tự mang nhãn hiệu Choco-Bell của cơ sở P.M. (Q.8, TP.HCM). “Doanh nghiệp đã nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi nhưng các cơ sở làm bánh này đều làm “chui” nên cơ quan chức năng không giải quyết được” - ông Nguyễn Quốc Hoàng nói. 

Theo quy định hiện hành, mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả khá thấp, từ 200.000 đồng đến 30 triệu đồng, bên vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM), mức xử phạt hành chính như trên là không ổn, không đủ sức răn đe vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tiếp tục thu lợi từ việc nhái thương hiệu nổi tiếng. 

Một chủ doanh nghiệp cho biết, khi phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm nhái, họ ngại làm đơn gửi cơ quan chức năng do quy trình, thủ tục xử lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Theo đó, sau khi gửi đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp phải đợi kết quả giám định từ Viện Khoa học sở hữu trí thuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Khi có kết quả sản phẩm bị làm nhái, doanh nghiệp phải tiếp tục gửi đơn đến Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành để nhờ can thiệp, thu hồi sản phẩm, thời gian chờ thu hồi mất từ 2-3 tháng. Nếu bên vi phạm kiện ngược lại, thời gian đợi tòa xử kéo dài hàng năm trời. 

Theo các chủ doanh nghiệp, việc làm nhái sản phẩm thực phẩm không chỉ tạo bất công trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải nâng mức xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng. 

Luật gia Phan Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - cho biết trong năm 2020, hội tiếp nhận hơn 200 vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều vụ bị lừa mua hàng giả, hàng nhái qua mạng xã hội Facebook. Trong nhiều nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn được tiêu thụ, có nguyên nhân người tiêu dùng ham rẻ. Do đó, chính người tiêu dùng cũng cần chủ động chống hàng giả, hàng nhái, nói không với hàng kém chất lượng. Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, cần thông báo với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời ngăn chặn hàng dỏm lưu thông trên thị trường. 

(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)