Trong buổi thảo luận sáng 13/6 tại Quốc hội, nhiều đại biểu đặt ra các câu hỏi về việc giá thịt lợn trên thị trường bị đẩy lên mức rất cao trong suốt thời gian dài. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, giá tăng cao đã không thể giải quyết được suốt hơn một năm qua.

Bà quy trách nhiệm cho Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá các hộ nuôi lợn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên chưa có gói kích cầu nào hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn giúp tập trung tái đàn.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra 3 nhóm giải pháp cho vấn đề giá thịt lợn tăng cao. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng ý kiến của người đứng đầu ngành nông nghiệp chưa thuyết phục.

Chuyển sang ăn thịt gà, tôm, cá

Mở đầu phần phát biểu, Bộ trưởng Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân cơ bản làm biến động giá thịt lợn. Xấp xỉ 6 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy vì dịch bệnh. Đàn lợn trên cả nước vì thế giảm 20% về số lượng, gần 10% về khối lượng. “Quy luật cung cầu chưa gặp nhau thì giá tăng”, ông Cường nói.

Theo kế hoạch phục tái đàn của ngành nông nghiệp, đến quý IV/2020, đàn lợn trên cả nước sẽ phục hồi về số lượng 31 triệu con như trước khi dịch tả châu Phi xảy ra. Ngành nông nghiệp đang tập trung đẩy nhanh quá trình tái đàn nhưng phải làm bền vững khi nguy cơ dịch quay lại rất cao. Do đó, không thể tái đàn bừa bãi.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình về vấn đề giá thịt lợn tăng cao trước Quốc hội chiều 13/6.

Một vấn đề khác theo Bộ trưởng Nông nghiệp là giá lợn giống hiện nay rất đắt và cần cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Cường chia sẻ Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu 15 doanh nghiệp lớn không chỉ chăm lo con giống cho mình mà phải bán cho thị trường. Ông kiến nghị các địa phương cần hỗ trợ nông dân. Bộ trưởng lấy ví dụ Hà Nội đã hỗ trợ 4 triệu, Nghệ An 2 triệu đồng trên mỗi con lợn giống.

Bộ trưởng Cường cũng cho rằng cần truyền thông để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng. “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà rất tốt, cũng bà con nông dân sản xuất ra. Cá tôm, trứng cũng vậy, đều của nông dân. San sẻ thực phẩm ra vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, ông phát biểu.

Kết luận vấn đề, ông nhấn mạnh 3 nhóm giải pháp tập trung tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại, không để xảy ra việc trục lợi nhằm tăng giá.

“Đề nghị bộ trưởng xem lại giải pháp”

“Từng bước cố gắng để giá thịt lợn xuống mức hợp lý. Không kết luận giá bao nhiêu nhưng cung cầu gặp nhau càng sớm, già càng phù hợp nhất”, Bộ trưởng Cường cho hay.

Sau phần phát biểu của người đứng đầu ngành nông nghiệp, Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của ngành nông nghiệp nhưng chưa đồng tình với những giải pháp bộ trưởng đưa ra.

“Không thể nói thịt lợn giá đắt thì chuyển sang ăn thịt gà, trứng hay thịt khác. Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp”, ông Giang phản biện. Đại biểu đoàn Cà Mau đồng ý nguyên nhân giá tăng do quy luật cung cầu khi cung thiếu nhưng cầu nhiều. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các mệnh lệnh hành chính để hạ giá thịt lợn trong giai đoạn vừa qua không hiệu quả.

Ông Giang nêu thực trạng hộ chăn nuôi nuôi gia công cho doanh nghiệp chỉ thu được 4.000 đồng/kg thịt lợn. Theo ông, người nuôi lúc khó khăn không được lợi nhiều còn người tiêu dùng phải chịu giá cao. Trong khi đó, tư thương và các doanh nghiệp điều chỉnh làm cho giá thịt lợn không giảm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng đánh giá giải pháp của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn mang tính tình thế.

“Ví dụ giá heo hơi hiện nay cung không đủ cầu, có thể chuyển sang ăn những loại gia súc, gia cầm khác. Tôi cho rằng đây cũng là một giải pháp hay. Nhưng tới đây nếu cung cầu ngược lại, giá heo hơi lại có vấn đề nữa thì giải quyết như thế nào? Như vậy, quay lại ăn thịt heo là chính lại ảnh hưởng giá cả của các gia súc, gia cầm khác”, ông Xuân đặt câu hỏi.

Đại biểu này nhấn mạnh cần có những giải pháp đầu tư lâu dài, bền vững để không còn chuyện được mùa, mất giá cứ tiếp diễn, phải dùng đến những giải pháp tình thế và mong Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời.

(Theo Zing)